Tình cờ mà những ngày qua 3 cái tên cầu thủ trẻ cùng trở thành tâm điểm dư luận. Câu chuyện về Nguyễn Công Phượng (hagl, 20 tuổi), Quế Ngọc Hải (slna, 22 tuổi) và Phan Lưu Thế Sơn (cựu hậu vệ Đồng Nai, 24 tuổi), gây nên những cảm xúc buồn vui lẫn lộn và đánh giá trái chiều; nhưng nó cùng phản ánh một thực trạng, bộ mặt của làng cầu Việt Nam.
Tình cờ mà những ngày qua 3 cái tên cầu thủ trẻ cùng trở thành tâm điểm dư luận. Câu chuyện về Nguyễn Công Phượng (hagl, 20 tuổi), Quế Ngọc Hải (slna, 22 tuổi) và Phan Lưu Thế Sơn (cựu hậu vệ Đồng Nai, 24 tuổi), gây nên những cảm xúc buồn vui lẫn lộn và đánh giá trái chiều; nhưng nó cùng phản ánh một thực trạng, bộ mặt của làng cầu Việt Nam.
* Công Phượng có “giá” 3 tỷ đồng/năm
Đó là tính cả khoản chuyển nhượng (thực chất là phí “mượn”) 100 ngàn USD (khoảng 2,2 tỷ đồng) mà CLB Mito Hollyhock trả cho HAGL và tiền lương 3 ngàn USD/tháng (66 triệu đồng X 12 tháng) để Công Phượng thi đấu ở Giải hạng 2 Nhật Bản (J-League 2) trong cả năm 2016. Có ý kiến cho rằng thương vụ này là thất bại của “ông bầu” Đoàn Nguyên Đức khi từng kỳ vọng đưa lứa cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG lên sàn chuyển nhượng quốc tế với những con số tính bằng “triệu USD”. So với thị trường chuyển nhượng trong nước mức giá này cũng quá rẻ, chỉ cỡ một ngoại binh tầm trung, thậm chí đến một hậu vệ như Chí Công cũng từng có giá “lót tay” đến 3 tỷ/mùa. Với giá trị thương hiệu của Công Phượng, hiện tại không ít CLB ở V.League sẵn sàng “chồng” số tiền gấp nhiều lần để sở hữu anh, mà không “lăn tăn” sợ lỗ. Cũng có người so sánh mức lương 3 ngàn USD/tháng của Phượng với 7 ngàn USD của đàn anh Công Vinh năm ngoái khi cũng chơi cho một CLB hạng 2 Nhật Bản khác là Consadole Sapporo. Tuy nhiên, mọi người quên rằng đây không phải là cuộc chuyển nhượng mà chỉ là hợp đồng cho mượn 1 năm và Công Phượng là một cầu thủ trẻ, mới chơi V.League đúng một mùa (và cũng không thể hiện được nhiều vì nhiều nguyên nhân), còn Công Vinh là thủ quân đội tuyển quốc gia, có chức vô địch Đông Nam Á và từng chơi bóng ở Bồ Đào Nha.
Nhưng khác với thương vụ Consadole Sapporo với SLNA và Công Vinh mang nhiều tính thương mại, HAGL và Công Phượng có thể tự hào là Mito rất quyết tâm và nghiêm túc khi đã âm thầm cử chuyên gia theo dõi số 10 của U.19 Việt Nam trong suốt 2 năm ở các giải đấu quốc tế, thậm chí nhờ cả đến Tổng giám đốc J.League có lời. Bất luận thế nào, việc lần đầu tiên trong lịch sử một cầu thủ Việt 20 tuổi được mời “đá thuê” ở nước ngoài (lại là ở nền bóng đá hàng đầu châu lục mà VN đang quyết tâm theo đuổi học hỏi), cũng là “tiếng thơm” cho đào tạo trẻ của BĐVN. Việc “xuất ngoại” (dù trước mắt chỉ 1 năm) của Công Phượng sẽ mở đường cho nhiều tài năng trẻ khác trong tương lai, đồng thời tạo động lực, tấm gương để các cầu thủ trẻ noi theo phấn đấu.
Tuy nhiên bên cạnh chung vui, mừng cho Công Phượng sẽ có dịp học hỏi, hoàn thiện bản thân (cả về chuyên môn lẫn cuộc sống) trong môi trường bóng đá thật sự chuyên nghiệp, lại chạnh lòng với nền bóng đá nghiệp dư trong nước. Theo “bầu” Đức thì đây hầu như là quyết định đưa Công Phượng đi tạm “lánh” khỏi V.League để tránh quá nhiều áp lực từ mọi phía, cả trong sân bóng lẫn cuộc sống đời thường cho tài năng trẻ này. “Một thằng bé mới 19, 20 tuổi đời, làm bất cứ việc gì cũng bị xoi mói đủ điều thì làm sao trưởng thành được. Tôi cho Công Phượng vắng bóng một năm ở trong nước để mọi người... quên cậu ta đi(!)” - ông Đức nói.
Trần Đỗ