"Xanh hóa" sản xuất và thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm bảo vệ môi trường là mục tiêu, nhiệm vụ mà UBND tỉnh đặt ra cho nền kinh tế hiện đại.
“Xanh hóa” sản xuất và thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm bảo vệ môi trường là mục tiêu, nhiệm vụ mà UBND tỉnh đặt ra cho nền kinh tế hiện đại.
Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp sớm nhất, quy mô hàng đầu trong cả nước. Khoảng 10 năm gần đây, phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh đang có sự chuyển đổi từ tăng trưởng theo chiều rộng, “thu hút đầu tư bằng mọi giá” sang phát triển theo chiều sâu với hàm lượng công nghệ, tri thức cao. Trong đó, tăng trưởng “xanh”, tăng trưởng bền vững được ưu tiên lựa chọn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 1,8 ngàn dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ USD. Các dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai đa dạng ngành nghề, lĩnh vực và đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp có thế mạnh trong tương lai có sự tăng trưởng nhanh, như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng nguồn vốn FDI. Hoạt động của các doanh nghiệp FDI chiếm tỉ trọng gần 40% tổng giá trị gia tăng của tỉnh, hơn 60% giá trị sản lượng công nghiệp và chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu.
Chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh hiện nay là ưu tiên các dự án có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, các dự án nâng cấp thiết bị công nghệ, dự án thân thiện với môi trường; mời gọi các dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam; giảm nhập siêu, góp phần ổn định và nâng chất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện chuyển đổi công nghệ nhằm tiết giảm nguyên liệu, năng lượng và nhân công; đưa ra các tiêu chí, yêu cầu bắt buộc về môi trường và xây dựng đối với các dự án đầu tư mới…
Ở mỗi góc độ của mình, các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị kinh doanh tích cực tham gia chuỗi phân phối các sản phẩm, hàng hóa sản xuất đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường, đồng thời tuyên truyền người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó kích thích sản xuất xanh phát triển, tăng lợi thế cạnh tranh.
Trong quy hoạch phát triển, các khu công nghiệp chuyên ngành đang dần hình thành nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng và phụ cận, thuận tiện trong nhân rộng sản xuất xanh và giám sát, xử lý môi trường. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cũng chuyển sang phát triển theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ, từng bước hình thành các chuỗi đô thị hiện đại, các khu công nghiệp chuyên ngành. Khi định hướng đúng đắn thì về lâu dài, kinh tế vẫn phát triển nhanh và mạnh, nhưng sẽ không có một “cái giá” nào quá lớn phải đánh đổi về mặt gìn giữ môi trường.
Vi Lâm