Đồng Nai xác định, trong 5-10 năm tới, sẽ tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp và hướng đến nền kinh tế xanh...
Đồng Nai xác định, trong 5-10 năm tới, sẽ tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp và hướng đến nền kinh tế xanh. Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng các khu công nghiệp (KCN) xanh gắn kết với đô thị bên ngoài, có đầy đủ dịch vụ đi kèm để nâng cao đời sống cho người lao động.
Sản xuất tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: KHÁNH MINH |
Dự tính đến năm 2025, lao động trong các KCN của Đồng Nai sẽ tăng lên hơn 1 triệu người. Ngoài 31 KCN đang hoạt động, dự tính sẽ có thêm 8 KCN mới hoàn thành hạ tầng và thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài đầu tư vào.
* Chú ý đến dịch vụ cho KCN
Sau gần 2 năm xảy ra dịch Covid-19, Đồng Nai là một trong các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Qua đó, tỉnh nhận ra những “điểm khuyết” trong phát triển công nghiệp bền vững là thiếu hàng loạt các dịch vụ phục vụ cho KCN. Do đó, trong đợt quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã bổ sung quỹ đất để ưu tiên triển khai các dịch vụ cho KCN nhằm phát triển kinh tế theo cơ cấu tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ và giảm nông nghiệp. Nhiều năm qua, phát triển công nghiệp của Đồng Nai khá tốt, nhưng thương mại dịch vụ còn thiếu và yếu.
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho hay: “Tới đây, trên địa bàn huyện sẽ triển khai 2 KCN lớn là KCN Cẩm Mỹ khoảng 300ha và KCN Xuân Quế - Sông Nhạn gần 4 ngàn ha. 2 KCN trên đã được cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, huyện cũng quy hoạch thêm các quỹ đất phát triển dịch vụ đi kèm để kết nối hỗ trợ cho các KCN”.
Đồng Nai có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, thương mại dịch vụ, du lịch, logistics vì trong những năm tới cả 4 loại hình giao thông được đầu tư phát triển mạnh là đường bộ, hàng không, đường sắt và đường thủy. Nhiều DN trong nước, nước ngoài đã bắt đầu chú ý đến các dự án trên những lĩnh vực khác ngoài công nghiệp, nhưng muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư, Đồng Nai cần tạo được môi trường thuận lợi. Như vậy, khi DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới có thể triển khai nhanh các dự án và sớm đưa vào khai thác.
Theo ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, thời gian qua, các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp. Tới đây, ngoài công nghiệp, các DN Nhật Bản sẽ đầu tư vào các ngành khác như: thương mại dịch vụ, logistics…
* Chọn nhà đầu tư đủ năng lực
Trên địa bàn tỉnh không thiếu các dự án được quy hoạch 5-10 năm chưa triển khai, vẫn nằm trên giấy dẫn đến quy hoạch “treo”, dự án “treo”. Có nhiều dự án đã có chủ đầu tư nhưng vẫn chưa được thực hiện và tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2021-2030, nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là nhà chủ đầu tư không đủ năng lực, vướng quy hoạch, đất đai. Trong đó, có không ít DN không đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm khiến việc hoàn tất hồ sơ thủ tục chậm trễ, thiếu tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng, thiếu vốn để xây dựng dự án.
Vào giữa tháng 11-2021, khi làm việc với Đồng Nai, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nhấn mạnh: “Đồng Nai xây dựng nhiều KCN nên phải chú trọng đến việc đầu tư nhà ở cho công nhân gần KCN. Đồng thời, tỉnh chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực triển khai nhanh các dự án nhà ở, thương mại dịch vụ kết nối với KCN để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tỉnh chăm lo tốt cho người lao động thì họ sẽ gắn bó, làm việc lâu dài ở Đồng Nai”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch cả trăm dự án về nhà ở xã hội, thương mại dịch vụ, du lịch, logistics… để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho các KCN, từng bước xây dựng KCN xanh hướng đến nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, để mục tiêu trên nhanh về đích thì trong thu hút đầu tư phải chọn được những DN có năng lực, kinh nghiệm mới có đủ khả năng triển khai nhanh các dự án. Đồng thời, tỉnh cần rà soát kỹ các dự án kéo dài nhiều năm không thể triển khai xem nguyên nhân từ đâu, vướng về chính sách hay thủ tục hồ sơ đang bị ách tắc tại khâu nào để tháo gỡ.
Một số DN đang thực hiện dự án tại Đồng Nai cho biết, có những dự án thời gian thực hiện hồ sơ thủ tục lâu gấp 2 lần xây dựng dự án, có những văn bản lấy ý kiến sở, ngành chỉ một hạng mục nhỏ cũng phải đợi từ 2-3 tháng. Đây là một trong những lý do vì sao nhiều năm liền chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai tuy có cải thiện và tăng hạng nhưng vẫn còn cách xa so với một số tỉnh, thành lân cận như: Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khánh Minh