Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp trong giai đoạn ''tiền vaccine''

03:04, 23/04/2021

Đầu tháng 4 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn đã tổ chức tọa đàm với chủ đề Khởi nghiệp trong giai đoạn "tiền vaccine", nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp vượt qua các thách thức, khó khăn khi gặp khủng hoảng.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới và gây ra những tác động không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp (DN) nói riêng.

Đồ họa thể hiện tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 3-2021 - Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 3-2021 - Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Hiện nay, trong trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp cần xác định chiến lược phù hợp để thích nghi với những biến động của thị trường, cũng như những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* Liên kết để “bảo toàn lực lượng”

Theo ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, trước khó khăn của dịch bệnh, Hội đã phấn đấu, nỗ lực, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những khó khăn, thử thách. Trong năm 2020, hầu hết các thành viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã “bảo toàn lực lượng”, phát triển sản xuất đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Hội đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa như: cà phê doanh nhân với mục đích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Với 10 chi hội và 500 hội viên, năm 2021, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển đối ngoại, hợp tác quốc tế, các hoạt động đào tạo, tập huấn, giao lưu, liên kết, chương trình cà phê doanh nhân hằng tháng, hằng quý. Bên cạnh đó, cũng sẽ có các hoạt động gặp gỡ lãnh đạo chính quyền và công tác đối thoại chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hội viên.

Đầu tháng 4 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn đã tổ chức tọa đàm với chủ đề Khởi nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine”. Buổi tọa đàm chia sẻ những kinh nghiệm trong điều hành DN vượt qua các thách thức, khó khăn, nhất là việc bình tĩnh lèo lái DN của mình khi gặp khủng hoảng. Bên cạnh đó, các diễn giả còn chia sẻ về cơ hội của DN với thị trường trong nước quy mô 100 triệu dân, kinh tế đang phát triển, sức thu hút đối với cộng đồng quốc tế ngày càng cao.

Đánh giá điều này, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế thì việc DN, các tổ chức hội thành viên, hội ngành nghề liên kết lại với nhau để vượt qua khó khăn là điều rất cần thiết. Đơn cử như đối với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Trung ương Hội đánh giá là một tập thể rất năng động. Hội đã có nhiều chương trình kết nối hội viên, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và cũng tổ chức được những cuộc đối thoại với lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành để tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thân thiện.

Tự liên kết và trao nhau cơ hội là cách mà mỗi DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp cùng hỗ trợ nhau để tồn tại. Ngoài ra, các DN vẫn rất cần Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế; các khoản tiền được hồi tố, hoàn trả cho DN... Việc hỗ trợ chỉ được coi là có hiệu quả khi DN nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể.

Không chỉ riêng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, trên địa bàn toàn tỉnh, hoạt động kinh doanh, mức độ thu hút từ môi trường đầu tư dù gặp khó song kết quả vẫn triển vọng.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong quý I-2021, có 93 DN giải thể; 101 chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 348 DN tạm ngừng kinh doanh. Các DN này chủ yếu là nhỏ và vừa và thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Lý do giải thể, chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu do kinh doanh kém hiệu quả và thu hẹp mô hình sản xuất.

Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của một doanh nghiệp chuyên sản xuất găng tay cao su ở H.Long Thành tại tọa đàm Khởi nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine” do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn tổ chức vào đầu tháng 4-2021. Ảnh: Hải Quân
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của một doanh nghiệp chuyên sản xuất găng tay cao su ở H.Long Thành tại tọa đàm Khởi nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine” do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn tổ chức vào đầu tháng 4-2021. Ảnh: Hải Quân

Ở chiều ngược lại, tổng vốn đăng ký thành lập mới DN và bổ sung tăng vốn là 30,9 ngàn tỷ đồng, tăng 458% so với cùng kỳ năm 2020 (6,4 ngàn tỷ đồng). Trong đó, có 680 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 11 ngàn tỷ đồng và 166 DN đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 19,8 ngàn tỷ đồng.

Mặc dù số lượng DN bị tác động bởi dịch bệnh và tạm ngừng hoạt động còn nhiều song nhìn nhận một cách khách quan, số lượng vốn bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh cho thấy sức hút, môi trường kinh doanh và cơ hội để DN phát triển vẫn rộng mở.

* Chủ động đổi mới để thích nghi

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong khó khăn, dịch bệnh cũng là cơ hội để DN cải tổ hoạt động của mình, từ đó, nền kinh tế sẽ lọc ra được những DN mạnh, đủ sức vượt qua những thử thách có thể gặp phải trong tương lai.

Ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập của group Quản trị và khởi nghiệp với hơn 50 ngàn thành viên là doanh nhân, nhà quản lý và start-up chia sẻ, dịch Covid-19 như một con “thiên nga đen” đến bất ngờ, gây khó khăn chung cho nhiều DN. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, DN cần xác định rõ lợi thế của DN để lên phương án, kế hoạch kinh doanh phù hợp, cũng như cập nhật, tiếp cận những cách thức kinh doanh mới trước những biến động của thị trường. Từ đó, tìm kiếm thêm các cơ hội mới, tiềm năng trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Các DN nhỏ và vừa, nhất là các DN chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 như DN trong lĩnh vực vận tải, du lịch… cần tính toán các phương án tài chính phù hợp, trong đó có thể điều tiết, giảm tỷ lệ các khoản chi phí cố định và tăng các khoản chi phí biến đổi tùy vào tình hình thực tế để hạn chế rủi ro về nguồn vốn đầu tư, cũng như những phát sinh liên quan khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Kiểm tra hoạt động máy cấp phôi nguyên liệu (phễu rung) trước khi bàn giao cho khách hàng tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Gia
Kiểm tra hoạt động máy cấp phôi nguyên liệu (phễu rung) trước khi bàn giao cho khách hàng tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Gia

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, nhiều DN trong nước đã chuyển hướng phát triển các dòng sản phẩm đối với thị trường nội địa có nhiều tiềm năng và lợi thế trong bối cảnh “bình thường mới”.

Bà Phạm Thị Bích Hà, đại diện Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm Sơn Lâm (TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây, mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 1 ngàn tấn sản phẩm cà phê các loại qua các thị trường Trung Quốc và Mỹ. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến thị trường xuất khẩu, DN đang tính toán để tiêu thụ thêm sản phẩm tại thị trường nội địa. Trong đó, hướng tới tiếp cận các kênh phân phối trong nước, nhất là các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi ở các đô thị, thành phố lớn…

Văn Gia - Hải Quân

Tin xem nhiều