Nhiều bệnh viện trong tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng. Điều dưỡng phải trực liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình trong khi thu nhập lại quá thấp.
Nhiều bệnh viện trong tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng. Điều dưỡng phải trực liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình trong khi thu nhập lại quá thấp.
Điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhi. Ảnh: H.DUNG |
Nếu không sớm có giải pháp để ngăn “làn sóng” điều dưỡng nghỉ việc tại các bệnh viện công lập thì tình trạng thiếu điều dưỡng sẽ còn tiếp diễn và người chịu thiệt thòi không ai khác là bệnh nhân.
Hàng trăm điều dưỡng nghỉ việc
Bà Nguyễn Đỗ Thị Ngân Trang, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, tính từ năm 2017 đến nay, toàn bệnh viện có gần 200 điều dưỡng nghỉ việc. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện chỉ có 396 điều dưỡng/hơn 270 bác sĩ.
Trong 2 năm 2020 và 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều điều dưỡng có ý định nghỉ việc trước đó nhưng không nghỉ do lòng tự tôn nghề nghiệp. Nhiều điều dưỡng chia sẻ, thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu nhân viên y tế nghỉ việc, ai sẽ là người chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân. Bởi vậy, đến đầu năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nhiều điều dưỡng đã nghỉ việc sau một thời gian dài cùng đồng nghiệp “chiến đấu” với dịch bệnh. Tổng cộng trong 10 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có hơn 50 điều dưỡng nghỉ việc.
Theo bà Ngân Trang, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng điều dưỡng nghỉ việc hàng loạt vẫn là do áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại quá thấp. Cụ thể, điều dưỡng mới ra trường vào bệnh viện làm việc chỉ được nhận mức lương hơn 3 triệu đồng, cộng thêm hỗ trợ của bệnh viện được tổng cộng 5 triệu đồng. Với những điều dưỡng làm 25 năm như bà Trang, lương tháng là 8 triệu đồng, tính thêm các khoản phụ cấp khác được khoảng 12 triệu đồng.
Từ đầu năm đến giữa tháng 9-2022, toàn tỉnh có 540 cán bộ, viên chức, nhân viên ngành Y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, số lượng điều dưỡng nghỉ việc nhiều nhất với 157 người, tiếp đến là bác sĩ với 155 người, còn lại là nhân viên kỹ thuật, nhân viên hành chính… |
“Theo quy định của Bộ Y tế, để đảm bảo hoạt động, bệnh viện phải đạt tỷ lệ 0,5 điều dưỡng/giường bệnh, nhưng đến nay tỷ lệ này tại bệnh viện mới đạt 0,4. Điều dưỡng liên tục nghỉ việc khiến những người ở lại phải choàng gánh công việc cho nhau rất vất vả. Bên cạnh đó, điều dưỡng tại bệnh viện chủ yếu là nữ, nhiều người đang trong độ tuổi sinh đẻ nên thường xuyên có những trường hợp nghỉ thai sản. Do vậy, số điều dưỡng làm việc thực tế tại bệnh viện luôn thấp hơn số điều dưỡng mà bệnh viện có” - bà Ngân Trang cho hay.
Cũng đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng là Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh viện có 37 điều dưỡng nghỉ việc, gồm 31 viên chức và 6 hợp đồng. Toàn bệnh viện hiện còn 338 điều dưỡng. Tình trạng điều dưỡng nghỉ việc với số lượng lớn khiến bệnh viện gặp vô vàn khó khăn.
ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, khoa điều trị các ca bệnh nặng, đặc biệt nặng của nhiều loại bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phổi... Do đặc thù của bệnh nên điều dưỡng trong khoa phải luôn theo sát bệnh nhi để nhận biết diễn tiến ca bệnh, kịp thời xử trí và báo cho bác sĩ khi cần thiết. Công việc vốn đã vất vả, nay lại thiếu hụt điều dưỡng nghiêm trọng khiến áp lực của điều dưỡng trong khoa càng nặng nề hơn.
“Hiện tại, điều dưỡng của khoa nói riêng và toàn bệnh viện nói chung phải trực tua 3 (tức là ngày đầu tiên điều dưỡng trực 1 ngày 1 đêm, ngày thứ 2 được nghỉ, ngày thứ 3 đi làm giờ hành chính, ngày thứ 4 tiếp tục trực 1 ngày 1 đêm). Có thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát dữ dội, 1 điều dưỡng được phân công theo dõi 5 bệnh nhân sốt xuất huyết, liên tục mỗi giờ phải đếm mạch, đo huyết áp, đo nhịp thở, tính lượng nước tiểu của bệnh nhân, cứ 3 tiếng phải đo nhiệt độ cho bệnh nhân để nắm bắt tình hình bệnh và báo cáo bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm nếu cần thiết. Có những hôm có ca bệnh nặng phải cấp cứu thở máy, lọc máu liên tục, điều dưỡng phải làm việc hơn 100% công suất, đến tận chiều mới được ăn cơm trưa” - BS Kiều Trang tâm sự.
Không có nguồn để tuyển dụng
Mặc dù đã “đặt hàng” Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai để tuyển dụng điều dưỡng khi các em ra trường nhưng nhiều tháng qua, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chỉ tuyển được 22 điều dưỡng. Trưởng phòng Điều dưỡng của bệnh viện Nguyễn Đỗ Thị Ngân Trang dự báo, trong số những điều dưỡng đang làm việc tại bệnh viện sẽ còn có nhiều trường hợp xin nghỉ sau 9 tháng làm việc, có chứng chỉ hành nghề. Bởi lẽ, hiện tại công việc của điều dưỡng khá áp lực nhưng lương chỉ có 5 triệu đồng. Trong khi các bệnh viện tư nhân, các phòng khám đa khoa tư nhân đang mời gọi điều dưỡng ở mức lương gấp đôi mà không phải trực ban đêm.
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa) chăm sóc da cho bệnh nhân |
Bà Cao Thị Hải Yến, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, toàn bệnh viện hiện có 600 điều dưỡng, đạt tỷ lệ gần 2 điều dưỡng/bác sĩ, đảm bảo yêu cầu hoạt động. Mặc dù thời điểm này bệnh viện vẫn tuyển dụng “lai rai” được điều dưỡng nhưng về lâu về dài sẽ không bền vững. Do vậy, ngoài việc tuyển dụng điều dưỡng mới ra trường của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai còn tuyển dụng cả điều dưỡng của Trường đại học Công nghệ Đồng Nai và các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành Điều dưỡng ở các tỉnh phía Bắc.
“Chúng tôi đang lo ngại đến đầu năm 2023, tình trạng điều dưỡng nghỉ việc ồ ạt sẽ tiếp tục tái diễn và phải chờ đến khoảng tháng 9-2023, bệnh viện mới có thể tuyển được lứa điều dưỡng mới, vì khi đó sinh viên chuyên ngành Điều dưỡng mới tốt nghiệp ra trường” - bà Hải Yến cho hay.
Hạnh Dung