Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp 'sốt ruột' vì lãi suất và 'room' tín dụng

07:11, 03/11/2022

Cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng ngày càng nóng. Nhiều ngân hàng liên tục thông báo tăng lãi suất huy động, trong khi đang thời điểm cuối năm, nhiều khách hàng, doanh nghiệp (DN) lo ngại lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất vay vốn tăng, nhất là khi hạn mức (room) tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn còn gặp khó.

Cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng ngày càng nóng. Nhiều ngân hàng liên tục thông báo tăng lãi suất huy động, trong khi đang thời điểm cuối năm, nhiều khách hàng, doanh nghiệp (DN) lo ngại lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất vay vốn tăng, nhất là khi hạn mức (room) tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn còn gặp khó.

Ngành ngân hàng trong tỉnh tiếp tục chú trọng nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm. Trong ảnh: Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa
Ngành ngân hàng trong tỉnh tiếp tục chú trọng nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm. Trong ảnh: Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

* Lãi suất tiền gửi liên tục tăng cao

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã thông báo điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25-10. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua NHNN Việt Nam tăng lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,5% lên 1%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 5% lên 6%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường…

Ngay sau động thái này của NHNN, từ cuối tháng 10-2022, nhiều ngân hàng tiếp tục cập nhật, tăng lãi suất tiền gửi huy động tùy kỳ hạn, hình thức gửi tiết kiệm, trong đó đối với các khoản tiền gửi với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, phần lớn các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động lên mức tối đa là 6%.

Đối với các kỳ hạn trên 6 tháng chứng kiến “cuộc đua” về lãi suất huy động của hàng loạt ngân hàng. Nhiều ngân hàng tăng lãi suất từ 1-1,2%. Đặc biệt, ở một số kỳ hạn, hình thức gửi, chương trình khuyến mãi, một số ngân hàng đã tăng mức lãi suất lên cao từ 9-11%.

Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai TẠ THÀNH LONG chia sẻ, trong thời gian tới, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đồng hành với DN, tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới từ nay đến cuối năm.

Chi nhánh đã công bố đường dây nóng 02513.824.374 để tiếp nhận thông tin về hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các nội dung thuộc thẩm quyền, cũng như báo cáo và kiến nghị với NHNN Việt Nam các nội dung cần có sự hướng dẫn từ Trung ương và sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan.

Đơn cử, ngày 25-10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã cập nhật mức lãi suất huy động, trong đó các kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất huy động tăng từ 0,95-1,2%/năm, lên mức 7-7,25%/năm…

Theo biểu lãi suất mới công bố ngày 26-10 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn từ 15-36 tháng đều tăng lên mức 9,3%/năm, cũng là mức cao nhất thị trường hiện nay. Tương tự, trong ngày 26-10, đối với Ngân hàng Bản Việt, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng lên mức 7,6-8,2%/năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đã đưa ra sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng với mức lãi suất trong 3 tháng đầu lên tới 11%/năm, tuy nhiên 6 tháng cuối lãi suất chỉ còn 5,95%/năm. Nếu gửi theo chương trình này, khách hàng cũng không được rút trước hạn. Tương tự, ở kỳ hạn 12 tháng thì 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…

Nhiều ý kiến lo ngại lãi suất huy động tăng cao có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Quyết Thắng chia sẻ, lãi suất vay tăng trong khi tỷ suất lợi nhuận trong quá trình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN vẫn giữ nguyên, thậm chí thu hẹp lại vì thị trường nhiều biến động. Điều này khiến cho các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa không dám mở rộng quy mô sản xuất vì lo ngại không đủ khả năng để trả lãi, trả nợ ngân hàng khi lãi suất liên tục tăng cao. Hơn thế nữa, thời gian qua, khi ngân hàng thẩm định hồ sơ tín dụng sẽ căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trong 2 năm gần đây, nếu đủ điều kiện mới mới cấp khoản vay. Trong khi 2 năm gần nhất, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều biến động, tình hình kinh doanh của nhiều DN gặp nhiều khó khăn, doanh thu chưa được như kỳ vọng, thậm chí lỗ vốn nên khó có thể đáp ứng điều kiện vay vốn khi xét đúng quy trình nói trên.

* “Hồi hộp” chờ vay vốn cuối năm

Thực tế hiện nay, do việc hạn chế về “room” tín dụng nên một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân các khoản vay mới. Điều này khiến cho nhiều DN chưa dễ tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là đối với khoản vay ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm đang rất “nóng”.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện chia sẻ, hiện nay vấn đề về “room” tín dụng vẫn là vấn đề nóng. Thực tế, một số ngân hàng thương mại hiện không còn hạn mức tín dụng để cho vay, trong khi khách hàng có nhu cầu vay để khôi phục hoặc đầu tư phát triển sản xuất. Điều này dẫn đến việc để triển khai giải ngân cho DN vay vốn, nhất là các gói hỗ trợ lãi suất sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại…

Nhiều DN nhỏ và vừa chia sẻ, dịp cuối năm hoạt động kinh doanh khá nhộn nhịp, nhu cầu về vốn lưu động tăng cao, trong khi nguồn vốn vay chưa thỏa “cơn khát” về vốn của nhiều DN trong bối cảnh hiện nay vì những khó khăn về room tín dụng.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN nhỏ và vừa, trang trại chăn nuôi trong tỉnh gặp nhiều khó khăn nên để đáp ứng điều kiện vay vốn rất khó. Do đó, các DN này mong muốn các ngân hàng có phương án hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại nợ… để có thể có thêm nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc một DN vận tải hàng hóa ở TP.Biên Hòa cho hay, những tháng cuối năm, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thị trường xăng dầu có nhiều biến động. Do đó, DN mong muốn ngân hàng hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn ưu đãi để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Tương tự, Giám đốc HTX Ca cao Suối Cát (H.Xuân Lộc) Trương Văn Mỹ chia sẻ, hiện nay, HTX rất mong muốn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, trong đó có việc tiếp cận từ chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) của Chính phủ về hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, vẫn còn vướng các thủ tục, thẩm định vay vốn.


Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:

Với quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao với các đề xuất, kiến nghị của DN và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép. Những gì tỉnh đã làm được phải làm tốt hơn, chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể, các kiến nghị không giải quyết được ở cấp địa phương thì sẽ kiến nghị lên cấp trung ương với mục tiêu đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được ổn định trở lại và tiếp tục phát triển…

UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chủ động triển khai các giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm theo định hướng của NHNN Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát nợ xấu; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới. Đồng thời, hỗ trợ và đồng hành với DN, người dân vượt qua khó khăn. Xem xét, điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay…

Hải Hà (ghi)


Hải Quân

Tin xem nhiều
Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng