Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm doanh nghiệp mua đất ''vàng''

07:10, 18/10/2022

Năm 2022, Đồng Nai dự tính sẽ đấu giá 15 khu đất lợi thế có diện tích lớn gần 158ha, với giá khởi điểm hơn 2,8 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10-2022, chưa đấu giá được khu nào. Do đó, tỉnh đang gấp rút hoàn thành thủ tục, mời gọi doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá đất "vàng".

Năm 2022, Đồng Nai dự tính sẽ đấu giá 15 khu đất lợi thế có diện tích lớn gần 158ha, với giá khởi điểm hơn 2,8 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10-2022, chưa đấu giá được khu nào. Do đó, tỉnh đang gấp rút hoàn thành thủ tục, mời gọi doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá đất “vàng”.

Khu đất Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cơ sở 2 (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) sắp đưa ra đấu giá
Khu đất Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cơ sở 2 (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) sắp đưa ra đấu giá

Theo UBND tỉnh, dự kiến trong những tháng cuối năm sẽ tiến hành đấu giá 6 khu đất lớn để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nguồn vốn đấu giá đất sẽ được tỉnh sử dụng đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn Đồng Nai.

* Vướng mắc về thủ tục

Trong năm 2019-2020, Đồng Nai đấu giá thành công một số khu đất công lớn thu về hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó có khu đất gần 100ha ở xã Long Đức (H.Long Thành) bán được hơn 3 ngàn tỷ đồng; khu đất trên 50ha ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) đấu giá hơn 1,6 ngàn tỷ đồng; khu đất hơn 20ha ở P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) đấu giá được trên 1,1 ngàn tỷ đồng... Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, việc đấu giá các khu đất công gặp nhiều vướng mắc liên quan đến các chính sách.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Vinh nhận xét: “Năm 2022, các khu đất công dự kiến sẽ đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch chưa đảm bảo tiến độ do vướng khâu điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh quy hoạch cục bộ xây dựng, xác định trường hợp phải lập dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các khu đất có chức năng sử dụng là đất ở”.

Cũng theo ông Vinh, một số khu đất chuẩn bị đấu giá lại vướng Luật Đầu tư năm 2020. Đơn cử, dự án thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất phải có chấp nhận chủ trương đầu tư trước khi tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, về thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh chưa quy định đối với các dự án đầu tư có mục đích là thương mại dịch vụ, giáo dục - đào tạo, chợ, y tế, cụm công nghiệp... Hiện Sở TN-MT đã có văn bản gửi Sở KH-ĐT để hướng dẫn trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các DN trên lĩnh vực bất động sản cho biết, họ rất muốn đấu giá những khu đất lợi thế ở Đồng Nai để triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị, trung tâm thương mại dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Đây là thuận lợi cho tỉnh trong việc mời gọi các DN có năng lực tham gia đấu giá các khu đất lớn.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho hay: “Trên địa bàn huyện có cụm công nghiệp làng nghề ở xã Bình Minh dự tính sẽ đưa ra đấu giá nhưng do vướng về thủ tục nên chưa triển khai được. Nếu hồ sơ sớm hoàn thành và đưa ra đấu giá sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời triển khai hạ tầng kỹ thuật tốt hơn để phát triển làng nghề”.

Trong 15 khu đất dự tính đưa ra đấu giá trong năm nay, TP.Biên Hòa có 5 khu, H.Cẩm Mỹ 2 khu, H.Trảng Bom 3 khu, H.Long Thành 2 khu và H.Thống Nhất 3 khu.

