Thời gian qua, toàn tỉnh có nhiều HTX kiểu mới hoạt động năng động, hiệu quả không thua gì doanh nghiệp. Tuy nhiên, về mặt bằng chung, các HTX hiện vẫn thiếu và yếu, chưa phát triển xứng tầm.
Đồng Nai được đánh giá là địa phương phát triển mạnh về kinh tế tập thể, đặc biệt là phát huy được vai trò của HTX trong phát triển chuỗi liên kết. Do đó, thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều HTX kiểu mới hoạt động năng động, hiệu quả không thua gì doanh nghiệp.
Vùng chuyên canh chuối tại H.Trảng Bom chưa có HTX mạnh liên kết nông dân. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, về mặt bằng chung, các HTX hiện nay vẫn thiếu và yếu, chưa phát triển xứng tầm với yêu cầu hội nhập.
* Yêu cầu mới trong hội nhập
Để cạnh tranh được trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng như hiện nay, sản xuất nông nghiệp phải chuyển hướng theo quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn về chất lượng, ứng dụng công nghệ cao để đạt cả về sản lượng, chất lượng và có giá thành cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Theo đó, đầu tiên là chính nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ bằng cách bắt tay nhau xây dựng chuỗi liên kết lớn từ trên cánh đồng. Ở đây rất cần vai trò của các HTX trong việc liên kết nông dân với nhau cũng như làm cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Chưa bao giờ, yêu cầu về những HTX kiểu mới hoạt động năng động, hiệu quả như một doanh nghiệp từ trong việc tổ chức tốt khâu sản xuất an toàn đến việc chủ động tiếp cận cả thị trường trong nước và xuất khẩu lại bức thiết như hiện nay.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc, bìa phải) gặp gỡ các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) tại TP.HCM |
Thực tế, nhiều HTX của Đồng Nai đã đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập. HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) là một trong số ít HTX của Đồng Nai trở thành chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn. Hiện dự án cánh đồng lớn liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng VietGAP do HTX đầu tư đã có gần 60ha diện tích sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP.
Vào năm 2018, khi Quyết định 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển 15 ngàn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả được triển khai, Đồng Nai có 124 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 30 HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 154 HTX nông nghiệp, tăng thêm 30 HTX. Toàn tỉnh hình thành được 129 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, tăng gấp nhiều lần so với 2 năm trước đó. |
Khi đã tổ chức tốt khâu sản xuất, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định đang dồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các loại trái cây an toàn. Theo đó, thời gian qua, bà Nga đã tham dự rất nhiều chương trình hội chợ, giao lưu, quảng bá thương hiệu cho nông sản trong và ngoài tỉnh.
Gần đây nhất, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định đã tham gia hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) diễn ra tại TP.HCM. Dịp này, đơn vị đã đưa nhiều sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến của địa phương giới thiệu với rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đến từ các nước.
Bà Đặng Thị Thúy Nga chia sẻ: “Thời gian qua, tôi luôn tích cực tham gia các hội nghị, hội chợ cũng như các chương trình xúc tiến, quảng bá cho nông sản. Đây là cơ hội để HTX tìm được đối tác xuất khẩu trái cây tươi”. Nhờ đó, HTX đã có đối tác bao tiêu sản phẩm xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Đơn vị đang làm việc với một số đối tác là doanh nghiệp của Thái Lan, Hàn Quốc để bàn việc hợp tác xuất khẩu nông sản đi nhiều nước khác.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (TT.Long Thành, H.Long Thành) là HTX đầu tiên của Việt Nam nuôi gà xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản. Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho hay, HTX không chỉ thu hút nông dân tham gia mà có nhiều xã viên, đối tác là các HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu…
Nhờ đó, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. “HTX của chúng tôi hoạt động năng động không khác gì doanh nghiệp. Ban giám đốc tập hợp được những thành viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi cho đến khâu quản lý, phát triển kinh doanh” - ông Quyết nói.
* Chưa phát triển xứng tầm
Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung, các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển xứng tầm với yêu cầu hội nhập cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 154 HTX nông nghiệp. Trong đó, chỉ có khoảng 49% hoạt động khá; HTX hoạt động trung bình, yếu vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (bìa phải) gặp gỡ các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) diễn ra tại TP.HCM. Ảnh:B. Nguyên |
Riêng trong năm 2020, mục tiêu của Đồng Nai sẽ thành lập mới 35 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, tính đến tháng 4-2020, toàn tỉnh mới thành lập được thêm 5 HTX nông nghiệp, đạt hơn 14% so với kế hoạch đề ra và chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Đồng Nai khó hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao vào năm 2020 là toàn tỉnh phát triển được 200 HTX; tỷ lệ HTX khá, tốt cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo ông Huỳnh Lam Phương, Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Liên minh HTX Việt Nam, Đồng Nai có nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả; hỗ trợ nhiều cho xã viên, nông dân. Từ khi Luật HTX mới được ban hành vào năm 2012, nhiều HTX đã kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô hoạt động, có vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng... đã tạo được sự phát triển vượt bậc cho kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng. Phong trào xây dựng nông thôn mới yêu cầu phải xây dựng được mô hình HTX tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cũng góp phần tạo nên sự thay đổi vượt bậc về chất cho các HTX. |
Theo đánh giá, đa số các HTX của Đồng Nai còn hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có nhiều tài sản thế chấp khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng.
Huyện Thống Nhất là một trong những địa phương phát triển được nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả như: HTX Nông trại Dốc Mơ (xã Gia Tân 3) đầu tư sản xuất hữu cơ và làm du lịch sinh thái; HTX Nông nghiệp Vườn Xanh (xã Xuân Thiện) đã cung cấp các mặt hàng trái cây tươi vào được các hệ thống bán lẻ của các siêu thị lớn như: Mega Market, Co.opmart, Vinmart...
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương thừa nhận, một số HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp vẫn còn tồn tại tình trạng hoạt động yếu, hiệu quả kinh doanh thấp và chưa có chiều hướng phát triển tốt vì năng lực đội ngũ quản lý của HTX còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến đầu ra của nông sản còn bấp bênh.
Huyện Trảng Bom có những vùng chuyên canh cây trồng lớn như: chuối, thanh long, tiêu…Địa phương này đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra ổn định cho nông sản. Nhưng nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia các chuỗi liên kết.
Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lương Thị Lan cho biết, với cây chuối, huyện đã phát triển được gần 4,5 ngàn ha. Doanh nghiệp rất quan tâm đến vùng nguyên liệu chuối cấy mô xuất khẩu quy mô lớn nên đã về địa phương đặt vấn đề xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm chuối xuất khẩu. Doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như nhiều chính sách hỗ trợ khác cho nông dân. Nhưng thực tế, nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia vì họ vẫn quen với việc ở đâu giá cao thì bán chứ không quan tâm vào chuỗi, phát triển bền vững. Trong đó có nguyên nhân địa phương chưa có được những HTX uy tín, hoạt động hiệu quả để thực hiện tốt vai trò liên kết nông dân.
Bình Nguyên