Tai nạn đuối nước vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với xã hội khi mỗi năm tỉnh có từ 15-20 trẻ bị thiệt mạng thương tâm, trong đó có những vụ thiệt mạng từ 2-3 em cùng lúc, ngay trong một gia đình.
Tai nạn đuối nước vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với xã hội khi mỗi năm tỉnh có từ 15-20 trẻ bị thiệt mạng thương tâm, trong đó có những vụ thiệt mạng từ 2-3 em cùng lúc, ngay trong một gia đình.
Hố chứa nước tưới cà phê từng cướp đi sinh mạng của 3 học sinh ở ấp 4, xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ mới đây. Ảnh: C.NGHĨA |
Vào giữa tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim A. ở ấp 4, xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) vô cùng đau xót khi mất đi 2 người cháu nội, ngoại trong một vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng. Gia đình hàng xóm cách nhà bà Anh không xa cũng mất đi người con trai 7 tuổi trong vụ tai nạn đuối nước thương tâm này.
* Còn đó những nỗi đau
Sau vụ đuối nước thương tâm cách đây hơn nửa tháng, gần như đêm nào bà A. cũng thức trắng nhớ về 2 người cháu tội nghiệp của mình. Bà chia sẻ: “2 cháu của tôi mất đi trong một buổi chiều định mệnh ở dưới hố chứa nước tưới cà phê. Lúc đó, 2 cháu đi học về, gia đình có để các cháu chơi tự do, lúc chiều gọi các cháu về tắm thay đồ và ăn tối nhưng không thấy. Cả nhà kéo nhau đi tìm thì phát hiện các cháu đã chết nổi trên mặt hố nước, cố đưa đi bệnh viện mà các cháu không qua khỏi”.
2 học sinh chết đuối tại hồ Trị An Ngày 4-5, Phòng GD-ĐT H.Vĩnh Cửu đã có báo cáo gửi Sở GD-ĐT về sự việc 2 học sinh của Trường THCS Mã Đà (xã Mã Đà) thiệt mạng do đuối nước tại hồ Trị An vào chiều 3-5. Theo đó chiều 3-5, có 5 em đi đá bóng cùng nhau, sau đó các em rủ nhau xuống hồ tắm. Khi sự việc xảy ra, một em trong nhóm này biết bơi và một người dân làm vườn gần đó đã cứu được 2 em, còn 2 em T.Đ.K và H.N.T.B do bơi quá xa bờ, khi được đưa lên bờ đã không qua khỏi. |
Cách đây hơn 1 năm, vào đúng mùng 5 Tết Nguyên đán, tại hồ bơi Hoa viên Ngọc Hoa Trang (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cũng từng xảy ra một vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 2 em nhỏ Đ.T.N.L. (11 tuổi) và Đ.Đ.D. (9 tuổi) là chị em ruột trong một gia đình tử vong. Hai em L. và D. phát hiện bị đuối nước ở khu vực hồ bơi dành cho người lớn. Điều này cho thấy sự thiếu an toàn khi hồ bơi không có hàng rào ngăn cách giữa 2 hồ bơi và đặc biệt là sự quan sát của người lớn.
Những vụ tai nạn đuối nước khiến cha mẹ các em có những vết thương lòng không thể lành. Cách đây gần 10 năm, vào tháng 5-2012, gia đình anh Phạm Văn L. và Nguyễn Văn B. sát nhà nhau ở ấp 2B, xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) từng mất đi những người con trong một vụ tai nạn đuối nước thương tâm, trong đó gia đình anh L. mất đi cùng lúc 3 người con, còn gia đình anh B. mất đi 2 người con. Từ đó đến nay, vào mỗi dịp hè 2 gia đình lại tổ chức lễ giỗ chung cho cả 5 em nhỏ.
Anh L., cha của 3 em nhỏ thiệt mạng trong vụ tai nạn đuối nước này cho biết: “Cháu lớn nhất khi đó đã 11 tuổi nhưng vẫn chưa biết bơi. Trong lúc cha mẹ mải đi làm ăn xa, các cháu mới thi hết học kỳ 2 xong nên rủ nhau đi chơi ở gần một con mương tưới nước nội đồng. Khi đi có 6 cháu, 5 cháu kia bị đuối nước, cháu còn lại chạy về tìm người lớn ra cứu thì mọi chuyện đã muộn”. Khi được hỏi tại sao sống ở khu vực có nhiều ao hồ, mương tưới nước lại không cho các cháu học bơi sớm, anh L. cho biết: “Tôi có ngờ tới ngày các cháu bị đuối nước thương tâm đâu mà đề phòng”.
* Thiếu kỹ năng bơi lội
Thiếu kỹ năng bơi đang là nguyên nhân chính của các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, bởi hầu hết các vụ tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong, nạn nhân đều không biết bơi. Còn một số rất ít học sinh biết bơi nhưng vẫn thiệt mạng thường do thiếu kỹ năng xử lý tình huống dưới nước.
