Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp tăng thu hút đầu tư

03:08, 22/08/2022

Thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai từ đầu năm 2022 đến nay đạt thấp. Đây là lần đầu tiên Đồng Nai rớt khỏi tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư. Do đó, tỉnh đang tìm cách để tăng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực.

Thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai từ đầu năm 2022 đến nay đạt thấp. Đây là lần đầu tiên Đồng Nai rớt khỏi tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư. Do đó, tỉnh đang tìm cách để tăng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ hai từ phải sang) trao đổi với đại diện Tập đoàn De Heus (Hà Lan) sang tìm hiểu môi trường đầu tư của Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ hai từ phải sang) trao đổi với đại diện Tập đoàn De Heus (Hà Lan) sang tìm hiểu môi trường đầu tư của Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG

Theo UBND tỉnh, thu hút đầu tư trong nước của Đồng Nai 7 tháng năm 2022 đạt gần 610 tỷ đồng, bằng gần 5% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư FDI hơn 524 triệu USD, bằng 49% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn của doanh nghiệp (DN) đa số “đổ” vào các dự án tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Dòng vốn vào Đồng Nai chững lại

Trong 3 thập niên qua, Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI. Thế nhưng, năm 2022, tỉnh đã “rớt” hạng khỏi danh sách 10 tỉnh, thành dẫn đầu Việt Nam. Dòng vốn của các DN vào tỉnh bị chững lại, đồng nghĩa với việc các dự án đầu tư mới, tăng vốn giảm sâu, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, nếu không tìm ra giải pháp khắc phục sẽ tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thu hút đầu tư trong nước, FDI của tỉnh thấp hơn nhiều so với năm trước là do có những vướng mắc trong các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, các quy định về tài sản công… Bên cạnh đó, Đồng Nai đang trong giai đoạn thực hiện quy hoạch chung của tỉnh nên các dự án muốn được cấp phép đầu tư phải đợi quy hoạch được phê duyệt.

Đồng Nai là nơi được rất nhiều DN trong nước, FDI chú ý và muốn đầu tư trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, bất động sản, thương mại dịch vụ, logistics, du lịch nghỉ dưỡng, hạ tầng kỹ thuật… nhưng do vướng về thủ tục, quy hoạch nên các DN chưa thể đăng ký vốn đầu tư để đưa vào triển khai dự án. Còn các KCN của tỉnh cũng đã hết diện tích đất lớn cho các nhà đầu tư thuê, một số dự án lớn từ vài trăm đến hơn 1 tỷ USD của DN FDI đã chuyển qua các tỉnh lân cận.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Năm 2022, kế hoạch thu hút đầu tư FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh là 700 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm. Dòng vốn FDI vào tỉnh năm nay không có sự đột phá là do các KCN thiếu đất công nghiệp với diện tích 5-10ha để cho DN thuê xây dựng nhà máy sản xuất. Vừa qua, nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu muốn triển khai dự án tại các KCN của tỉnh nhưng chưa tìm được đất để làm nhà xưởng”.

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn là hơn 85%, diện tích đất công nghiệp còn lại hơn 1 ngàn ha nhưng đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư thứ cấp thuê.

Tìm cách tăng thu hút đầu tư

Kế hoạch của Đồng Nai là năm 2022 sẽ thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn FDI, trong đó 700 triệu USD vào các KCN và 300 triệu USD ngoài KCN. Nếu Đồng Nai sớm hoàn thành quy hoạch chung của tỉnh để được phê duyệt và tháo gỡ những vướng mắc về hồ sơ thủ tục để các dự án ngoài KCN đủ điều kiện cấp chứng nhận đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn thì sẽ có sự đột phá trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tiếp Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM Madan Mohan Sethi đến tìm hiểu về môi trường đầu tư của Đồng Nai
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tiếp Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM Madan Mohan Sethi đến tìm hiểu về môi trường đầu tư của Đồng Nai. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các KCN như: Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), Ông Kèo (H.Nhơn Trạch), Sông Mây, Giang Điền, Hố Nai (H.Trảng Bom), Định Quán (H.Định Quán), công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành)… được đẩy nhanh tiến độ, giao đất cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để cho DN thứ cấp thuê thì thu hút đầu tư vào các KCN cũng tăng cao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay: “Vừa qua, tỉnh đã tiến hành làm việc với các công ty hạ tầng KCN trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của từng KCN để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, tỉnh cũng đang phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập các KCN mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những KCN trên khi hoàn thành xây dựng hạ tầng sẽ có thêm khoảng 7 ngàn ha đất công nghiệp để thu hút đầu tư trong nước và FDI”.

