Hôm nay 5-9, hơn 40 ngàn giáo viên và trên 730 ngàn học sinh các bậc học của tỉnh chính thức bước vào năm học 2022-2023 với khí thế, quyết tâm trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Hôm nay 5-9, hơn 40 ngàn giáo viên và trên 730 ngàn học sinh các bậc học của tỉnh chính thức bước vào năm học 2022-2023 với khí thế, quyết tâm trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Học sinh Trường tiểu học Quang Vinh (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã sẵn sàng bước vào năm mới học. Ảnh: C.NGHĨA |
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ chia sẻ: “Sau 3 năm học liên tiếp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt là năm học 2021-2022 vừa qua, năm học này toàn ngành đang quyết tâm đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục”.
Vượt qua thách thức
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp dân số đông, vấn đề tăng dân số cơ học đã tạo sức ép lên nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Với trên 920 cơ sở giáo dục, hơn 730 ngàn học sinh ở các bậc học, quy mô ngành GD-ĐT của tỉnh hiện xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Điều đó càng cho thấy nhu cầu đầu tư cho giáo dục hằng năm của tỉnh đối với GD-ĐT là rất lớn. Trong đó, có những địa phương chi cho hoạt động giáo dục hằng năm chiếm tới hơn 50% chi thường xuyên. Dù đầu tư rất lớn cho giáo dục, nhưng sự quá tải về trường lớp, nguy cơ học ca 3 vẫn luôn là nỗi lo thường trực và khó giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh Học sinh Đồng Nai không phải chỉ có đủ trường lớp mà phải có trường lớp tốt, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục dành nguồn lực xứng đáng để đầu tư cho hệ thống trường lớp. Không được để xảy ra học ca 3, không được để học sinh phải bỏ học vì bất cứ lý do gì. Phải đặc biệt quan tâm chuẩn bị kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh, trong đó có kỹ năng tiếng Anh, vì hội nhập mà không giỏi tiếng Anh sẽ là một thiệt thòi. |
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Ngô Thị Thanh Thủy chia sẻ: “Năm nay trường có hơn 4 ngàn học sinh với trên 80 lớp học, tiếp tục trở thành trường tiểu học công lập đông nhất trong số 3 trường tiểu học của phường. Sĩ số học sinh mỗi lớp nhiều năm nay luôn trong tình trạng quá tải, trung bình gần 50 em/lớp (quy định chuẩn không quá 35 em). Khó khăn là vậy nhưng ban giám hiệu và giáo viên nhà trường sẽ tiếp tục cố gắng đảm bảo chất lượng dạy và học”.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, năm học mới này thành phố đã kịp đưa 3 công trình trường học mới vào sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều trường trên địa bàn được xây dựng thêm phòng học nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn học ca 3, đồng thời giúp các trường nâng cao chất lượng dạy và học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong năm học 2022-2023, thành phố sẽ tập trung khởi công xây dựng thêm nhiều công trình trường học mới đã có trong kế hoạch, nhất là ở những phường có dân số đông, nhu cầu về trường lớp rất cao, nguy cơ tái diễn học ca 3 lớn.
H.Long Thành đang đứng trước cơ hội từ cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ khai thác vào năm 2025, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đang là một thách thức lớn.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Cùng với nhanh chóng hiện đại hóa trường lớp các bậc học, huyện đã có kế hoạch tập trung nâng cao chất lượng dạy và học cho từng cấp học. Từ năm học này, H.Long Thành sẽ tăng cường dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 trở lên, tương lai công dân của huyện sẽ có kỹ năng ngoại ngữ tốt đón những cơ hội từ hội nhập”.
