Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp 4.0 hay nông nghiệp "4 không"?

03:05, 27/05/2022

Nông nghiệp 4.0 đang là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Thực tế đã có những dự án nông nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại không thua gì các nước tân tiến trên thế giới.

Nông nghiệp 4.0 đang là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Thực tế đã có những dự án nông nghiệp sử dụng những công nghệ hiện đại không thua gì các nước tân tiến trên thế giới.

Công ty TNHH Thương mại trang trại Việt (H.Xuân Lộc) tiếp cận công nghệ 4.0 vào sản xuất. Ảnh: B.Nguyên
Công ty TNHH Thương mại trang trại Việt (H.Xuân Lộc) tiếp cận công nghệ 4.0 vào sản xuất. Ảnh: B.Nguyên

“Chúng ta hướng tới công nghệ 4.0 nhưng không khéo nông nghiệp Việt Nam rơi vào bẫy “4 không”: Không có nguồn lực, lao động trẻ có trình độ, công nghệ mới, thông tin thật”. Đây là ý kiến được ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam, chia sẻ mới đây trên báo chí.

* Không có nguồn lực

Theo ông Hồ Xuân Hùng, không có nguồn lực là người có tiền thì không có đất, người có đất thì không có tiền đang tạo thành điểm nghẽn lớn của cái bẫy “4 không” trong thực hiện cách mạng nông nghiệp 4.0 của nước ta. Ở đây, ông cũng chỉ ra các rào cản như vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) trong đầu tư vào nông nghiệp, nhưng hiện DN nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ quá thấp trong tổng số DN của cả nước; vai trò, vị trí của HTX và vấn đề tổ chức lại HTX thực sự là tổ chức hợp tác tự nguyện và cùng có lợi để giải quyết được những vấn đề then chốt của ngành Nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN, từ trước đến nay chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng thực hiện vẫn rất nhạt nhòa. Việc kết nối vạn vật, kết nối với người và vật quá khó khăn dẫn đến câu chuyện giải cứu nông sản mang tính chu kỳ. Đã đến lúc kinh tế tri thức phải được đưa vào cánh đồng, nhà máy để không còn sự mù mờ về thông tin như hiện nay làm ngắt quãng cung - cầu. Chuyển đổi nông nghiệp số phải làm nhanh, không chần chừ được nữa vì đây cũng là thời cơ để chuyển đổi số, hòa nhập với thế giới. Một nông dân số sẽ trông dữ liệu chứ không phải "trông trời, trông đất, trông mây"; không chỉ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống mà họ còn mua cả dữ liệu để phục vụ sản xuất.

Cũng theo ông Hùng, thế giới đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn về nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi nhưng Việt Nam đi quá chậm mặc dù 10 năm trước đã có hẳn một chương trình quốc gia về nghiên cứu, sản xuất giống. Nhiều giống mới các nước phát triển đã khẳng định rồi nhưng đưa về Việt Nam vẫn phải khảo nghiệm hết năm nọ qua năm kia. Đến khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận giống thì các nước phát triển đã chuyển sang sử dụng giống khác rồi. Đây cũng là cái bẫy “không có công nghệ mới” mà ngành Nông nghiệp đang gặp phải trong tiếp cận và phát triển cách mạng 4.0.

Đồng quan điểm, nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại Đồng Nai tuy đánh giá địa phương có lợi thế để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn như: vị trí địa lý thuận tiện, đường sá giao thông thuận lợi, khí hậu ôn hòa..., nhưng không ít nhà đầu tư đành bỏ cuộc vì thiếu nguồn lực là quỹ đất và nguồn vốn.

 Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại trang trại Việt (H.Xuân Lộc), DN đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao xây dựng chuỗi sản xuất khép kín chia sẻ, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi khép kín, nhà đầu tư cần quỹ đất lớn với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm ha. Nhưng trong thực tế, DN rất khó tìm được quỹ đất đạt yêu cầu để làm nông nghiệp sạch. Đất sạch ở đây bao gồm ở cả 2 khía cạnh: đất trống không vướng đền bù, giải tỏa và đất đủ tiêu chuẩn an toàn để sản xuất nông nghiệp sạch. Ngay cả khi có quỹ đất phù hợp với yêu cầu nhưng DN vẫn bất lực vì vốn bồi thường để thu hồi đất quá lớn. Ngoài ra, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm do một thời gian dài bị “đầu độc” vì lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi cũng là bài toán khó với nhà đầu tư.

Thực hiện nhân giống nuôi cấy mô trong Phòng Thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom)
Thực hiện nhân giống nuôi cấy mô trong Phòng Thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom). Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) là một trong số ít DN tư nhân đầu tư trại heo giống với quy mô lớn, công nghệ hiện đại thuộc tốp đầu của Đồng Nai. Từ hơn 10 năm trước, DN đã đầu tư vốn lớn để gầy dựng đàn heo giống đầu dòng từ nguồn nhập khẩu đến đầu tư máy móc, công nghệ tân tiến nhất của thế giới như: sử dụng hệ thống cho heo ăn bằng chíp điện tử để quản lý chính xác khẩu phần ăn của mỗi con heo theo từng thời kỳ sinh trưởng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý cặn kẽ về sức khỏe, thức ăn, quá trình sinh trưởng, thậm chí lịch rụng trứng… của mỗi con heo trong đàn. Toàn bộ hoạt động của trang trại đều được kết nối với hệ thống máy tính ở khu điều hành; đội ngũ kỹ sư chỉ cần theo dõi đàn heo trên máy tính là có thể quản lý được quá trình sinh trưởng, phát triển của từng con heo…

Chỉ ra một rào cản lớn khác về nguồn lực là vốn đầu tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do Nguyễn Tấn Hậu chia sẻ, muốn cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng hiện nay, DN đang đầu tư thêm trang trại sản xuất giống hoàn toàn tự động với công nghệ hiện đại nhất. Mong muốn lớn nhất của DN là tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời để nắm bắt được cơ hội phát triển trong khó khăn. Nhưng đây là điều rất khó vì cùng tài sản thế chấp, hiện DN vay được số vốn thấp hơn nhiều so với trước do ngân hàng siết lại hạn mức cho vay trong giai đoạn rủi ro cao.

* Hệ thống dữ liệu thông tin yếu và thiếu

Nông nghiệp 4.0 được coi là nền sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật lý. Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp theo hướng hoàn toàn mới. Từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động, không cần sự tham gia trực tiếp của con người. Khi đó, người nông dân có thể ứng dụng thiết bị cảm biến để số hóa các yếu tố như: nước, phân, thuốc bảo vệ thực vật, độ ẩm, ánh sáng… đối với cây trồng hoặc các yếu tố về nhiệt độ, tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng… cho từng vật nuôi và chuyển nó vào các thiết bị kết nối intenet như: máy tính, điện thoại di động. Theo đó, người nông dân có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại và có thể điều khiển mọi hoạt động trang trại của họ một cách nhanh chóng, chính xác.

Nông dân H.Xuân Lộc tìm hiểu mô hình máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp
Nông dân H.Xuân Lộc tìm hiểu mô hình máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp

Để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp mọi thứ đều được số hóa như trên phải dựa trên nền tảng căn cơ nhất là xây dựng và phát triển được hệ thống dữ liệu lớn (big data), chính xác. Có hệ thống dữ liệu này, ngành Nông nghiệp mới ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại từ công tác dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp; trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị; trong dự báo, phân tích, đánh giá, quản lý và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản... Có hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số như trên thì mới khuyến khích được nông dân và DN tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp...

Chỉ ra rào cản của việc thiếu hệ thống dữ liệu, thông tin, ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (H.Xuân Lộc), nhận xét các nước trên thế giới phát triển chăn nuôi dựa trên cơ sở khoa học. Ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển một cách tự phát quá lâu, kể cả ứng dụng khoa học - công nghệ cũng theo cách tự phát. Chăn nuôi Việt Nam phát triển rất mạnh nhưng chưa có sự đầu tư đúng mức về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là ở khâu con giống khiến ngành giống trong nước kém chất lượng vì chưa có chiến lược phát triển bài bản.

