Năm học 2022-2023 sẽ có thêm các khối lớp 3, 7 và 10 được học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới. Việc lựa chọn SGK mới đang được nhiều trường triển khai sớm...
Năm học 2022-2023 sẽ có thêm học sinh các khối lớp 3, 7 và 10 được học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Việc lựa chọn SGK mới đang được nhiều trường triển khai để sớm “chốt” bộ sách hoàn chỉnh cho trường mình giảng dạy cho năm học mới sắp tới.
Sở GD-ĐT phối hợp với các NXB giới thiệu sách giáo khoa mới phục vụ năm học 2022-2023. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo ban giám hiệu nhiều trường phổ thông, để lựa chọn được bộ SGK phù hợp là rất quan trọng, đặc biệt với các trường THPT lần đầu được tự lựa chọn sách theo chương trình mới.
* Lựa chọn sách phù hợp
Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021, lớp 2 và 6 từ năm học 2021-2022. Năm học 2022-2023, có thêm học sinh lớp 3, 7 và 10 được lựa chọn 1 bộ sách từ nhiều bộ sách khác nhau trong danh mục của Bộ GD-ĐT phê duyệt để giảng dạy.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) Nguyễn Văn Thành cho biết, học sinh lớp 1 và lớp 2 của trường đang học bộ sách Cánh diều, vì vậy với học sinh lớp 3 năm học 2022-2023 nhà trường cũng đã lựa chọn bộ sách này và báo cáo kết quả về phòng GD-ĐT.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018: Khó đáp ứng điều kiện của từng nhà trường Sẽ khó tránh khỏi mâu thuẫn giữa mong muốn và khả năng đáp ứng của từng nhà trường. Bởi mong muốn của người thiết kế chương trình là phân hóa triệt để nhưng thực tế không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được như vậy. Do đó, quy định là nhà trường xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, vừa phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. |
Theo đó, sau khi triển khai cho giáo viên nghiên cứu kỹ chương trình, quy trình lựa chọn sách, được giới thiệu các bộ sách cụ thể, nhà trường đã triển khai bước tiếp theo là thành lập Hội đồng lựa chọn SGK cấp trường với đầy đủ thành phần. Việc lựa chọn bộ sách dự trên nguyên tắc bỏ phiếu, trong đó bộ sách có phiếu đồng ý cao nhất được lựa chọn.
Theo nhiều giáo viên của Trường tiểu học Hưng Lộc, việc lựa chọn bộ sách Cánh diều cho học sinh lớp 3 ở năm học 2022-2023 có nhiều thuận lợi vì sẽ nối tiếp được dòng chủ lưu của nhóm biên soạn ở bộ SGK lớp 1 và lớp 2 đang giảng dạy cho học sinh. Giáo viên cũng dễ dàng biên soạn giáo án, còn học sinh cũng thuận lợi hơn vì giáo viên đã lựa chọn kỹ lưỡng, tránh tình trạng thiếu đồng nhất, năm nay chọn bộ sách này, sang năm lại chọn bộ sách khác, gây khó cho cả thầy lẫn trò.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình
(P.An Bình, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thanh Nhã cho biết, cách đây hơn 1 tháng, các NXB đã gửi SGK lớp 3 cho nhà trường nghiên cứu. Mới đây, nhà trường tiếp tục nhận được bộ SGK bản giấy để hình dung rõ hơn cuốn sách một cách tổng thể. Nhà trường đã từng tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 và 2 ở 2 năm học trước, do đó ở đợt lựa chọn sách cho năm học lớp 3 không còn bỡ ngỡ.
Về quy trình tổ chức lựa chọn sách cơ bản giống nhau, nhất là nghiên cứu các bộ sách phải sâu và có đánh giá toàn diện, từ đó lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất.
* Cần thời gian nhiều hơn
Theo quy định của Sở GD-ĐT, các trường sẽ phải hoàn thành việc lựa chọn SGK và chuyển kết quả về phòng và Sở GD-ĐT trước ngày 31-3. Chính vì vậy, nhiều trường đã khẩn trương tiến hành các khâu lựa chọn sách nhằm đảm bảo chất lượng.
Cô Nguyễn Thị Kim Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, việc lựa chọn SGK áp dụng cho năm học mới không còn xa lạ hay bỡ ngỡ với nhà trường, bởi năm học 2021-2022, nhà trường đã từng tiến hành lựa chọn sách cho học sinh lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với nhiệm vụ chọn SGK cho năm học tới, nhà trường vẫn thực hiện theo quy trình cũ. Các bộ SGK đều được triển khai cho giáo viên nghiên cứu để chọn ra những cuốn hay và phù hợp nhất. Kết quả có cuốn được chọn từ bộ sách Cánh diều, có cuốn được chọn từ bộ Chân trời sáng tạo, từ đó hình thành nên bộ sách hoàn chỉnh đủ cho các môn học.
