Hội Chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
[links()]Hội Chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trại heo ở H.Thống Nhất thực hiện truy xuất nguồn gốc để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: L.Quyên |
Trong đó, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ được cho là giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Đồng Nai cũng rất quan tâm hỗ trợ nhằm nâng “chất” cho các chuỗi liên kết chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ, cục bộ địa phương dần lớn mạnh, có thể tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.
* Cần giải pháp đồng bộ
Trước những khó khăn của người chăn nuôi do giá sản phẩm chăn nuôi giảm dưới giá thành sản xuất trong nhiều tháng liền vì không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn một số giải pháp nhằm phục hồi ngành chăn nuôi, trong đó có việc kiểm soát chặt nhập khẩu thịt.
Cụ thể, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính như: thịt heo, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT cần phối hợp với Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm; nhất là với những sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tăng đột biến trong thời gian gần đây. Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn. Đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt, đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới.
* Xây dựng chuỗi liên kết
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 29 chuỗi chăn nuôi với các mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà... Toàn tỉnh cũng có 277 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP với sản lượng được chứng nhận gần 102 ngàn tấn thịt heo/năm, trên 38 ngàn tấn thịt gà/năm và 325 triệu quả trứng gà/năm. Trong đó, không chỉ những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi mới xây dựng được những chuỗi liên kết hiệu quả mà nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã tham gia vào chuỗi để tăng lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ông Lê Quang Hạnh, chủ trại gà công nghiệp tại xã Long Đức (H.Long Thành) cho biết, trong chuỗi liên kết, chủ trại chăn nuôi được hỗ trợ từ vay vốn đầu tư đến “gối đầu” con giống, cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y với giá tốt, hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăn nuôi… Người chăn nuôi đặc biệt an tâm vì tham gia vào chuỗi liên kết đảm bảo đầu ra luôn ổn định ở mức giá người chăn nuôi có lợi nhuận ngay cả thời điểm giá gà công nghiệp ngoài thị trường rớt chỉ còn vài ngàn đồng/kg.
Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành), HTX đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản. Tham gia HTX không chỉ có người chăn nuôi mà còn có nhiều thành viên là doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám... đảm bảo cho người chăn nuôi mua vật tư đầu vào với giá tốt nhất. Sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn xuất khẩu được bao tiêu với giá tốt.
Đồng Nai cũng là tỉnh nằm trong tốp các tỉnh, thành đi tiên phong của cả nước thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cũng như truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chăn nuôi để có lợi thế cạnh tranh trong hội nhập.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, chương trình thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm heo, gà trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút đông đảo doanh nghiệp, cơ sở giết mổ và các trang trại chăn nuôi tham gia. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 90% tổng đàn heo và 37,5% tổng đàn gà thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Việc thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc chăn nuôi sẽ giúp việc quản lý chăn nuôi thuận lợi hơn, đồng thời nâng giá trị cho thịt heo, gà Đồng Nai và hướng đến xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT đang triển khai đề án phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; nhất là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Nếu Việt Nam không đưa ra những giải pháp hàng đầu để bảo vệ sản xuất trong nước thì sẽ không thúc đẩy được sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đúng với mục tiêu đề ra. Khi hội nhập sâu, sự kiểm soát hàng nhập khẩu còn hạn chế trong khi xuất khẩu lại hết sức khó khăn, vất vả vì hàng rào kỹ thuật của các nước ngày càng cao, chặt chẽ sẽ bóp chết nền sản xuất trong nước. |
Lê Quyên