Báo Đồng Nai điện tử
En

Thí điểm mở cửa lại trường học: Nhiều trở ngại, lắm thách thức

03:12, 04/12/2021

Một số trường học trên địa bàn Đồng Nai đã bước sang tuần thứ 2 thực hiện thí điểm cho học sinh trở lại trường học sau thời gian dài học trực tuyến do đại dịch Covid-19.

Một số trường học trên địa bàn Đồng Nai đã bước sang tuần thứ 2 thực hiện thí điểm cho học sinh trở lại trường học sau thời gian dài học trực tuyến do đại dịch Covid-19. Dù ngành GD-ĐT và các địa phương đã rất nỗ lực, nhưng hành trình trở lại trường của thầy và trò vẫn đang rất gập ghềnh.

Học sinh Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) đã bước sang tuần thứ 2 học trực tiếp. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) đã bước sang tuần thứ 2 học trực tiếp. Ảnh: Công Nghĩa

Theo Sở GD-ĐT, ban đầu các địa phương đã chọn 27 trường thực hiện thí điểm đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày 21 đến 29-11. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 13 trường chính thức đón học sinh.

* Khởi đầu đầy áp lực

Vượt qua khó khăn của dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã được mở cửa hoạt động trở lại theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19. Đối với hoạt động giáo dục, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với các địa phương thí điểm cho học sinh đến trường học trực tiếp. Việc thí điểm dạy học trực tiếp được xác định rất quan trọng, nếu khả quan sẽ giúp các địa phương, nhà trường, phụ huynh yên tâm hơn khi cho học sinh trở lại trường thay vì tiếp tục học trực tuyến.

Dù việc triển khai thí điểm dạy học trực tiếp được UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD-ĐT, các địa phương và các nhà trường chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chu đáo, thế nhưng quá trình triển khai vẫn rất khó khăn và áp lực. Số trường nằm trong danh sách thí điểm ban đầu là 27 trường, sau đó giảm còn 17 trường và thực tế chỉ có 15 trường triển khai đón học sinh đến học trực tiếp. Đáng lưu ý, trong số đó có 2 trường sau 4 ngày triển khai đã phải xin tạm dừng vì lý do phát hiện một số giáo viên và học sinh nhiễm Covid-19.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 234,9 ngàn/296,3 ngàn trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine (đạt tỷ lệ 79,2%). Nhiều địa phương đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho trẻ em và đang chuẩn bị tiêm mũi 2 trong cuối tuần này và đầu tuần sau, khi đã đủ thời gian cách mũi 1 từ 3-4 tuần.

Em Nguyễn Thị Thu Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Năm nay là năm học cuối cấp, em sẽ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, nên em rất phấn khởi khi được trở lại trường học trực tiếp. Được học trực tiếp em cảm thấy thoải mái và nhận thấy hiệu quả rõ rệt so với học trực tuyến. Nhưng thật tiếc và hụt hẫng khi quay trở lại trường học trực tiếp chưa được bao lâu thì nay lại phải quay về học trực tuyến do trong lớp có bạn là F0. Em hy vọng sau khi được tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19, nhà trường sẽ tiếp tục mở cửa trở lại”.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh Nguyễn Duy Bằng cho biết: “Trước ngày học sinh trở lại trường học trực tiếp 21-11, Ban giám hiệu chúng tôi lo lắng, mừng vui lẫn lộn. Nhà trường đã cố gắng căn dặn các em thực hiện nghiêm 5K, đảm bảo tốt các quy định phòng dịch. Các em học sinh lớp 12 cũng rất hào hứng trở lại trường học trực tiếp với tỷ lệ gần 90%. Nhưng rất tiếc vẫn không tránh khỏi phát sinh F0 trong giáo viên và học sinh”. Thầy Bằng cho biết thêm, nhà trường chuẩn bị tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho học sinh, hy vọng sau khi được tiêm mũi 2 các em sẽ an tâm hơn khi quay trở lại trường học trực tiếp trong thời gian tới.

* Nhiều mối lo…

Dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp. Để thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh Covid-19, chắc chắn ngành GD-ĐT và các địa phương sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Cô Hoàng Thị Cát Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Phước An (xã Phước An, H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Trường THCS Phước An là một trong 2 đơn vị của huyện được chọn thí điểm cho học sinh đến trường học trực tiếp vào ngày 29-11. Tuy nhiên, khi xét nghiệm nhanh Covid-19 cho học sinh khối 9, có đến 10 em dương tính với SARS-CoV-2 nên huyện đã đồng ý cho nhà trường tạm dừng kế hoạch này. Từ trước đến nay, nhà trường đã ghi nhận gần 50 học sinh nhiễm Covid-19, nhưng rất may các em đều bị nhẹ và tự điều trị tại nhà”.

