Sáng nay 19-3, Sở Y tế tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú năm 2020 cho 40 cá nhân. Trong đó, có 2 người được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 38 người được trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.
Cách đây 66 năm, trong thư chúc mừng, thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên ngành Y tế cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ, nhân viên phải thật thà, đoàn kết, thương yêu người bệnh, xây dựng nền y học nước nhà thích hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Trong đó chú trọng nghiên cứu, phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”.
Thầy thuốc nhân dân Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế trao tặng giấy khen cho các bác sĩ tuyến trạm trong tỉnh. ảnh: H.DUNG |
Lời dạy của Bác Hồ đã, đang và sẽ trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.
* 2 Thầy thuốc nhân dân tiêu biểu của Đồng Nai
Với nhiều cố gắng, nỗ lực và cống hiến, từ một bác sĩ điều trị nội khoa của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đến nay, TS-BS Phan Huy Anh Vũ đã là Giám đốc Sở Y tế, mang trong mình trọng trách người thuyền trưởng chèo lái con thuyền của ngành Y tế Đồng Nai.
Khi được hỏi, trong suốt 30 năm qua, thời điểm nào để lại nhiều ấn tượng nhất đối với bản thân, tư lệnh ngành Y tế của tỉnh tâm sự, đó là khi ông được giao trọng trách Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (thời điểm 2006-2017). Trong 11 năm đó, BS Vũ đã chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch dài hạn, chuẩn bị nguồn lực, máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại nhằm đáp ứng kịp thời việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; thực hiện xã hội hóa các máy móc hiện đại để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Bản thân BS Vũ và tập thể bệnh viện cũng đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Cụ thể như: phẫu thuật chấn thương sọ não, phẫu thuật tim, lồng ngực, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thay khớp gối, khớp háng, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, điều trị các bệnh lý về sản khoa như u xơ tử cung, băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu… Đặc biệt, trong năm 2011 và đầu năm 2016, BS Vũ đã chủ động áp dụng các tiến bộ của khoa học tại bệnh viện như: phẫu thuật nội soi một cổng, lọc máu liên tục, chữa bệnh tắc nghẽn động mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành, mạch máu não… kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân.
Sáng nay 19-3, Sở Y tế tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú năm 2020 cho 40 cá nhân. Trong đó, có 2 người được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 38 người được trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Tính đến nay, ngành Y tế Đồng Nai có 4 Thầy thuốc nhân dân và 191 Thầy thuốc ưu tú. Đây là danh hiệu cao quý được Chủ tịch nước phong tặng cho những cán bộ y tế có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. |
BS Vũ cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực của bệnh viện, thu hút số lượng đáng kể đội ngũ bác sĩ về làm việc tại bệnh viện. Nếu năm 2012, toàn bệnh viện mới có 153 bác sĩ thì đến năm 2016, con số này đã lên đến 302.
Đặc biệt, khi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới theo mô hình “công tư phối hợp” - mô hình bệnh viện công - tư đầu tiên trong cả nước, BS Vũ cùng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã làm tròn nhiệm vụ. Ngày 25-4-2015, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân trong tỉnh và khu vực. Đây là bệnh viện mang tầm vóc hiện đại, lớn nhất vùng Đông Nam bộ, là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Từ năm 2017 đến nay, với cương vị người đứng đầu ngành Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ luôn chủ động sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng khối đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, dự phòng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, TS-BS Phan Huy Anh Vũ đã chỉ đạo ngành Y tế chủ động, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều biện pháp phòng dịch hiệu quả. Nhờ đó, mặc dù là tỉnh có mức độ giao thương cao và nhiều nguy cơ nhưng đến nay, Đồng Nai vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, cơ bản đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong tỉnh.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ tâm sự, điều khiến ông băn khoăn nhất hiện nay là thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế chưa xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra, đặc biệt là các bác sĩ ở tuyến trạm y tế. Ông đang suy nghĩ để tìm ra giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ bác sĩ ở tuyến trạm, giúp họ an tâm gắn bó với công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế (bìa trái) tham dự lễ công bố Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh triển khai thành công bệnh án điện tử. ảnh: H.DUNG |
Xuất phát điểm từ một y sĩ phụ trách công tác quản lý học sinh của Trường trung học Y tế Đồng Nai (nay là Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai), BS CKII Huỳnh Cao Hải, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Trong 39 năm gắn bó với ngành Y, BS Hải có 20 năm làm công tác chuyên môn.
Chia sẻ về những việc đã làm, BS Hải cho hay, từ năm 1988-2019, ông trực tiếp xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình từ tỉnh đến địa bàn dân cư. Đồng thời, tổ chức, chỉ đạo, điều hành, quản lý, thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trên toàn tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của tỉnh từ 3,4% năm 1990 xuống còn 1,1% năm 2015. Tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 19% năm 1990 xuống còn 6,8% năm 2015. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng từ 45% năm 1990 tăng lên 72% năm 2015.
