Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng phó với biến thể virus Omicron

03:12, 21/12/2021

Cách đây 1 tháng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Omicron được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận tại Nam Phi. Đến nay, biến thể này đã lây lan ra gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới...

[links()]Cách đây 1 tháng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Omicron được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận tại Nam Phi. Đến nay, biến thể này đã lây lan ra gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh:H.Dung
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh:H.Dung

Văn bản mới đây của Bộ Y tế nhấn mạnh, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc biến thể Omicron nhưng nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào nước ta rất lớn. Biến thể này bước đầu được đánh giá có khả năng lây lan nhanh, né tránh được hệ thống miễn dịch, gây khó khăn trong việc chẩn đoán, giám sát và phòng, chống dịch.

* Dự báo bùng nổ đợt dịch mới

Theo thông báo của WHO ngày 15-12, biến thể virus Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy so với các biến thể trước đó. Biến thể này đang thống trị ở London (Anh), vượt trội hơn hẳn so với biến thể Delta. Ngày 13-12, Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron và đến ngày 15-12, số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này đã lên tới 78.610 trường hợp, lập kỷ lục số ca mắc mới/ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Biến thể này cũng đang là mối đe dọa tại Mỹ, Nam Phi.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, các nghiên cứu mới nhất về biến thể Omicron cho thấy, khi đã đột biến trên các thụ thể bám dính, nếu tồn tại, biến thể Omicron có khả năng làm tăng tốc độ lây nhiễm gấp nhiều lần so với biến thể Delta. Tại nhiều nước trên thế giới đang tồn tại cả 2 biến thể Delta và Omicron thì Omicron đang chiếm ưu thế. Như vậy, khả năng sẽ bùng nổ một đợt dịch mới với sự song hành của 2 biến thể virus SARS-CoV-2. Với việc người dân đi lại nhiều như hiện nay cũng như việc cách ly chưa đủ nghiêm ngặt như giai đoạn trước thì việc biến thể Omicron lọt vào Việt Nam là có thể xảy ra. Khi đó, sẽ bùng nổ một đợt dịch mới dự báo có tốc độ lây lan rất nguy hiểm.

Nhân viên trạm y tế lưu động hỗ trợ các gia đình có F0 cách ly tại nhà trên địa bàn
Nhân viên trạm y tế lưu động hỗ trợ các gia đình có F0 cách ly tại nhà trên địa bàn

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, dịch bệnh Covid-19 hiện đã thấm sâu trong cộng đồng. Vài tuần trở lại đây, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh ở mức cao và không kiểm soát được nguồn lây. Người dân hiện đang có tâm lý chủ quan nên ý thức phòng dịch không tốt bằng thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội. Công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn còn bỏ sót nhiều đối tượng, nhất là người già. Bên cạnh đó, công tác quản lý F0 tại nhà chưa tốt, nhiều trường hợp F0 không nhận được sự hỗ trợ kịp thời của nhân viên y tế. Việc thiếu thuốc điều trị, thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2, tầng 3 đang gây khó khăn lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Do đó, nếu biến thể Omicron xâm nhập vào Việt Nam sẽ rất nguy hiểm.

* Giải trình tự gen để xác định biến thể Omicron

Để ứng phó với biến thể Omicron, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với biến thể mới.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28-11-2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test) và phương pháp RT-PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh). Từ đó, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm của những trường hợp này gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.

Bộ Y tế hướng dẫn, nếu ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, gửi Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur để xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến thể Omicron.

Các địa phương cần tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (gồm số ca mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể.…). Trên cơ sở đó chủ động phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh.

Đặc biệt, tổ chức tiêm ngay lượng vaccine đã được phân bổ để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19, trong đó chú ý tiêm cho những đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều trên địa bàn. Ngoài ra, cần triển khai tiêm vaccine liều bổ sung, tăng cường cho các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia điều tra, xử lý ổ dịch, các cơ sở xét nghiệm Covid-19 thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về điều tra, bảo quản, vận chuyển mẫu dương tính với SARS-CoV-2 về Viện. Tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ, có nguy cơ mắc biến thể Omicron từ các tỉnh, thành phố để xét nghiệm giải trình tự gen xác định biến thể Omicron. Thực hiện, phối hợp với các địa phương để chủ động giám sát các biến thể/biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Nếu ghi nhận biến thể Omicron, cần báo cáo ngay về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và thông báo cho sở y tế các tỉnh, thành phố các trường hợp mắc biến thể Omicron hoặc biến thể mới để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, cập nhật kết quả giải trình tự gen lên Global Science Initiative and Primary Source (GISAID - Nền tảng chia sẻ dữ liệu gen virus cúm và virus Corona gây đại dịch Covid-19) để chia sẻ và tiếp nhận thông tin về các biến thể/biến chủng virus gây dịch.

* Xốc lại tinh thần cho nhân viên y tế

Tại buổi làm việc với H.Nhơn Trạch liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài trong vai một người dân tự test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đã gọi điện thoại cho 3 trạm y tế trên địa bàn huyện để được hỗ trợ. Kết quả, chỉ có 1 trạm y tế có người nghe máy, 2 trạm còn lại điện thoại không liên lạc được hoặc không nghe máy. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo UBND H.Nhơn Trạch cho rằng, số ca bệnh tăng cao, khối lượng công việc đội lên gấp nhiều lần khiến nhân viên y tế ở các trạm y tế đang rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, có tình trạng người dân gọi điện đến trạm y tế nhưng không liên lạc được hoặc không được hỗ trợ kịp thời.

Để động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu suốt nhiều tháng qua đã căng mình chống dịch, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh ngày 22-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương chi trả dứt điểm chế độ hỗ trợ phòng, chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu trong tháng 11-2021. Nhưng cho đến nay, theo ghi nhận tại nhiều địa phương, nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tuyến huyện và xã chưa nhận hoặc chưa nhận đủ số tiền hỗ trợ tham gia chống dịch.

BS Nguyễn Thị Hằng, Trưởng trạm Y tế P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, đến nay nhân viên y tế của trạm mới nhận được một phần tiền hỗ trợ tham gia chống dịch. Số tiền còn lại vẫn đang chờ phê duyệt. Riêng việc hỗ trợ cho những đối tượng tham gia trạm y tế lưu động mà không hưởng lương vẫn chưa có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt trong thời điểm số ca F0 cách ly tại nhà đang rất lớn hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, BS Phan Văn Phúc bộc bạch, trong suốt 1 năm qua, nhân viên y tế đã nỗ lực miệt mài không kể ngày đêm. Thậm chí, nhiều anh em thức trắng đêm để làm nhiệm vụ và đến nay gần như đã đuối sức. Do đó, rất cần có chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp để khích lệ, động viên nhân viên y tế, giúp họ lấy lại tinh thần, có sức để tiếp tục “chiến đấu” nếu có đợt dịch mới.

Trước nguy cơ biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta, ngày 19-12, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm đầy đủ. Bộ Y tế phải bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương. Các địa phương tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất, không để tình trạng thiếu thuốc; tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều