Báo Đồng Nai điện tử
En

Đánh thức tiềm năng hệ thống cảng

11:03, 16/03/2022

Đồng Nai tuy có quy hoạch nhiều dự án cảng, song những năm qua lĩnh vực này gần như ngủ quên, bỏ qua nhiều cơ hội thu hút đầu tư để phát triển kinh tế của tỉnh.

 

[links()]Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển các cảng và vận tải đường thủy. Tuy tỉnh có quy hoạch nhiều dự án cảng, song những năm qua lĩnh vực này gần như ngủ quên, bỏ qua nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế của tỉnh.

Vận chuyển hàng hóa trên sông Thị Vải (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh
Vận chuyển hàng hóa trên sông Thị Vải (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh

Vào cuối năm 2021, trong cuộc họp trực tuyến công bố quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các tỉnh, thành phố phối hợp với bộ “trải thảm” mời gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng cảng biển, mở rộng giao thông đường thủy tạo đột phá cho kinh tế - xã hội.  

* Cần vốn đầu tư lớn

Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần khoảng 313 ngàn tỷ đồng để đầu tư cảng biển, trong đó 95% vốn đầu tư huy động từ các DN. Vốn ngân sách nhà nước sẽ chỉ tập trung vào hạ tầng công cộng, những công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn để thu hút đầu tư của DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực trên.

Ngày 22-9-2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng biển được xác định là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế và là một trong 3 khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư. Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền cho các địa phương để huy động các nguồn lực tham gia đầu tư dự án cảng biển. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140-1.423 triệu tấn và riêng hàng container từ 38-47 triệu TEU, đồng thời vận chuyển 10,1-10,3 triệu lượt khách.

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thì tại Đồng Nai, khu vực sông Thị Vải sẽ tập trung phát triển các cảng: Gò Dầu, Phước Thái, Phước An phục vụ cho các tỉnh Đông Nam bộ, Tây nguyên; đồng thời, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí. Các cảng trên có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 30-60 ngàn tấn. Trên sông Đồng Nai, Đồng Tranh thuộc H.Nhơn Trạch phát triển thêm các bến để tàu có trọng tải khoảng 45 ngàn tấn ra vào. Khu bến Long Bình Tân
(TP.Biên Hòa) có thể phục vụ tàu 5 ngàn tấn. Vì thế, Đồng Nai sẽ cần nguồn vốn lớn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực cảng biển, giao thông kết nối từ các khu, cụm công nghiệp đến cảng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tỉnh đã cho rà soát lại các dự án về cảng biển ở H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa, với những chủ đầu tư không đủ khả năng thực hiện hoặc cố tình kéo dài, quá thời hạn quy định sẽ bị thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác đủ năng lực triển khai.

* Mời gọi DN đầu tư vào cảng biển

Được biết, nhiều DN có vốn đầu tư trong nước, DN FDI đang rất muốn đầu tư vào các dự án cảng biển tại Đồng Nai, vì đây là ngành còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Hiện tại, các cảng của Đồng Nai chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của DN trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, những khu vực lân cận như: Bình Dương, Lâm Đồng cũng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn tại các cảng ở Đồng Nai. Do đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai nếu được đầu tư xứng tầm sẽ đem lại nguồn thu cả chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách.

Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics Đồng Nai Trần Văn Danh nhận định: “Đầu tư vào các dự án cảng ở Đồng Nai có rất nhiều cơ hội để phát triển vì tới đây, tỉnh mở thêm nhiều khu công nghiệp, khối lượng hàng hóa cần xuất khẩu sẽ tăng cao. Các DN mong Chính phủ, tỉnh đơn giản thủ tục đầu tư để DN có thể tham gia đấu thầu thực hiện dự án”.

Không chỉ DN trong nước mà nhiều DN FDI cũng đang tìm hiểu và muốn đầu tư vào lĩnh vực logistics, nhất là hệ thống cảng biển ở Đồng Nai. Một số hiệp hội DN FDI tại Đồng Nai cho rằng, thông tin về quy hoạch, xây dựng, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng còn hạn chế. Tỉnh muốn thu hút được những nhà đầu tư FDI có năng lực vào lĩnh vực này thì cần tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư để DN nắm rõ quy hoạch, chủ trương chính sách, đất đai thì mới đăng ký tham gia.

Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai Wu Ming Ying cho hay: “Nhiều DN Đài Loan quan tâm, muốn đầu tư các dự án cảng biển tại Đồng Nai, nhưng thông tin có được rất ít. Tới đây, Hiệp hội sẽ liên hệ với UBND tỉnh và các sở, ngành để hiểu rõ chính sách trong đầu tư cảng biển, từ đó giới thiệu cho DN biết và tham gia”.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư vào hệ thống cảng tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa thì theo các DN, tỉnh cần chú ý tới việc mở rộng những tuyến đường giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp và đường vào cảng. Hiện nay, có những tuyến đường giao thông tại một số khu công nghiệp của tỉnh, đường vào cảng Đồng Nai đã quá tải, có khi DN vận chuyển hàng hóa bị kẹt xe kéo dài 2-3 giờ liền.

Khánh Minh

Tin xem nhiều