Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế

11:03, 24/03/2021

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói Việt Nam đã thành công trong việc kiềm chế và xử lý dịch bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói Việt Nam đã thành công trong việc kiềm chế và xử lý dịch bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh. Sự thành công của việc khống chế dịch bệnh giúp cho DN cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự tăng trưởng, triển vọng phát triển của nền kinh tế.

Mở rộng thị trường tiêu thụ là giải pháp để doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Trong ảnh: Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai giới thiệu sản phẩm với các đối tác Nhật Bản. Ảnh: V.THẾ
Mở rộng thị trường tiêu thụ là giải pháp để doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Trong ảnh: Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai giới thiệu sản phẩm với các đối tác Nhật Bản. Ảnh: V.THẾ

* Tiềm năng tăng trưởng vẫn lớn

Nhờ hiệu ứng tích cực của kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế. Mới đây, ngày 18-3, Moody’s Investors Service (Moody’s), tổ chức của Mỹ, một trong 3 tổ chức chuyên xếp hạng lớn nhất thế giới đã ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức 3 và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực. Moody’s ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ đầy thuyết phục và vững chắc. Tổ chức này đưa ra đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng sau đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động. Đồng thời, ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ.

Triển vọng phát triển kinh tế trung, dài hạn tương đối thuận lợi nên năm 2021 Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, còn tỉnh Đồng Nai là 8,5% so với năm trước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh vẫn còn dịch bệnh, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu, từ đó duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế. Riêng đối với Đồng Nai, năm 2021 sẽ rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu cho hàng hóa địa phương.

* Đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường

Đại dịch Covid-19 cũng là dịp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các giải pháp cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các trở ngại, cải thiện môi trường kinh doanh. DN cho rằng Nhà nước cần tiếp tục tìm cách đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn để tránh tối đa phiền hà, hạn chế nhũng nhiễu, tình trạng chi trả chi phí không chính thức. Đặc biệt, trong các chương trình, chính sách hỗ trợ từ vấn đề tài chính đến đổi mới công nghệ… cần được phổ biến rộng rãi để DN có thể dễ tiếp cận nhất.

“Đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa như chúng tôi, việc đầu tư cho nhà xưởng, máy móc tốn rất nhiều chi phí. DN của tôi cũng đang tìm hiểu chương trình hỗ trợ DN đổi mới máy móc công nghệ của tỉnh và mong nhận được sự hỗ trợ, trao đổi qua lại thông tin kịp thời, giúp DN có động lực để thay đổi” - ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) kiến nghị.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua khảo sát ý kiến của các DN cho thấy DN cũng quan tâm các vấn đề căn cơ, vĩ mô hơn của nền kinh tế. Kiến nghị tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các nguồn tạo tăng trưởng GDP từ xuất khẩu, tiêu dùng cá nhân, đầu tư của DN suy giảm thì việc tăng đầu tư công, nhất là hoàn thiện các công trình trọng điểm còn dang dở có thể là một giải pháp phù hợp nhằm tạo việc làm và vực dậy nền kinh tế.

Chia sẻ cùng các DN, doanh nhân trên địa bàn Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định thời điểm hiện tại Đồng Nai là một trong những địa phương tích cực triển khai đầu tư công để thúc đẩy sự phát triển chung. Đặc biệt, các dự án hạ tầng giao thông lớn như: sân bay, đường cao tốc, khu tái định cư… sẽ có nhu cầu lớn về mua sắm, do vậy, DN cần tận dụng các cơ hội này. “Tỉnh đang xây dựng các thành phố, khu đô thị thông minh, sân bay, bến cảng, đường cao tốc… tạo đà cho tương lai. DN, doanh nhân trong tỉnh cần vận dụng cơ hội này để cùng tỉnh phát triển” - lãnh đạo tỉnh gửi gắm.

Vương Thế

 

Tin xem nhiều