Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song triển vọng hồi phục kinh tế, đặc biệt gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu sau đại dịch cũng rất rộng mở khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song triển vọng hồi phục kinh tế, đặc biệt gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu sau đại dịch cũng rất rộng mở khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Năm 2021, nhờ nhu cầu và giá thị trường thế giới tăng cao nên ngành cao su được hưởng lợi. Trong ảnh: Chế biến mủ cao su tại một nhà máy của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: V.GIA |
Tận dụng lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại là giải pháp nhiều doanh nghiệp (DN) tính tới. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, có những lưu ý mà các DN phải chú trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn.
* Tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA
Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, 2 năm vừa qua là khoảng thời gian nhiều khó khăn đối với các DN xuất khẩu trong tỉnh do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như đặt ra nhiều thách thức về sức mua của các thị trường, đối thủ cạnh tranh và vấn đề phòng vệ thương mại. Khi nền kinh tế trong nước ngày càng hội nhập, Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới, hàng hóa xuất khẩu của nước ta nói chung và của Đồng Nai nói riêng ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường sẽ cần chủ động đối mặt với các rào cản, tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thách thức đối với nhiều DN nhỏ và vừa.
“Trong năm vừa qua, sau những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều ngành vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, đây là một trong những tín hiệu khả quan đối với hoạt động xuất khẩu. Có thể nói, trong quý II và quý III-2021 là giai đoạn khó khăn nhất của nhiều DN xuất khẩu trong năm qua khi hoạt động sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều gián đoạn vì tình hình dịch bệnh. Đến những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan hơn, nhiều đơn hàng xuất khẩu, hoạt động sản xuất bắt đầu được phục hồi sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều DN xuất khẩu vào giai đoạn nước rút để đảm bảo tiến độ sản xuất, bàn giao các đơn hàng…” - ông Hưng cho biết thêm.
Nhiều DN tại Đồng Nai đã vận dụng tốt lợi thế để bán hàng vào các thị trường trọng điểm. Năm 2021, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt kỷ lục, gần 15 tỷ USD. Theo ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, thị trường trọng điểm là Mỹ và châu Âu có nhu cầu lớn đối với mặt hàng gỗ của Việt Nam. Dịp cuối năm và đầu năm mới, nhu cầu mua sắm của người dân các thị trường này lại càng nhiều. Hiện nhiều DN trong hiệp hội cũng đã có đơn hàng để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất của năm sau.
* DN cần tuân thủ các quy định thương mại quốc tế
Khi tham gia vào các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn từ các thị trường nhập khẩu rất cao. Ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư thứ nhất, Phó Ban Thương mại phái đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, trong năm qua, năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu, đạt mức tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một phương tiện quan trọng giúp các nhà xuất khẩu từ châu Âu và Việt Nam vượt qua những trở ngại do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cũng như sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường với 500 triệu dân của châu Âu có tiềm năng to lớn nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ hiệp định thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật... Các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu rất cao, nhưng người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng. “Châu Âu không phải là thị trường dành cho hàng hóa giá rẻ, do vậy các DN cần tìm hiểu thông tin trước khi tìm kiếm cơ hội làm ăn. Có sản phẩm chất lượng và đảm bảo được các yếu tố về lao động, môi trường… sẽ là cơ hội tốt cho DN” - ông Bartosz Cieleszynsky khẳng định.
Một vấn đề khác là yếu tố về số hóa trở thành xu hướng phổ biến đối với xuất khẩu và xúc tiến bán hàng trong bối cảnh hiện nay. Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, trong đó doanh số bán hàng trực tuyến tăng cao. Do đó, các DN ở Việt Nam cần chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội khi tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries bày tỏ: Thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, tương đối nhanh so với cuộc khủng hoảng năm 2009. Xu hướng trước đại dịch dự kiến sẽ bắt kịp vào cuối năm 2022. Sự phục hồi về nhu cầu thị trường và khởi sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực đem lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khắc phục những thách thức để giảm chi phí thương mại; hỗ trợ DN nhỏ và vừa tích hợp vào chuỗi cung ứng hướng tới khả năng phục hồi.
Hoàng Hải - Văn Gia