* Khó hoàn thành kế hoạch

Hơn 2 tháng cuối năm, tỉnh lên kế hoạch phải đấu giá thành công 6/15 khu đất vàng. Trong đó, H.Cẩm Mỹ có 2 khu là Cụm công nghiệp Long Giao và khu đất tại TT.Long Giao; H.Trảng Bom 2 khu ở thị trấn; TP.Biên Hòa 1 khu và H.Thống Nhất là khu hồ sen ở xã Hưng Lộc. Các khu đất trên có giá khởi điểm gần 790 tỷ đồng. Có 4 khu đất có giá khởi điểm lớn là Cụm công nghiệp Long Giao 309 tỷ đồng, trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp với nhà ở tại TT.Trảng Bom giá khởi điểm hơn 205 tỷ đồng, khu hồ sen ở xã Hưng Lộc 136 tỷ đồng, khu đất ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) hơn 105 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các sở, ngành, địa phương thì kế hoạch trên rất khó hoàn thành vì thời gian còn rất ít, trong khi hồ sơ để đưa ra đấu giá quyền sử dụng những khu đất trên vẫn chưa xong. Cụ thể, còn đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/500, chưa ban hành giá bồi thường cây cao su, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thống nhất việc lập chủ trương đầu tư.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Vũ Hoài Hạ cho biết: “Có 3 trường hợp đất đưa ra đấu giá phải có chấp nhận chủ trương đầu tư là dự án nhà ở, sân golf, liên quan đến đất quốc phòng. Còn lại không phải có chấp nhận chủ trương đầu tư vẫn có thể triển khai các thủ tục tiếp theo để đấu giá quyền sử dụng đất”. Như vậy, các khu đất có quy hoạch thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế… không thuộc 3 trường hợp trên sẽ đơn giản khâu chờ chấp nhận chủ trương đầu tư.

Liên quan đến vướng mắc về ban hành giá bồi thường cây cao su, các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn không chỉ với những khu đất đấu giá, các dự án có đất cao su cũng đang bị “nghẽn” ở khâu này không thể triển khai. “Trên địa bàn H.Long Thành có một số khu đất đấu giá, dự án đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng có vướng đất cao su phải đợi ban hành giá bồi thường mới hoàn thiện được hồ sơ, thủ tục. Do đó, H.Long Thành có 12 khu đất dự tính đưa ra đấu giá nhưng khả năng chỉ có 4 khu đủ điều kiện” - Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân chia sẻ.

Trong đấu giá quyền sử dụng đất, Đồng Nai đã phân quyền cho các địa phương nên những khu đất có giá dưới 20 tỷ đồng sẽ do các huyện, thành phố tổ chức đấu giá; những khu đất từ 20 tỷ đồng trở lên sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức đấu giá. Do đó, ngoài 15 khu đất lớn dự tính đưa ra đấu giá trong năm 2022, các địa phương cũng tiến hành đấu giá những khu đất có giá trị nhỏ để có thêm nguồn kinh phí đầu tư các tuyến đường giao thông trên địa bàn.                                                                  

Chính sách cho đấu giá chưa rõ ràng

Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh LÊ SỸ LÂM cho rằng, hiện nay đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Đồng Nai còn gặp khó khăn ở khâu thuê đơn vị thẩm định giá đất và thẩm định tài sản trên đất. Đơn cử như: khu Đảo Ó - Đồng Trường trên hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu) dự tính đưa ra đấu giá vào năm nay nhưng chưa thực hiện được vì đất công, nhưng tài sản trên đất lại của doanh nghiệp, nếu gộp lại để đấu giá lại không phù hợp.

Khánh Minh


Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:

Dự tính đấu giá 105 khu đất

Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai cần nguồn vốn lớn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn đó, tỉnh chủ yếu trông đợi vào đấu giá các khu đất lợi thế ở những tuyến đường nâng cấp, mở mới tại các địa phương như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ… Năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ đấu giá khoảng 105 khu đất có diện tích gần 782ha, giá khởi điểm tạm tính theo giá đất giai đoạn 2020-2024 là hơn 12,9 ngàn tỷ đồng. Trong đó có 40 khu đất có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên và 65 khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng. UBND tỉnh đang yêu cầu các sở, ngành phối hợp với các địa phương nhanh chóng gỡ khó về thủ tục các khu đất để sớm đưa ra đấu giá, có vốn đầu tư các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh để phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM NGUYỄN HOÀNG CHÂU:

Doanh nghiệp muốn đấu giá đất để thực hiện dự án

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) rất muốn đấu giá đất ở các tỉnh, thành để triển khai các dự án bất động sản vì sẽ giảm bớt được nhiều thủ tục trong đầu tư. Như vậy dự án sẽ rút ngắn được thời gian triển khai, sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Đồng thời, đấu giá quyền sử dụng đất cũng giúp cho các dự án triển khai minh bạch hơn, vì các doanh nghiệp phải có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm mới có thể tham gia các dự án lớn. Các địa phương có thể thông qua đấu giá đất lựa chọn các DN có thực lực để triển khai các dự án theo đúng quy hoạch. Đồng Nai là nơi có nhiều DN muốn tham gia đấu giá các khu đất “vàng” với diện tích lớn để triển khai dự án.

Hương Giang (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích