Báo Đồng Nai điện tử
En

Trọng dụng lao động tay nghề cao

03:07, 22/07/2022

Tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của nhiều doanh nghiệp (DN) thường có tỷ lệ rất cao (có nơi chiếm đến 97%).

Tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của nhiều doanh nghiệp (DN) thường có tỷ lệ rất cao (có nơi chiếm đến 97%). Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ từ trung cấp trở lên của không ít DN vẫn chiếm tỷ lệ thấp (có nơi chỉ khoảng 3%).

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) tổ chức Ngày hội Nữ sinh với công nghệ
Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) tổ chức Ngày hội Nữ sinh với công nghệ. Ảnh: C.NGHĨA

Người lao động có trình độ đại học vẫn không thể xin được việc làm là chuyện không còn xa lạ. Nhiều người chấp nhận làm trái nghề so với bằng cấp chuyên môn đào tạo cũng hết sức bình thường. Thậm chí, không ít trường hợp dù có bằng cấp chuyên môn nhưng chấp nhận “núp bóng” lao động phổ thông mới tìm được việc làm, một trong những nguyên nhân do DN chỉ tuyển lao động phổ thông để giảm bớt chi phí tiền lương hằng tháng.

Có bằng cấp vẫn phải “núp bóng” lao động phổ thông

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, chị tốt nghiệp đại học loại khá ngành Kế toán nhưng loay hoay mãi không xin được việc đúng chuyên môn. Khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai thì chỉ thấy DN tuyển lao động phổ thông, còn nhu cầu trình độ đại học rất ít. Khi chị cất tấm bằng đại học trong túi hồ sơ xin việc để “vào vai” người đi tìm việc phổ thông ở một DN da giày thì lập tức được nhận ngay.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:

Không thể coi lao động giá rẻ là lợi thế thu hút đầu tư

Trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ nói không với những dự án hàm lượng công nghệ thấp, thâm dụng lao động để giảm bớt những gánh nặng cho công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tính toán đào tạo lao động chất lượng cao nhằm gia tăng giá trị lao động, không thể coi lao động giá rẻ là lợi thế thu hút đầu tư như trước đây.

Anh Ngô Thế Hòa, cán bộ tuyển dụng lâu năm của một DN gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho hay trong cơ cấu lao động tại DN, lao động có trình độ đại học không được sử dụng nhiều và thường ít biến động. Ngược lại, lao động phổ thông được sử dụng nhiều và thường xuyên biến động bởi tình trạng “nhảy việc” do lương thấp. Đây chính là lý do vì sao người có trình độ tìm việc thì khó, còn người tìm việc phổ thông lại rất dễ dàng, chỉ cần biết đọc, biết viết, sức khỏe đảm bảo là có việc.

Anh Ngô Thế Hòa chia sẻ thêm: “Để tiết kiệm quỹ lương, DN hạn chế tối đa tuyển dụng lao động có trình độ cao nếu không cần thiết, bởi sẽ phải trả lương cao hơn từ 10-20% so với lao động phổ thông. Các DN thường chọn giải pháp tuyển lao động không có tay nghề, sau đó đưa vào các dây chuyền sản xuất để tự đào tạo. Chỉ cần thời gian ngắn là người lao động đã có tay nghề, còn DN sẽ đỡ được những khoản chi phí tiền lương lâu dài”.

Thường vào thời điểm sau Tết hoặc cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN rất lớn, có đơn vị cần tuyển đến 5 ngàn lao động cùng lúc, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.

Giải bài toán thâm dụng lao động

Trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đồng Nai bị DN than phiền là khó tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề lẫn lao động có trình độ quản lý.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2 (H.Long Thành) được đào tạo nghề công nghệ cao với chương trình, thiết bị và giảng viên của Cộng hòa liên bang Đức
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2 (H.Long Thành) được đào tạo nghề công nghệ cao với chương trình, thiết bị và giảng viên của Cộng hòa liên bang Đức. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, chỉ số đào tạo lao động năm 2021 đạt 5,75 điểm (giảm 0,8 điểm so với năm 2020). Về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề, DN đánh giá cao hơn so với năm 2020 nhưng vẫn chỉ bằng mức trung bình của các tỉnh, thành. Chỉ có 52% DN cho rằng lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của DN.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tại DN còn thấp là một băn khoăn, bởi thực tế Đồng Nai là tỉnh có số lượng cơ sở đào tạo nghề khá lớn, lên đến 60 đơn vị. Các cơ sở đào tạo nhiều năm nay đã thay đổi tư duy lẫn cách làm, không còn chuyện “có gì đào tạo nấy” mà đào tạo theo đơn đặt hàng của DN. DN than phiền thiếu và khó tuyển lao động có tay nghề và lao động có trình độ quản lý, nhưng thực tế vẫn có những DN cố tình không tuyển lao động có trình độ để giảm chi phí.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong nhiều lần nói chuyện với các cán bộ chủ chốt của tỉnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi chiến lược thu hút đầu tư. Theo đó, ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, nói không với nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và ô nhiễm môi trường. Việc chọn lọc thu hút đầu tư, ưu tiên dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động sẽ gia tăng giá trị cho tỉnh cả trước mắt lẫn lâu dài, đồng thời giảm áp lực về hạ tầng xã hội, an sinh xã hội…

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tới đây hạ tầng giao thông của Đồng Nai sẽ hoàn chỉnh, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại. Nhu cầu sử dụng lao động sẽ ít đi nhưng lại đòi hỏi trình độ tay nghề phải cao mới đáp ứng được nhu cầu của DN. Do đó, phải tiếp tục đón đầu bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo nghề chất lượng cao, chuẩn bị tốt kỹ năng cho người lao động.

Công Nghĩa


Giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ THU HIỀN:

Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh ngày càng đáp ứng tốt công tác đào tạo

Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh ngày càng đáp ứng tốt công tác đào tạo ở các trình độ từ trung cấp trở lên. Hoạt động của các đơn vị đào tạo từng bước hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp, có quan hệ chặt chẽ với DN trong quá trình xây dựng chương trình, đào tạo, đảm bảo đầu ra. Tỷ lệ học viên của các trung tâm đào tạo nghề ra trường có việc làm ngay đạt cao. Bên cạnh đó, một số DN đã hình thành nên các mô hình đào tạo nghề với chất lượng tốt để giải quyết năng suất và chất lượng lao động của đơn vị mình.

Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN:

Không thể tay không bước vào thời đại công nghệ 4.0

Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án để tạo việc làm cho người lao động nhưng không phải là những dự án có hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động như trước đây. Do đó, người lao động muốn có chỗ đứng thì phải có tay nghề, chứ không thể tay không bước vào thời đại công nghệ 4.0. Hiện nay, cơ hội học tập nâng cao trình độ cho mọi người đều rất rộng mở, vì vậy cần tranh thủ và không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng để có cơ hội làm việc tốt.

TS LÊ QUANG TRUNG, Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2 (H.Long Thành):

Đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ đào tạo

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2 đã chủ động đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ đào tạo từ nhiều năm nay và có nhiều ngành đào tạo đã đạt trình độ quốc tế tương đương của các nước Đức, Anh và Mỹ. Khi hoàn thành các khóa học, học viên được giới thiệu việc làm ở những DN lớn đang sử dụng công nghệ hiện đại của châu Âu và Mỹ. Với hướng đi này, người học được hưởng lợi, DN gia tăng giá trị và năng suất lao động, còn nhà trường tạo dựng được uy tín vững chắc.

Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Tin đăng tìm việc làm ở cần thơ tại Vieclam24h