Sau loạt bài phân tích về khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan, Báo Đồng Nai tiếp tục nhận được đóng góp của các cộng tác viên và bạn đọc. Những ý kiến này còn nguyên tính thời sự khi sắp tới Tổng cục TDTT sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề hiến kế cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Sau loạt bài phân tích về khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan, Báo Đồng Nai tiếp tục nhận được đóng góp của các cộng tác viên và bạn đọc. Những ý kiến này còn nguyên tính thời sự khi sắp tới Tổng cục TDTT sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề hiến kế cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Các cầu thủ Việt Nam (trái) hoàn toàn lép vế trước một đường tấn công của Chanathip (Thái Lan). |
Nếu ví nền tảng BĐ quốc gia là một cái cây thì gốc cây là giải vô địch quốc gia và hệ thống đào tạo trẻ, ngọn cây là đội tuyển quốc gia. Nhìn vào gốc rễ của bóng đá Việt Nam, chúng ta hiểu tại sao đội tuyển Việt Nam mãi thua Thái Lan.
V.League có 14 đội tham dự, gần như năm nào cũng có đội do bỏ giải, và đã từng có đội bỏ, hoặc giải thể sau khi rớt hạng. Trong khi đó, Thai Premier League có tới 18 đội tham dự. Nếu tính cả giải hạng nhất, thời điểm này Việt Nam có tổng cộng 22 đội bóng chuyên nghiệp (Cà Mau vừa xin rút khỏi giải hạng nhất 2016). Con số tương tự của Thái Lan là 38 đội. Không chỉ vượt trội về số lượng, các CLB của Thái Lan còn vượt trội Việt Nam về chất lượng. 4 năm qua, có 5 đội bóng của Thái dự AFC Champions League. Con số tương tự của Việt Nam là 1. Mùa 2015, B.Bình Dương bị loại từ vòng bảng với chỉ 4 điểm sau 6 trận, trong khi Buriram United là 10 điểm (Buriram chỉ bị loại vì chêch lệch chỉ số phụ với Gamba Osaka (Nhật Bản).
Số lượng khán giả ở Thai.League cũng tuyệt vời. Nền tảng tài chính các CLB lẫn BTC giải vững mạnh, cùng nhà tài trợ nhưng Toyota rót tiền cho Thai.League gấp đôi V.League.
Về chất lượng đào tạo trẻ, bóng đá Thái Lan không dựa vào một lò HAGL JMG để tạo nên một đội tuyển mạnh. Tất cả các CLB đều đào tạo trẻ trên cùng một nền tảng, cùng một triết lý. Thái Lan giành đủ 3 chức vô địch Đông Nam Á cho các lứa U.16, U.19 và U.23 trong năm 2015. Họ cũng có những lò đào tạo hợp tác với Leicester City và Everton, được điều hành và hoạt động bởi công nghệ từ Anh quốc.
Thai Premier League cởi mở, chấp nhận hàng loạt yếu tố nước ngoài. Phần lớn các CLB Thái Lan có HLV là người nước ngoài (chủ yếu từ châu Âu). Mỗi đội bóng Thái Lan được sử dụng tới 5 ngoại binh. Thái Lan chấp nhận cuộc cạnh tranh khốc liệt cho cầu thủ nội để đổi lại sự tiến bộ. Các HLV, trợ lý bản địa học hỏi rất nhiều khi được làm việc với các HLV nước ngoài. Nhìn về Việt Nam, HLV ngoại cuối cùng là Guillaume Graechen đã bị sa thải vào cuối mùa trước. V.League chỉ còn cho đăng ký 2 ngoại binh mỗi trận. Hạn chế đó nhằm phù hợp trong tình hình bóng đá Việt Nam nhưng nó phản ánh sức cạnh tranh kém của cầu thủ bản địa.
Về phương diện tổ chức, các đội bóng Thái Lan hoạt động theo kiểu Barcelona - mô hình cộng đồng. Đội bóng của họ là một cơ chế mở với quyền lực nằm trong tay một nhóm người (chứ không phải một người). Thương hiệu đội bóng, giá trị CLB, hình ảnh trong mắt CĐV được bảo tồn. Các đội bóng Thái Lan có nhà tài trợ và được quảng cáo thực sự. Khác với các đội bóng V.League vốn sống từ nguồn tiền của những ông chủ, hoặc dựa vào ngân sách bao cấp. Những CLB Thái Lan có thể tự túc tài chính và đang làm điều đó rất tốt. Nền tảng CLB và đào tạo trẻ phát triển nên giá trị của Thai Premier League được đánh giá cao. True Visions mua bản quyền Thai Premier League với giá 57 triệu USD trong 3 năm. Trong khi nhà tài trợ chính thức Toyota tài trợ cho V.League không nhiều hơn 2 triệu USD/mùa.
Sự vượt trội từ gốc là lý do giải thích cho sự vươn cao của phần ngọn. ASIAD 2014, Olympic Thái Lan vào tới tốp 4 châu Á. Vòng loại World Cup 2018 hiện tại, tuyển Thái Lan dẫn đầu bảng F, xếp trên cường quốc Iraq. Nếu nền tảng của bóng đá Thái Lan là một gốc đa lớn thì bóng đá Việt Nam chỉ là những... rễ liễu nhỏ.
Bạch Dương