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn FDI đã đến tỉnh tìm cơ hội đầu tư như: Aeon, De Heus, Pandora…  Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đã đầu tư vào tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư như: Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Kim Oanh, DIC, UDICO, Sojitz, Canon, Shiseido, Mitsubishi…

Nói đến vấn đề thu hút đầu tư ở Đồng Nai, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai Park Hyun Bae đánh giá, các DN Hàn Quốc vẫn liên tục mở rộng đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và một số ngành nghề khác. Thế nhưng đang gặp khó khăn là thiếu đất công nghiệp diện tích lớn cho DN thuê, tỉnh nên nhanh chóng đầu tư hạ tầng các KCN mở rộng và KCN mới sẽ đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc.

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, so với các tỉnh, thành phía Nam thì Đồng Nai có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút DN trong nước, FDI. Tuy nhiên, thu hút đầu tư của tỉnh từ đầu năm đến nay lại bị các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh vượt qua.

Hương Giang


Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN:

Dự án được cấp phép đầu tư phải đủ “3 tốt”

Hiện nay, tỉnh đang cho rà soát lại tất cả các dự án để thu hút đầu tư đúng định hướng. Dự án được cấp phép đầu tư phải đảm bảo 3 yếu tố là môi trường, nhà đầu, dự án đều tốt nhất. Mục tiêu của Đồng Nai là thu hút các dự án có chất lượng cao nên sẽ có chọn lọc kỹ lưỡng, điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào tỉnh nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững hướng đến nền kinh tế xanh. Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành quy hoạch tỉnh để trình phê duyệt, tạo điều kiện cho các DN đầu tư các dự án mới vào tỉnh trên các lĩnh vực.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai PHẠM VĂN CƯỜNG:

Sớm hoàn thành các KCN mới

Hiện nay, tỉnh đang cố gắng hoàn thành các thủ tục, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Chính phủ phê duyệt để tiến hành thành lập mới 8 KCN trên địa bàn tỉnh. Các KCN trên đã được Chính phủ chấp thuận và đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam. Sau khi thành lập các KCN trên tỉnh sẽ thúc đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, giao cho chủ đầu tư làm hạ tầng kỹ thuật. Nếu các KCN mới triển khai nhanh, Đồng Nai sẽ có hơn 7 ngàn ha đất công nghiệp để mời gọi các DN trong nước và FDI. Đồng thời, tỉnh sẽ tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư FDI.

Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan WU MING YING:

Cần chuẩn bị sẵn quy hoạch, đất đai

Nhiều năm nay, các DN Đài Loan vẫn luôn đứng thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký là hơn 5,4 tỷ USD. Trong chính sách mở rộng đầu tư của Đài Loan thì Đồng Nai tiếp tục là điểm đến được nhiều DN lựa chọn vì có nhiều tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, có những DN Đài Loan đầu tư vào tỉnh từ 1-3 thập niên rất thành công nên muốn mở thêm các nhà máy khác tại Đồng Nai. Tuy nhiên, để dòng vốn của DN Đài Loan cũng như các nước khác đầu tư vào tỉnh tăng nhanh thì Đồng Nai phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố nhà đầu tư cần là đất đai, quy hoạch và quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục phải nhanh chóng. Ngoài công nghiệp, các DN Đài Loan dự kiến sẽ đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, thương mại dịch vụ.

Khánh Minh (ghi)


 

Tin xem nhiều
Đất tiềm năng Cơ hội tài chính