Những năm qua, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp thẩm quyền, UBND tỉnh cơ bản thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế. Giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ tinh giản biên chế của tỉnh đã vượt 1,13% so với quy định giảm 10%.
Những năm qua, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp thẩm quyền, UBND tỉnh cơ bản thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế. Giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ tinh giản biên chế của tỉnh đã vượt 1,13% so với quy định giảm 10%.
Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa H.Định Quán giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: H.THẢO |
UBND tỉnh đang tiếp tục phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy triển khai thực hiện Kết luận số 40-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Dù vậy, là tỉnh đặc thù, để thực hiện được đảm bảo các chỉ tiêu đề ra, công tác này cũng gặp không ít khó khăn, áp lực.
Tiếp tục tinh giản ít nhất 5% biên chế công chức
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quang Tú cho biết, thời gian qua, việc thực hiện công tác tinh giản biên chế đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt. Kết quả là trong giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã thực hiện đạt 11,3%, vượt 1,13% chỉ tiêu so với quy định giảm 10% của Trung ương.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị và xây dựng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hợp lý. Tuy vậy, việc thực hiện công tác này của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc không được khấu trừ tỷ lệ đã tinh giản vượt 10% (1,13%) của giai đoạn 2015-2021 là một áp lực lớn.
Tại hội nghị triển khai công tác của ngành Nội vụ năm 2023, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG nhấn mạnh, khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, Sở Nội vụ cần bám sát chỉ tiêu biên chế, tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch về yêu cầu đối với từng vị trí việc làm trong từng bộ phận, mỗi cơ quan, đơn vị; điều chỉnh các vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ, tạo động lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và hiệu quả của từng vị trí công việc trong các cơ quan, đơn vị… |
Cụ thể, năm 2022, tỉnh được trung ương giao là 3.041 biên chế công chức và 36.932 biên chế viên chức. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh, UBND tỉnh sau đó đã báo cáo trình HĐND tỉnh phê duyệt biên chế viên chức của tỉnh năm 2022 lên 38.113 chỉ tiêu.
Tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026, đến năm 2026 chỉ tiêu biên chế công chức khối nhà nước của tỉnh là 2.889 chỉ tiêu; biên chế viên chức là 33.848 chỉ tiêu.
Như vậy, so với năm 2022, đến hết năm 2026, tỉnh phải giảm tiếp tục 152 chỉ tiêu biên chế công chức, tương đương tỷ lệ tinh giản là 5%. Đồng thời, giảm 3.084 biên chế viên chức, tương đương tỷ lệ tinh giản 8,3% so với biên chế được trung ương giao và giảm 4.265 biên chế so với biên chế được HĐND tỉnh phê duyệt, tương đương tỷ lệ giảm 11,2%.
Kết luận số 40-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 nhấn mạnh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước…
Tại hội nghị triển khai công tác ngành Nội vụ năm 2023, đại diện một số đơn vị, địa phương nêu ý kiến, với đặc thù là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai có số lượng lớn dân nhập cư, kéo theo đó, khối lượng công việc phải thực hiện nhiều hơn. Do vậy, việc cắt giảm biên chế dẫn đến tăng áp lực công việc cho cán bộ, công chức, viên chức, khó đảm bảo hiệu quả công việc, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Mặt khác, hiện nay, các bộ ngành trung ương chưa ban hành định mức biên chế của các vị trí việc làm dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ biên chế…
Yêu cầu về khối lượng, chất lượng công việc ngày càng cao
Ông Hà Văn Hải, Phó trưởng phòng Nội vụ H.Thống Nhất cho hay, thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện thực hiện đến năm 2021 của Đồng Nai, đến năm 2022, UBND huyện thực hiện tinh giản 18 biên chế công chức (tinh giản vượt 5 biên chế so với lộ trình tinh giản biên chế của UBND huyện, đạt tỷ lệ 11,4%).
Ông Hà Văn Hải cho biết thêm, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện tinh giản biên chế công chức trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn do các nhiệm vụ chuyên môn tại các cơ quan tăng, đòi hỏi bố trí đủ số công chức thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như đối với việc thực hiện tinh giản viên chức sự nghiệp, đặc biệt là sự nghiệp
GD-ĐT, do các công ty thuộc Khu công nghiệp Dầu Giây đang hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút đông đảo số lượng công nhân vào làm việc, từ đó kéo theo tăng dân số cơ học dẫn đến tăng số học sinh và tăng số lớp học, bắt buộc phải giao đủ số lượng người làm việc để đáp ứng yêu cầu giảng dạy...
Báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết, tổng số viên chức ngành GD-ĐT tỉnh cần tối thiểu để duy trì hoạt động là 33.762 viên chức, do đó, chỉ tính nhu cầu biên chế năm học 2022-2023 của ngành giáo dục đã chiếm 99,7% tổng số biên chế Trung ương giao giai đoạn 2022-2026. Như vậy, căn cứ tình hình thực tế số trường, số lớp, số học sinh có xu hướng tăng ở các năm tiếp theo, dự kiến nhu cầu biên chế ngành giáo dục đến năm 2026 là 39.991 biên chế. Chính vì vậy, việc tinh giản biên chế ngành giáo dục theo lộ trình giai đoạn 2022-2026 rất khó thực hiện. Nếu thực hiện cắt giảm biên chế theo lộ trình đến năm 2026, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng gần 3 ngàn giáo viên nghỉ việc (số viên chức có mặt trừ số giáo viên nghỉ hưu cao hơn số biên chế được giao), khoảng hơn 35 ngàn học sinh không thể đến trường do không có đủ giáo viên giảng dạy, do không thể dồn lớp học (nếu dồn lớp học sẽ vướng thực hiện trường chuẩn Quốc gia và nông thôn mới), không thể thực hiện xã hội hóa. Trường hợp thực hiện xã hội hóa thì nhiều học sinh không đủ điều kiện để theo học do chi phí cao…
Trong khi đó, theo UBND H.Nhơn Trạch, trong giai đoạn 2015-2021, huyện đã tinh giản vượt chỉ tiêu 2 biên chế theo quy định. Đối với giai đoạn 2022-2026, huyện tiếp tục lộ trình tinh giản 0,5%, tương ứng phải giảm 6 biên chế. Con số này cũng là áp lực lớn đối với huyện. Nguyên nhân chính là do Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực quản lý nhà nước cao hơn so với các địa phương khác.
Trưởng phòng Nội vụ H.Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Mạnh cho hay, số lượng biên chế của các phòng ban chuyên môn của huyện còn thiếu so với chỉ tiêu được giao. Tính đến ngày 31-11-2022, còn thiếu 12 biên chế dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp, phân công cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của các phòng ban chuyên môn.
Trước đó, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đơn vị, Sở Nội vụ đã có văn bản đề xuất Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban TVTU giai đoạn 2022-2026 chỉ thực hiện tinh giản 3,87% chỉ tiêu biên chế công chức (tương đương 118 chỉ tiêu), do giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã tinh giản biên chế công chức đạt tỷ lệ 11,13% (vượt 1,13% so với quy định).
Ban TVTU sau đó đã ban hành Kế hoạch số 206-KH/TU về quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2026, tỉnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế công chức theo quy định; đến cuối năm 2026, biên chế công chức của khối chính quyền của tỉnh tinh giản 5%, còn 2.889 chỉ tiêu. Đối với tỷ lệ 1,13% tỉnh đã tinh giản vượt giai đoạn 2015-2021, Ban TVTU sẽ tiếp tục báo cáo xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương xem xét, bổ sung.
Hồ Thảo