Việc miễn phí dịch vụ giúp khách hàng cá nhân thuận tiện giao dịch, thúc đẩy thanh toán online; các ngân hàng cũng thu hút được nguồn vốn với chi phí thấp hơn lãi suất huy động có kỳ hạn.
Việc miễn phí dịch vụ giúp khách hàng cá nhân thuận tiện giao dịch, thúc đẩy thanh toán online; đặc biệt, các ngân hàng cũng thu hút được nguồn vốn với chi phí thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động có kỳ hạn.
Người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng số trên điện thoại thông minh |
Xu hướng này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi có sự tham gia của mobile money, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
* Thúc đẩy chuyển đổi số
Vào tháng 12-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Quyết định số 2006/QĐ-NHNN về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, trước hết, NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách, bao gồm việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia; xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo Thống đốc NHNN Việt Nam NGUYỄN THỊ HỒNG, trong 2 năm qua, ngành Ngân hàng đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 như giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70-100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công. Tổng số tiền giảm phí ngành Ngân hàng năm 2021 đến với người dân hơn 1,5 ngàn tỷ đồng (tính cả năm 2020 thì con số này sẽ lên tới hơn 2 ngàn tỷ đồng). Theo thống kê của NHNN, 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí… |
Đồng thời, NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách hiện hành; thực hiện chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí hợp lý…
Ngoài ra, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; xây dựng công cụ thu thập, phân tích thông tin giám sát theo hướng tự động hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng giám sát; nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro phát sinh; nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động đánh giá, giám sát các hệ thống thanh toán…
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính… Đồng thời, thực hiện các giải pháp tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an toàn kho quỹ, tài sản, đáp ứng đủ lượng và cơ cấu các loại tiền cho lưu thông và ATM; tăng cường hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh toán thẻ qua POS.
Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa cho biết, chi nhánh sẽ chủ động phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ ngân hàng số thông qua ứng dụng của BIDV, thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng miễn phí các loại phí giao dịch trên ứng dụng Smartbanking của BIDV từ đầu năm nay…
* Để “ngân hàng số” gần hơn với người dùng
Dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian qua đã làm thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen của người dân đối với việc giao dịch trên nền tảng số, trong đó có các giao dịch ngân hàng điện tử. Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng số, cũng như các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt cũng dần trở nên phổ biến hơn.
Nắm bắt xu hướng trên, nhiều ngân hàng thương mại ngày càng quan tâm đầu tư vào công nghệ để chuyển đổi số nhằm mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Từ đó, triển khai nhiều sản phẩm mới, áp dụng những chương trình ưu đãi, đổi mới các ứng dụng thanh toán số dành cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, góp phần nâng cao sự tương tác, mở rộng các kênh dịch vụ, phản hồi giữa các ngân hàng với khách hàng.
Các hình thức giao dịch, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số hóa ngày càng mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, việc triển khai này cần được rà soát, kiểm tra, đánh giá thật kỹ, kịp thời có những chủ trương, chính sách phù hợp để các đơn vị phát triển dịch vụ ngân hàng số có cơ sở xây dựng, triển khai các dịch vụ trực tuyến ở mức độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn, thực sự đảm bảo an toàn và quyền lợi của khách hàng, cũng như tạo động lực thúc đẩy hệ sinh thái không dùng tiền mặt.
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến Tiến đến quốc gia không dùng tiền mặt vào tháng 11-2021, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, trong thời gian qua, NHNN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ…
Hoàng Hải