Thời gian qua, việc giá xăng dầu, gas liên tục tăng cao khiến nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo và cuộc sống của người dân đang ít nhiều bị ảnh hưởng,...
Thời gian qua, giá xăng dầu, gas liên tục tăng cao khiến nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Cuộc sống của người dân đang ít nhiều bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người có thu nhập bấp bênh. Người tiêu dùng lo ngại giá nhiều mặt hàng sẽ còn có thể tiếp tục cao hơn, làm ảnh hưởng đến đời sống, chi tiêu hằng ngày.
Người dân chọn mua các loại rau, củ, quả tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: HẢI QUÂN |
* Sức mua sụt giảm
Giá nhiều loại nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất vẫn còn ở mức cao, cùng với giá xăng, dầu, gas liên tục leo thang đã tạo sức ép không nhỏ đến các tiểu thương, doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh dịch vụ…
Chị Trần Thị Thương, chủ một sạp kinh doanh thịt heo ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua cả về bán lẻ và bán sỉ cung ứng cho các quán ăn, quán cơm của sạp giảm khoảng 30-40%. Nguyên nhân là nhiều gia đình, người nội trợ thắt chặt chi tiêu do thu nhập bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các quán ăn cũng giảm lượng thịt nhập về bán vì sức tiêu thụ giảm.
Tương tự, chị Lê Thị Thu Minh, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Biên Hòa cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, do tác động của giá xăng dầu, cước vận tải tăng cao nên nhiều mặt hàng như: dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… đã hình thành mặt bằng giá mới tăng cao hơn và “neo” giá đó cho đến nay. Trong khi đó, sức mua thời gian qua khá chậm, lượng khách đến mua sắm thưa thớt.
Ông Hoàng Văn Đức, đại diện Ban Quản lý chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay giá cước vận tải tăng do giá xăng dầu ở mức cao kéo theo giá nhiều mặt hàng rau, củ, trái cây tăng từ 10-20% để bù lại chi phí vận chuyển. Do sức tiêu thụ giảm nên nhiều tiểu thương đã cân nhắc, giảm lượng hàng nhập về bán vừa đủ, hạn chế tình trạng hư hao nông sản trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Một số tiểu thương còn giảm diện tích thuê mặt bằng, thay đổi phương thức nhận hàng tại chợ…
* “Liệu cơm gắp mắm”
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá xăng dầu ở mức cao đã làm nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, nhất là các loại thực phẩm từ gạo, thịt cá, rau củ quả, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… cho đến đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Điều này buộc các gia đình phải cân đối, thắt chặt lại chi tiêu.
Chị Thanh Hiền (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, không riêng chị mà tất cả các bà nội trợ đều cảm nhận rõ làn sóng tăng giá của các loại thực phẩm, hàng hóa. Đặc biệt, từ sau Tết, giá các loại rau xanh, trứng, gia vị dầu ăn, nước mắm, đường… đều “nhích” từ 10-20% khiến mỗi khi đi chợ, chị phải đắn đo cân nhắc mua món này hay bớt món kia.
“Gia đình tôi có 4 người, ngày trước đi chợ chỉ 200 ngàn đồng/ngày thì nay cùng số tiền ấy nhưng lượng thực phẩm mua được ít hơn, gia vị các loại cũng đắt hơn. Khi đi siêu thị, tôi cũng ưu tiên chọn mua những món hàng được giảm giá hoặc loại có giá rẻ để thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, tôi phải cắt giảm khẩu phần ăn xế, ăn vặt của các thành viên trong nhà để còn trang trải vào các khoản chi phí, học phí hằng tháng của con” - chị Thanh Hiền bộc bạch.
Tương tự, bà Ngọc Huyền (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho hay, thay vì mua sắm thoải mái khi đi siêu thị hay mua trực tuyến là thú vui của bà trước đây, nay bà đã dần thắt chặt túi tiền, thận trọng hơn trong việc chi tiêu mua sắm. So với trước khi xảy ra dịch Covid-19, bà đã ưu tiên mua nguyên liệu thực phẩm và tự nấu ăn ở nhà, cũng như quan tâm hơn đến các sản phẩm khử khuẩn, chăm sóc cá nhân phòng dịch bệnh, đồng thời chi ít hơn cho nhu cầu du lịch, giải trí, đi ăn uống ngoài tiệm, quần áo và giày dép…
“Mặc dù đã cắt giảm nhiều khoản nhưng trung bình mỗi tháng, chỉ riêng số tiền phải chi tiêu cho ăn uống của gia đình tôi đã tăng thêm khoảng 2 triệu đồng trong khi thu nhập, lương thưởng thực tế không tăng mà còn giảm. Do vậy không còn cách nào khác, gia đình tôi phải tìm cách giảm chi tiêu, co kéo mỗi thứ một ít để bù vào những khoản tăng của thực phẩm, gas, xăng...” - bà Ngọc Huyền chia sẻ.
Theo đại diện một số siêu thị trên địa bàn tỉnh, do ảnh hưởng của giá xăng dầu, vận chuyển từ đầu tháng 4-2022 đến nay, hệ thống siêu thị đã xem xét đề nghị của các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa về việc tăng giá bán nhiều mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm đóng gói, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa… Đây là các mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất. Việc điều chỉnh giá sẽ được xem xét các đề nghị, có lộ trình tăng giá phù hợp hay không |
Hải Quân