Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút đầu tư trong nước: Khi nào tháo được điểm nghẽn?

07:10, 08/10/2022

Thu hút đầu tư trong nước của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2022 chỉ bằng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách, đất đai và các dịch vụ khác đi kèm.

Thu hút đầu tư trong nước của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2022 chỉ bằng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách, đất đai và các dịch vụ khác đi kèm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao đổi với doanh nghiệp về môi trường đầu tư bên lề Hội nghị chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới vào giữa tháng 6-2022
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao đổi với doanh nghiệp về môi trường đầu tư bên lề Hội nghị chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới vào giữa tháng 6-2022. Ảnh: H.Giang

Theo Sở KH-ĐT, tính đến ngày 20-9-2022, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư, bao gồm cả các dự án trúng đấu giá, đấu thầu và điều chỉnh tăng vốn đạt gần 2,1 ngàn tỷ đồng. Các dự án thu hút vốn đầu tư mới và tăng vốn trong nước chủ yếu ở trong khu công nghiệp (KCN).

* Ít dự án đầu tư mới và tăng vốn

Trong 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn tỉnh chỉ cấp mới 7 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 650 tỷ đồng, bằng 6,2% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2021. Cùng thời điểm này của năm 2021, Đồng Nai đã thu hút 24 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 10,5 ngàn tỷ đồng. Như vậy, số dự án cấp mới năm nay thấp hơn 3 lần, vốn thấp hơn khoảng 16 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cũng chỉ có 10 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung hơn 1,4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá: “Thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài của Đồng Nai từ đầu năm đến nay rất thấp. Đây là lần đầu tiên tỉnh rớt hạng từ tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư xuống thứ hạng gần 20. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thu hút đầu tư thấp nhưng chủ yếu vẫn là vướng về các luật, hồ sơ thủ tục, đất đai”.

Tuy thu hút đầu tư trong nước giảm mạnh nhưng Đồng Nai vẫn kiên định với mục tiêu tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Ông Mã Văn Khanh, Giám đốc Phát triển dự án Tập đoàn Nam Long chia sẻ: “Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng để đầu tư các dự án về bất động sản và tập đoàn đang triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các dự án đang gặp một số vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở…, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu hoàn tất hồ sơ để được cấp chứng nhận đầu tư triển khai dự án”.

CLB Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày hội giao thương tại TP.HCM để các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác Ảnh: KHÁNH MINH
CLB Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày hội giao thương tại TP.HCM để các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác Ảnh: KHÁNH MINH

Hiện nay, quỹ đất công nghiệp của tỉnh còn lại có thể cho nhà đầu tư thuê rất ít, do một phần còn vướng bồi thường giải tỏa, một phần chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, thủ tục chấp thuận chủ trương dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phức tạp, kéo dài, chưa đáp ứng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư. Các dự án trên lĩnh vực khác như: bất động sản, thương mại dịch vụ, logistics… cũng bị ách tắc hàng loạt do vướng các luật, văn bản dưới luật. Những năm trước, bất động sản là lĩnh vực Đồng Nai thu hút được nguồn vốn lớn từ các tập đoàn trong nước, nhưng năm 2022 không có dự án kinh doanh bất động sản nào được chấp thuận chủ trương đầu tư nên dòng vốn đầu tư trong nước sụt giảm sâu.

* Chưa gỡ được những điểm nghẽn

Đồng Nai đang gặp 4 điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ nhanh thì thu hút đầu tư trong nước mới khởi sắc trở lại. Trong đó có những vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị… và các văn bản dưới luật để giải quyết các thủ tục đầu tư.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết: “Các luật trên có nhiều điểm vênh nhau nên rất khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thực hiện các hồ sơ thủ tục để đề nghị cấp giấy chứng nhận, chủ trương đầu tư. Các vướng mắc trên phải được tháo gỡ nhanh thì các doanh nghiệp mới có thể bỏ vốn đầu tư vào các dự án”.

Một nguyên nhân nữa khiến Đồng Nai mất đi nhiều nguồn vốn lớn dự tính đầu tư vào công nghiệp là quỹ đất còn lại trong các KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh còn rất ít, nhất là những KCN ở những địa bàn trọng điểm như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Biên Hòa. Bên cạnh đó, việc cấp phép các dự án đầu tư trong nước ở ngoài KCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chính sách pháp luật còn chồng chéo. Quy hoạch xây dựng một số địa phương có khả năng thu hút các dự án đầu tư lớn như là H. Long Thành lại đang phải chờ được phê duyệt các dự án khu dân cư, khu đô thị theo quy định và phải thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, một số hồ sơ dự án đến nay chưa đủ điều kiện để tổ chức đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật. Dự án đầu tư hạ tầng KCN thì gặp vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư do vướng đất cao su, đất công.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành Lê Văn Kiểm chia sẻ: “Công ty dự tính sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật một số KCN tại Đồng Nai nhưng khó khăn nhất là làm hồ sơ, vì liên quan đến sự chồng chéo, vênh nhau của các luật dẫn đến các vướng mắc, kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục để đầu tư. Công ty đã có đề nghị Chính phủ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên để khơi thông cho doanh nghiệp triển khai dự án. Các dự án thực hiện nhanh sẽ góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tăng thu ngân sách cho Nhà nước”.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Đất tiềm năng Cơ hội tài chính