Báo Đồng Nai điện tử
En

Người bệnh không thể chờ máu

06:08, 15/08/2021

Máu là dược phẩm đặc biệt không thể sản xuất được. Máu chỉ có được do con người cung cấp để đáp ứng yêu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện.

Máu là dược phẩm đặc biệt không thể sản xuất được. Máu chỉ có được do con người cung cấp để đáp ứng yêu cầu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện.

Thân nhân bệnh nhân tham gia hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Na
Thân nhân bệnh nhân tham gia hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: A.YÊN

* Điều kiện tham gia hiến máu tình nguyện

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện cho biết, để đảm bảo chất lượng máu điều trị, cấp cứu cho người bệnh, người tham gia hiến máu cần phải đáp ứng một số điều kiện cần thiết như: nam/nữ có trọng lượng từ 45kg trở lên, có sức khỏe bình thường, độ tuổi từ 18-60 tuổi. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần hiến máu tình nguyện là từ 10-12 tuần. Không làm việc quá sức hoặc thức quá khuya trước ngày hiến máu. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, khi đến địa điểm hiến máu tình nguyện phải mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn tại địa điểm hiến máu tình nguyện.

Những trường hợp tạm hoãn hiến máu gồm: trong vòng 7 ngày kể từ ngày được tiêm vaccine phòng Covid-19 đến ngày tổ chức hiến máu; phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Riêng những người đang tiêm ngừa viêm gan B và các loại bệnh khác sẽ tạm hoãn hiến máu từ 3-6 tháng kể từ ngày tiêm thuốc phòng bệnh.

Theo Thông tư số 17/2020/TT-BYT ngày 12-11-2020 của Bộ Y tế, mỗi người tham gia hiến 350ml máu sẽ được hỗ trợ tổng cộng 320 ngàn đồng, bao gồm: 50 ngàn đồng tiền mặt hỗ trợ tiền xe đi lại; 180 ngàn đồng bằng hiện vật gồm bánh ăn sáng nhẹ, sữa, bánh bổ sung canxi và tái tạo máu.

Những người không được hiến máu gồm: những người đã biết mình mắc các bệnh như viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, sốt rét, giang mai, HIV hoặc các bệnh về máu. Người đang bị cao huyết áp hoặc hạ huyết áp. Người đang mắc các bệnh cấp tính, nhiễm độc các loại, người tàn tật.

Sau khi kê khai đầy đủ thông tin trong giấy đăng ký hiến máu và tờ khai y tế phòng, chống dịch bệnh, tình nguyện viên sẽ được đo huyết áp, được lấy máu xét nghiệm (nhân viên y tế sẽ lấy 1 giọt máu của người hiến máu nhỏ vào ly đựng dung dịch. Trường hợp giọt máu nổi lên trong ly dung dịch thì tình nguyện viên không đủ điều kiện hiến máu vì chất lượng máu chưa đảm bảo, có thể do thiếu huyết sắc tố hoặc các nguyên nhân khác).

Sau khi có kết quả xét nghiệm giọt máu, tình nguyện viên được bác sĩ khám, tư vấn sức khỏe. Những trường hợp bác sĩ xác định đủ điều kiện sẽ tham gia hiến máu. Mỗi người sẽ hiến 350ml máu, tương đương với 1 đơn vị máu.

* Lưu giữ “của để dành”

Sau khi hiến máu, người hiến máu sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện (mỗi lần hiến máu sẽ được cấp 1 giấy chứng nhận). Khi có giấy chứng nhận này, nếu chẳng may người hiến máu bị bệnh phải nhập viện cấp cứu hay điều trị tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh sẽ được bồi hoàn máu. Sau 30 ngày kể từ ngày hiến máu, người hiến máu tình nguyện sẽ được Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy cấp Thẻ nhóm máu đối với người hiến máu lần đầu để biết được nhóm máu của mình.

Anh Ngô Tiến Dũng (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây, cứ 3 tháng/lần, nếu có đợt tổ chức tiếp nhận máu hiến, anh đều tham gia. Tuy nhiên kể từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát cho đến nay, anh chưa thể tham gia do nhiều lần bị hủy lịch hiến máu. Anh Dũng mong muốn, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh sớm được kiểm soát để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Còn bản thân anh, sẽ tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện cứu người.

Chưa tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5407/VPCP-KGVX ngày 6-8-2021 về việc hiến máu tình nguyện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, xét đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện về việc chỉ đạo công tác hiến máu tình nguyện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH có ý kiến như sau:

Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tiếp tục tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện, góp phần bảo đảm nhu cầu máu cho hoạt động chữa bệnh. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu các hoạt động hiến máu tình nguyện phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; chưa tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

An Yên

Tin xem nhiều