Thống kê từ các vụ tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 trở lại đây cho thấy, phần lớn các vụ đuối nước liên quan đến học sinh lứa tuổi tiểu học và học sinh bậc THCS từ lớp 6 đến lớp 7. Có một số vụ tai nạn đuối nước có cả nạn nhân là học sinh THPT nhưng vẫn không có kỹ năng bơi lội. Vào tháng 6-2020, tại khu vực Hồ Trị An (thuộc H.Vĩnh Cửu) từng xảy ra một vụ tai nạn đuối nước liên quan đến học sinh nam ở một trường THPT, ngụ tại P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa). Nạn nhân đi tắm hồ cùng bạn bè trong một chuyến đi dã ngoại tự phát nhưng lại không biết bơi nên đã dẫn đến tai nạn thương tâm.
Theo khảo sát của phóng viên tại một trường tiểu học nằm ngay trung tâm TP.Biên Hòa, số lượng học sinh trong một lớp biết bơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng học sinh trong một lớp từng đặt chân xuống hồ bơi chỉ khoảng 50%. Những em biết bơi thường do cha mẹ chủ động cho đi học kỹ năng bơi tại các hồ bơi trên địa bàn thành phố. Nhà trường muốn dạy bơi cho các em nhưng lực bất tòng tâm vì điều kiện cơ sở vật chất của trường không có, diện tích đất chật hẹp, kinh phí xây dựng hồ bơi không hề nhỏ. Một số ít trường đã đầu tư hồ bơi theo dạng lắp ghép nhưng thực tế chưa hiệu quả vì kinh phí lớn, nhất là khâu bảo trì, lại dễ bị hư hỏng do số lượng học sinh quá đông.
Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cho biết, tỷ lệ học sinh biết bơi của trường ở mức rất thấp, điều này xuất phát từ hai phía. Thứ nhất là nhà trường không đủ điều kiện xây dựng hồ bơi, còn phụ huynh thì không phải ai cũng có điều kiện cho con học bơi ở bên ngoài. Cô Sang cho biết, năm học trước trường đã phối hợp với CLB bơi lội Sông Phố để dạy học sinh làm quen với việc “đứng nước”, chỉ cần các em “đứng” được dưới nước mà không bị chìm đã là thành công bước đầu, sau đó các em sẽ học sang kỹ thuật bơi, tuy nhiên cũng khá khó khăn vì thời gian học không nhiều.
* Bài toán khó của nhiều trường
Phần lớn các trường công lập hiện nay đều không có điều kiện xây dựng hồ bơi để dạy bơi cho học sinh ngay trong trường học. Chính vì vậy, việc phổ cập môn bơi cho học sinh là chuyện quá xa vời, đó cũng là nguyên nhân chính khiến học sinh dễ bị tai nạn đuối nước. Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho biết, trường được xây dựng đã lâu, chỗ chơi còn thiếu huống chi nghĩ đến chuyện xây hồ bơi. Hơn nữa, nếu có tiền đầu tư một hồ bơi dạng lắp ghép nhưng liệu đáp ứng được nhu cầu của hơn 2 ngàn học sinh hay không, đó là chưa kể đến chi phí thay nước, vệ sinh…
Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh có trung bình từ 20-25 trẻ em bị tai nạn đuối nước. Những địa phương có số lượng học sinh bị tử vong đuối nước cao là Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Định Quán. |
Còn Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Duyên cho biết: “Nhà trường chưa thể đưa môn bơi vào trong chương trình các môn thể dục của trường dù biết rằng nó rất cần thiết cho các em, liên quan đến một trong những kỹ năng sinh tồn cần thiết trong những lúc gặp nguy hiểm. Môn học này nếu có dạy thì cũng chỉ dừng lại ở việc dạy lý thuyết, bởi điều kiện thực hành là hồ bơi nhà trường không được đầu tư”.
Giải pháp để nâng tỷ lệ học sinh biết bơi, theo thầy Duyên không còn cách nào tốt hơn là khuyến khích các em có thể chủ động tự trang bị kỹ năng bơi cho mình thông qua việc học bơi bên ngoài nhà trường vào những ngày nghỉ, vào dịp hè.
Theo hiệu trưởng một trường THCS công lập tại H.Thống Nhất, nhà trường được xếp hạng là trường chuẩn quốc gia ngay sau khi xây dựng nhưng vẫn chưa có hồ bơi, dù đất trường không thiếu. Việc trang bị kỹ năng bơi cho học sinh vẫn là một nỗi đau đáu của ban giám hiệu. Nhà trường từng nghĩ rất nhiều phương án để có thể xây dựng hồ bơi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu kinh phí.
Trong khi các trường công lập đang gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực nâng tỷ lệ học sinh biết bơi thì một số trường tư thục lại bước đầu thực hiện khá tốt nội dung này. Chẳng hạn tại Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), nhà trường đã xây dựng hồ bơi và đưa môn bơi lội thành môn học bắt buộc với học sinh. Tương tự, tại Trường TH-THCS-THPT Á Châu (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), hay tại Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), hệ thống trường của Công ty CP Giáo dục IGC tại Biên Hòa đều được trang bị hồ bơi tiêu chuẩn, học sinh bắt buộc phải học bơi và phải biết bơi trong quá trình học ở trường.
Công Nghĩa