Học sinh một trường ở H.Vĩnh Cửu, do nhà không có sóng internet nên hằng ngày em phải ra vườn “câu nhờ” sóng của nhà hàng xóm để học online
Học sinh một trường ở H.Vĩnh Cửu, do nhà không có sóng internet nên hằng ngày em phải ra vườn “câu nhờ” sóng của nhà hàng xóm để học online

Theo cô Phương, rất nhiều học sinh và phụ huynh đang mong ngóng từng ngày con em được trở lại trường học trực tiếp thay vì học trực tuyến. Thực tế, nhiều học sinh là con em công nhân ban ngày cha mẹ đi làm không có ai trông coi, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Còn bản thân các em ở lâu trong nhà trọ với bốn bức tường, hạn chế giao tiếp sẽ không tránh khỏi phát sinh tâm lý tiêu cực. Ngay cả giáo viên cũng cảm thấy mệt mỏi vì phải dạy học trực tuyến quá dài. Dù muốn con em mình được trở lại trường học trực tiếp nhưng tâm lý của học sinh và phụ huynh đều có chung nỗi lo chưa tiêm đủ 2 liều vaccine.

Sau thời gian ngắn cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, vì tâm lý lo sợ lây lan dịch bệnh nên tỷ lệ học sinh trở lại học ở mỗi trường khác nhau. Có những trường đạt tỷ lệ từ 80-94% học sinh trở lại trường học, nhưng cũng có trường tỷ lệ này tương đối thấp, chỉ khoảng 55%. Theo Ban giám hiệu một số trường, những học sinh chưa quay trở lại trường học trực tiếp một ít là các trường hợp F0, F1 buộc phải cách ly tại nhà, còn lại đa số ở nhà do tâm lý lo sợ lây nhiễm Covid-19.

Thầy Bạch Thanh Lụa, Hiệu trưởng Trường THPT Thống Nhất A, trường duy nhất của H.Trảng Bom được chọn thí điểm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp chia sẻ: “Nhận nhiệm vụ thí điểm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là một áp lực rất lớn. Cả thầy và trò đều rất căng thẳng trong những ngày đầu dạy và học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh đến trường những ngày đầu chỉ đạt 24%, nhưng những ngày sau có dấu hiệu tăng dần lên và đã đạt hơn 30%. Học sinh trở lại trường học trực tiếp với tỷ lệ thấp chủ yếu là do phụ huynh chờ con em mình được tiêm đủ 2 liều vaccine. Vào thứ bảy 4-12 tới, khi các em được đồng loạt tiêm vaccine mũi 2, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện hơn”.

* Sự thận trọng từ phụ huynh

Những mất mát từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 trong nhiều tháng qua đã khiến không ít học sinh lẫn phụ huynh bị ám ảnh kéo dài, từ đó nảy sinh tâm lý lo sợ trước các nguy cơ có thể bị lây nhiễm Covid-19. Sự thận trọng là cần thiết nhưng thận trọng một cách quá mức sẽ để lại những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục. Hiệu trưởng một số trường cho biết, trong hơn 1 tuần cho học sinh đi học trở lại, sĩ số các buổi học thường không ổn định, ngày tăng, ngày giảm thất thường. Điều này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo sợ dịch bệnh khi có thông tin ở trường hay ở lớp có trường hợp là F0.

Chị Vũ Thị Hải Hà, phụ huynh có con học tại Trường THPT Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) bộc bạch: “Việc cho con đến trường hay giữ con ở nhà tiếp tục học trực tuyến là bài toán rất khó với phụ huynh chúng tôi. Chúng tôi biết sẽ phải sống chung với Covid-19 nhưng chưa chuẩn bị tâm lý sống chung ra sao dù đã được tiêm vaccine. Đấu tranh tâm lý rất nhiều, cuối cùng tôi cho con đến trường nhưng hằng ngày đều phải căn dặn con tự giác thực hiện quy định 5K. Ngay cả vợ chồng tôi cũng phải hạn chế tiếp xúc quá nhiều người trong một ngày để giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm cho chính mình và con”.

Trưởng phòng GĐ-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế trăn trở, sẽ rất khó đảm bảo chất lượng dạy và học nếu tiếp tục duy trì dạy học trực tuyến kéo dài. Bên cạnh đó, còn là nhiều hệ lụy khác liên quan đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ do phải học trực tuyến quá lâu, ít có cơ hội giao tiếp. Nhưng tới đây, khi học sinh đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 rồi, liệu có “kéo” được học sinh đến trường học trực tiếp đông đủ hay không còn phụ thuộc vào tâm lý của phụ huynh. Một khi học sinh đã được tiêm vaccine nhưng phụ huynh vẫn quá thận trọng thì sẽ là một khó khăn rất lớn cho ngành Giáo dục có thể mở cửa lại toàn bộ các cấp học.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, những trường đã triển khai thí điểm cho học sinh học trực tiếp thời gian qua đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn. Những mặt được và chưa được của quá trình thực hiện thí điểm sẽ được tỉnh đánh giá và có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. Vấn đề cần được xã hội hiểu và chia sẻ với ngành Giáo dục hiện nay là dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tồn tại lâu dài với cuộc sống của con người và xã hội sẽ phải chấp nhận sống chung với Covid-19. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Quá trình phủ vaccine cho trẻ em đến đâu sẽ tính toán, xem xét đến việc mở cửa trường lớp đến đó để phát huy hiệu quả của vaccine, đồng thời sớm đưa hoạt động giáo dục trở lại trong giai đoạn bình thường mới.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều