Sau 1 tuần triển khai thí điểm, rất nhiều địa phương đồng ý mở lại tuyến vận tải khách liên tỉnh (đường bộ, đường sắt và hàng không). Tuy nhiên, lượng khách đi lại rất ít, các doanh nghiệp vận tải cũng tỏ ra dè dặt hoạt động.
Đồ họa thể hiện thông tin số tuyến xe khách liên tỉnh được phép hoạt động thí điểm từ ngày 15 đến 20-10 trên địa bàn Đồng Nai (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC) |
[links()]Sau 1 tuần triển khai thí điểm, rất nhiều địa phương đồng ý mở lại tuyến vận tải khách liên tỉnh (đường bộ, đường sắt và hàng không). Tuy nhiên, lượng khách đi lại rất ít, các doanh nghiệp vận tải cũng tỏ ra dè dặt hoạt động.
Nguyên nhân chính được cho là nhiều tỉnh, thành chưa có sự thống nhất về công bố cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như nhu cầu của người dân đi lại còn hạn chế. Ngoài ra còn do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, cộng thêm thời gian dài tạm dừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến vận tải khách đường dài vẫn chưa thể khơi thông.
* Vừa chạy vừa thăm dò
Trong báo cáo gửi Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về hoạt động giao thông vận tải, Bộ GT-VT cho biết, Bộ đã cho phép thí điểm vận tải khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 18-10. Trong khoảng thời gian thí điểm đã có 48 UBND tỉnh, thành phố đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động xe khách liên tỉnh. Trong đó, có 38 địa phương đã tổ chức khai thác 793 tuyến với 588 tuyến xe khách thực chạy; có hơn 1 ngàn chuyến xe hoạt động trong số gần 2 ngàn chuyến đăng ký với 944 xe chạy, chở hơn 5,6 ngàn khách.
Hàng không từ ngày 10 đến 17-10 đã khai thác 17 trong số 21 đường bay theo kế hoạch với 193 chuyến bay trong tổng số 322 chuyến theo kế hoạch, đạt tỷ lệ xấp xỉ 60%; có gần 13 ngàn khách đi máy bay. Đường sắt đã chạy 2 đôi tàu/ngày trên tuyến Hà Nội - TP.HCM với trên 10 ngàn hành khách, bình quân mỗi chuyến có khoảng 600 hành khách. Phần lớn, lượng khách đi lại chủ yếu quay trở về quê sau thời gian kẹt lại các tỉnh vì dịch Covid-19 còn nhu cầu thực tế để phục vụ lưu thông thường nhật còn hạn chế.
Đơn cử tại Đồng Nai, Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho hay, nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tỉnh đã thí điểm mở lại vận tải khách liên tỉnh đến 2 địa phương là TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long.
Tuy nhiên, đến nay Đồng Nai chỉ có thể khai thác tạm thời 2 tuyến vận tải khách cố định Đồng Nai đến TP.HCM trong thời gian từ ngày 15 đến 20-10 gồm tuyến bến xe Nam Cát Tiên - bến xe Miền Đông và tuyến bến xe Tân Phú - bến xe Miền Đông. Nguyên nhân là do đơn vị kinh doanh vận tải còn khá dè dặt, số lượng hành khách ít, không đủ chi phí cho mỗi chuyến đi nên ít có doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký hoạt động thí điểm vận tải khách liên tỉnh.
Ông Lê Đức Dục, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Phương Lâm (H.Tân Phú), đơn vị đứng ra khai thác tạm thời 2 tuyến vận tải khách cố định từ Đồng Nai đến TP.HCM cho biết, trong thời gian thí điểm mỗi chuyến trung bình chỉ được vài khách, thậm chí có những chuyến xe chạy rỗng ở cả 2 chiều. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng này. Trong đó, dịch bệnh còn phức tạp nên người dân e ngại trong việc đi lại bằng xe khách. Hơn nữa, giá vé hiện nay từ Tân Phú đi bến xe Miền Đông trong khoảng 65-80 ngàn đồng/lần nhưng khách muốn đi phải bỏ ra từ 200-300 ngàn đồng để có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, người dân tại các địa bàn nông thôn chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, thời gian tiêm chưa đủ 14 ngày nên chưa đủ điều kiện lưu thông.
Nhiều doanh nghiệp vận tải mong muốn các quy định thực hiện thống nhất để xe khách liên tỉnh sớm hoạt động trở lại. Ảnh: T.Hải |
“Trong tổng số khoảng 8 chuyến xe chạy thì số khách đi lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ những người có nhu cầu cần thiết mới đi xe khách. Đơn vị vừa chạy vừa để thăm dò thị trường, đánh giá nhu cầu thực tế của người dân mới có ý định mở rộng khai thác đại trà khi quy định cho phép. Nhưng nhìn chung, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động vận tải khách” - ông Lê Đức Dục nói.
* Thiếu đồng bộ
Bộ GT-VT cho rằng, không chỉ Đồng Nai mà nhiều địa phương khác đăng ký thí điểm hoạt động vận tải khách liên tỉnh gặp khó và chưa thể ổn định. Trong đó, quy định yêu cầu lái xe, phụ xe khách phải tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 là khó thực hiện vì hầu hết mới được tiêm 1 liều vaccine. Tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện công cộng trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đủ liều cho người dân tại nhiều tỉnh còn thấp.
Nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách đến. Việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương chưa kịp thời, khiến tổ chức vận tải hành khách còn lúng túng. Một số địa phương vẫn tồn tại các văn bản có quy định về mức độ cách ly, phương án phòng dịch cao hơn so với quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Những lý do trên khiến nhiều tuyến xe khách ít khách nên chưa khai thác hoặc khai thác hạn chế.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian thí điểm ngắn nên lượng hành khách giữa hai đầu bến ít, nhiều tuyến xe hoạt động nhưng không có khách. Đồng thời, doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn còn thăm dò nhu cầu khách đi lại để quyết định có chạy hay không.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng của năm 2021 mới đây, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho hay, sau khi thí điểm xong mở lại vận tải khách liên tỉnh, Bộ GT-VT sẽ đánh giá lại, cố gắng sau ngày 20-10 sẽ có một hướng dẫn thích ứng được ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128, ví dụ như tần suất có thể tăng lên cả về đường bộ, hàng không.
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ, quy định hiện nay của Bộ Y tế đã rõ ràng nhưng cần tránh tình trạng các địa phương mỗi nơi một kiểu, một quan điểm, tự ý quy định thêm, gây bức xúc. Các địa phương phải sớm công khai cấp độ của địa phương mình để vận tải được thông suốt. Việc xét nghiệm cũng cần tính toán, nếu xét nghiệm nhiều nhưng không cẩn thận sẽ gây tốn kém, không hiệu quả.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng của năm 2021 mới đây, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ PHẠM BÌNH MINH lưu ý, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nêu biện pháp thực hiện quy định phòng dịch Covid-19 chung trong toàn quốc. Mỗi địa phương không đưa ra quy định phòng dịch trái với quy định của Trung ương, không được làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. |
Thanh Hải