Cô Hồ Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) cho hay, nhà trường có đủ các cấp học, vì thế công việc lựa chọn sách cần triển khai một cách đồng bộ và thống nhất. Đối với cấp tiểu học và THCS sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì đã trải qua 1-2 lần lựa chọn sách, còn với cấp THPT thì đây là lần đầu tiên được lựa chọn sách cho lớp 10 nên sẽ có ít nhiều bỡ ngỡ.
Cô Lâm cho rằng, việc lựa chọn sách là công việc hệ trọng, liên quan đến cả quá trình dạy và học sau này nên cần thời gian nhiều hơn cho giáo viên nghiên cứu để chọn ra được bộ sách hoàn chỉnh từ nhiều bộ sách khác nhau.
Theo giáo viên đang công tác tại một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa, quy trình để đi đến lựa chọn một cuốn sách cũng như cả một bộ sách hoàn chỉnh không thể quá ngắn, dẫn tới xem lướt rồi bỏ phiếu. Nếu có nhiều thời gian hơn, ngoài nghiên cứu nội dung sách, giáo viên có thể soạn thử giáo án của bài học, sau đó dạy thử để kiểm tra xem khả năng đón nhận và tiếp thu của học sinh. Vì vậy, thời gian từ khi nhận được bản sách điện tử đến khi bỏ phiếu lựa chọn sách chỉ trong vòng 1 tháng là chưa đủ. Hơn nữa, dù giáo viên được quyền lựa chọn nhưng vẫn phải trông chờ vào quyết định phê duyệt cuối cùng của thành phố và tỉnh thì mới chắc chắn năm tới sẽ dạy học với bộ sách nào.
* Chưa dạy sách mới đã thấy lo
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên bậc THPT sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, đồng thời là năm đầu tiên áp dụng SGK mới đối với học sinh lớp 10. Từ năm học tới, học sinh lớp 10 sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương. Các em chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn), trong đó nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Biên Hòa cho rằng, việc lựa chọn SGK sẽ không mấy khó khăn, nhưng khi áp dụng sẽ có nhiều điều khó. Học sinh chắc chắn sẽ thích thú vì được lựa chọn môn học theo sở thích, còn nhà trường sẽ rất “đau đầu” vì có thể dẫn tới thừa giáo viên môn này nhưng lại thiếu giáo viên của môn kia. Hiệu trưởng này chia sẻ thêm, trong một lớp có 2/3 học sinh chọn môn này, 1/3 học sinh chọn môn kia thì lúc đó sẽ rất rối cho nhà trường trong việc sắp xếp giáo viên, bởi biên chế giáo viên các bộ môn của trường trước giờ có số lượng cố định.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2022-2023 tới đây, môn Nghệ thuật gồm: Âm nhạc và Mỹ thuật sẽ lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy đối với học sinh lớp 10. Nhiều trường đang lo lắng vì không biết bố trí giáo viên ở đâu để dạy những môn này.
Với việc phải triển khai chương trình mới, các nhà trường sẽ phải giải bài toán về tuyển dụng giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhưng sẽ là rất khó vì giáo viên ở môn nghệ thuật nhiều năm nay không dễ tuyển. Vì vậy, có thể nhà trường sẽ phải “định hướng” cho học sinh lựa chọn môn học theo điều kiện thực tế của nhà trường để không gây khó khăn trong khâu bố trí giáo viên.
Hiệu trưởng Trường THPT Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) Lê Thanh Bằng cho biết, nếu theo đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát huy năng lực của học sinh, sắp tới nhà trường sẽ phải hợp đồng thêm giáo viên để dạy môn Nghệ thuật. Đây sẽ là một khó khăn vì khi hợp đồng sẽ phát sinh kinh phí. Hơn nữa, nếu có giáo viên những môn này rồi nhưng không có học sinh lựa chọn học lại xảy ra tình trạng thừa giáo viên.
Cô Nguyễn Thanh Tuyền, Tổ trưởng bộ môn Sử - Địa Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Nhơn Trạch) cho rằng, việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn khiến nhiều giáo viên cảm thấy buồn và tâm tư. Không hẳn vì giáo viên dạy môn này lo lắng thất nghiệp do không còn nhiều học sinh chọn môn học Lịch sử, mà điều quan trọng hơn là môn học này đã không được đặt đúng vị trí vốn có của nó. Nếu được lựa chọn giữa môn Lịch sử với các môn học khác, phần nhiều học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ khiến học sinh ngày càng xa dần với lịch sử, xa dần với truyền thống cách mạng của dân tộc…
Công Nghĩa