Ngoài ra, bản thân BS Huỳnh Cao Hải còn trực tiếp chỉ đạo trong ngành và tham mưu UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh thường gặp lúc giao mùa như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, các loại cúm và các bệnh dịch nguy hiểm như: Zika, H7N9, MERS-CoV, Ebola. Triển khai thực hiện các mục tiêu của các chương trình mục tiêu y tế - dân số nhằm đảo bảo tiến độ và đạt các chỉ tiêu đề ra. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm chủng, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi duy trì tỷ lệ trên 98%; đảm bảo đủ vaccine, vật tư tiêm chủng đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai, nữ trong độ tuổi sinh đẻ; thực hiện củng cố nâng cấp dây chuyền lạnh, kho lưu trữ bảo quản vaccine đạt tiêu chuẩn thực hiện bảo quản thuốc tốt tại các cơ sở tiêm chủng trong tỉnh.
* Cống hiến tài năng, sức khỏe vì sự phát triển của ngành Y
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ về công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi và nâng cao sự hài lòng cho người bệnh. Mới đây, bệnh viện đã triển khai thẻ khám bệnh 2 trong 1, vừa đăng ký khám bệnh vừa thanh toán viện phí; triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến để tạo sự thuận lợi cho người dân khi đến khám bệnh, nhất là người bệnh ở xa. Có được những kết quả trên phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc bệnh viện.
Một ca phẫu thuật tim hở được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai |
Trên cương vị Phó giám đốc phụ trách hoạt động của Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Quản lý chất lượng, các khoa cận lâm sàng, BS Trâm đã có nhiều sáng kiến để nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện, kịp thời động viên người lao động, tạo khí thế hăng say trong công tác. BS Trâm thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên y tế làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc, chú ý thái độ trong giao tiếp với người bệnh, thân nhân người bệnh; chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm, tin tưởng khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Còn với ThS-BS Lê Anh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ngay từ khi mới tốt nghiệp ra trường năm 1998, bản thân ông đã xác định phải luôn không ngừng rèn luyện, học hỏi, ứng dụng những kiến thức mới nhất, tốt nhất để phục vụ công tác khám, chữa bệnh nhi khoa. Thời gian công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, BS Phong luôn tận tụy với bệnh nhân, đã điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo như: sốt xuất huyết nặng, nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não, viêm màng não mủ… mang lại sức khỏe cho người bệnh, hạnh phúc cho thân nhân bệnh nhi.
Thực hiện Đề án 1816 tại bệnh viện, ThS-BS Lê Anh Phong đã lập kế hoạch và quản lý thực hiện đề án. Ông trực tiếp đến tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện trong tỉnh để chuyển giao kỹ thuật, quản lý chuyên môn của cán bộ y tế của bệnh viện khi về công tác tại địa phương. Song song với đó, tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật chuyên sâu từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai như: lọc máu, hồi sức sơ sinh, quản lý bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật tiết niệu, phẫu thuật sọ não… Qua đó, phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân nặng tại bệnh viện.
Thời điểm được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, BS Nguyễn Văn Ba đã nghỉ hưu theo chế độ sau nhiều năm công tác tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Với BS Ba, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú là vinh dự lớn đối với ông, nhắc ông nhớ những tháng ngày không quên hành nghề y.
BS Ba tâm sự, từ tháng 4-1988 đến tháng 8-1991, ông được giao giữ chức Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện Công ty Cao su Bình Long thuộc Tổng cục Cao su Việt Nam. Những năm đầu ở vùng sâu, vùng xa, thiếu thốn về vật chất, trang thiết bị, máy móc, thuốc men, bản thân ông cùng tập thể đã cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất. Thời gian làm việc tại đây, BS Ba cùng cộng sự đã đỡ sinh và điều trị bệnh phụ khoa cho hàng trăm lượt bệnh nhân. Ở vùng trọng điểm của sốt rét, ông cùng đồng nghiệp đã điều trị thành công hàng trăm ca sốt rét ác tính cho công nhân và đồng bào dân tộc S’tiêng.
Từ khi chuyển công tác về Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, BS Ba đã trực tiếp điều trị cho bệnh nhân phong tại cộng đồng. Ông đến tận những vùng sâu, vùng xa như Tà Lài, Suối Cao để khám bệnh, cấp thuốc đến tận tay người bệnh. Nhờ đó, có khoảng 100 bệnh nhân bị bệnh phong đã được chữa khỏi, trở về cuộc sống bình thường.
Không ngại khó, không sợ khổ, BS Ba đã cùng đồng nghiệp điều trị, đa hóa trị liệu phản ứng phong, điều trị tàn phế cho hàng chục bệnh nhân phong mỗi năm.
Năm 2010, BS Ba có sáng kiến phẫu thuật lỗ đáo cho bệnh nhân phong. Ông cùng đồng nghiệp đã phẫu thuật gần 150 lần cho các bệnh nhân. Qua đó, giảm bớt sự đau đớn, mặc cảm cho bệnh nhân phong, trả lại sự lành lặn cho những bệnh nhân bị di chứng phong. Năm 2013, tỉnh Đồng Nai được công nhận đã loại trừ được bệnh phong. Có được kết quả đó là nhờ một phần công sức của BS Nguyễn Văn Ba.
Hạnh Dung