Tạo đột phá về chất lượng
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch chia sẻ, với một tỉnh có quy mô giáo dục lớn như Đồng Nai, nhiệm vụ tạo đột phá trong dạy và học có ảnh hưởng rất quan trọng đến chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong tương lai gần. Nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển. Để thực hiện được mục tiêu đột phá đó thì phải thực hiện bằng được đột phá về chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) thăm Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) |
Trao đổi về những định hướng lớn của ngành GD-ĐT Đồng Nai năm học mới, ông Võ Ngọc Thạch cho biết, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh những nhiệm vụ cụ thể, như đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, đây là nhiệm vụ thường xuyên, có liên quan trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Trường chuẩn sẽ kéo theo nhiều nội dung chuẩn như: cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình, môi trường học tập. Nội dung tiếp theo là phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các bậc học. Chuẩn hóa không chỉ là bằng cấp, chứng chỉ mà sâu hơn là chất lượng, sẵn sàng đáp ứng được nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy và học khi toàn ngành đang triển khai mạnh mẽ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chuyển đổi số trong trường học là nội dung không mới nhưng đã được các địa phương và cơ sở giáo dục quan tâm nhiều hơn. Trưởng phòng GD-ĐT TP.Long Khánh Trần Công Nghị cho rằng, sau 3 năm dạy và học “chung” với Covid-19, toàn ngành đã nhận thấy rõ những tác dụng vô cùng to lớn của công nghệ thông tin, hiểu rõ hơn khái niệm thế nào là “chuyển đổi số”. Nếu không có công nghệ thông tin, nhiều thời điểm mà dịch Covid-19 bùng phát trong 3 năm qua, hoạt động dạy và học có thể đã “tê liệt”.
Ông Trần Công Nghị cho biết, từ những kinh nghiệm và bài học thu được thời gian qua, năm học mới này ngành sẽ quyết liệt chuyển đổi số từ quản lý, đến dạy và học, đánh giá chất lượng dạy. Từng giáo viên sẽ phải chuyển đổi những cuốn giáo án cũ sang những trang giáo án điện tử trực quan, sinh động, từ đó kích thích đam mê học tập, sáng tạo trong học sinh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, năm học 2022-2023, tuy dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi dịch bệnh bùng phát trở lại trong trường học sẽ tiếp tục gây khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học. Phải tiếp tục vừa dạy vừa củng cố chất lượng học tập của học sinh, quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng dạy văn hóa và dạy nghề trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Học sinh phải được giáo dục và rèn luyện sâu về chính trị tư tưởng, kỹ năng sống và kỹ năng ngoại ngữ để mỗi học sinh khi trưởng thành sẽ không chỉ giàu kiến thức mà còn phải giàu lòng yêu nước, tự tin hội nhập, trở thành những công dân năng động, có đóng góp tích cực cho xã hội.
Công Nghĩa
Hiệu trưởng Trường THPT Nam Hà (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) LƯƠNG TOÀN THUẬN:
Ưu tiên hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Năm học này là năm đầu tiên nhà trường triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với khối 10, vì vậy nhà trường đã có sự chuẩn bị khá chu đáo về đội ngũ giáo viên, chương trình dạy và học. Kiến thức và kỹ năng là những điều rất cần thiết cho học sinh, do đó trong năm học này chúng tôi sẽ ưu tiên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, giúp các em có thể tự tin chuyển hóa kiến thức sang vận dụng xử lý các tình huống thực tế của cuộc sống và hoạt động hướng nghiệp.
Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa) NGUYỄN THỊ KIM KHÁNH:
Mong tất cả trường học đều có cơ sở vật chất tốt
Trường THCS Thống Nhất chúng tôi cảm thấy những gì mà tỉnh và thành phố quan tâm đầu tư cho nhà trường là cơ bản đầy đủ, đáp ứng tốt được các điều kiện dạy và học hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi luôn xác định phải cố gắng nỗ lực sáng tạo trong dạy và học, giúp học sinh của trường không chỉ có kiến thức mà còn có kỹ năng tốt thông qua tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo. Năm học mới, chúng tôi mong mọi ngôi trường đều có cơ sở vật chất tốt như trường chúng tôi để học sinh nào cũng có điều kiện học tập tốt, phụ huynh an tâm.
Đặng Công (ghi)