Cũng theo ông Danh, tại nhiều nước có hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ về hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu thị trường của các loại nông sản nên dự đoán trước được chuyển động của thị trường; thậm chí dự báo khá chính xác sự tăng, giảm cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đây là cơ sở rất quan trọng để từ nhà quản lý đến DN, nông dân điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Thông tin về ngành chăn nuôi của ta rất ít dữ liệu, có thì cũng thiếu chính xác nên quy hoạch chăn nuôi còn xa thực tế và cũng khó dò về mặt thị trường.

Bình Nguyên


NGND-TS PHAN HIẾU HIỀN, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp (Trường đại học Nông lâm TP.HCM):

Đồng bộ, hiện đại công nghệ, máy móc

Hiện đất đai bị xói mòn và ngày càng thoái hóa, nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Giải quyết căn cơ vấn đề này, lao động thủ công không còn phù hợp mà phải đưa máy móc vào sản xuất; đồng thời, phải ứng dụng thêm công nghệ cao trong sản xuất để bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước và tăng năng suất cây trồng. Đây cũng là một trong những điều kiện cần của cuộc cách mạng 4.0. Khó khăn lớn nhất của cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam là không được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản và có hệ thống nên nhiều nông dân phải tự sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị. Đã đến lúc những nghiên cứu cơ bản để phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ, không thua về công nghệ so với các nước trên thế giới và phải do Nhà nước đứng ra cùng DN thực hiện với sự đầu tư dài hạn chứ không phải những đề tài khoa học chủ yếu nằm trên giấy.

Một rào cản khác, cơ giới hóa chưa thoát khỏi quy mô hộ gia đình vì đồng ruộng, vườn tược ở Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Nhà nước, các địa phương phải thực hiện rốt ráo hơn việc xây dựng những vùng chuyên canh, những cánh đồng thực sự lớn ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để làm ra sản phẩm chất lượng đồng đều, giá thành hạ, cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.

TS ĐÀO HÀ TRUNG, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, Chủ tịch Te-food International (TP.HCM):

Tìm giải pháp nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới nhất

Nhiều năm nay, Te-food International đã hợp tác với tỉnh Đồng Nai triển khai chương trình
Te-food. Đây là một hệ thống lớn, áp dụng các công nghệ 4.0 như: blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật... Công nghệ blockchain có thể thay thế các loại giấy tờ, không cần đóng dấu, ký tên… Các thông tin nằm trên hệ thống đám mây, ai cũng có thể kiểm soát thông tin qua thiết bị di động kết nối, đảm bảo tính minh bạch từng khâu trong chuỗi sản xuất từ thực phẩm tới bàn ăn. Mong muốn của tôi là ứng dụng công nghệ 4.0 thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, nông sản hiệu quả với giá rẻ nhất. Người tiêu dùng trên thế giới có thể tự truy xuất nguồn gốc và tin tưởng, thích thú với nông sản “made in Vietnam”.

So với các nước trong ứng dụng công nghệ 4.0, Việt Nam thiệt thòi hơn về vốn, về nguồn lực, đi chậm hơn. Nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp rất chịu khó đổi mới, họ đã đưa robot vào phục vụ sản xuất. Ở góc độ nông dân, việc tiếp cận công nghiệp 4.0 còn khá bế tắc vì điều kiện còn hạn chế, lạc hậu. Đây là lý do chúng tôi đã thành lập một HTX 4.0 gọi là COOP 4.0, quy tụ các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là mô hình mới, với các xã viên là các công ty công nghệ và hoạt động theo hình thức mua chung, bán chung, nhằm giảm chi phí sản xuất và nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới nhất.

L.Q


                                                                                                                                                                                               

Tin xem nhiều