Báo Đồng Nai điện tử
En

Nếu Câu lạc bộ hạng nhất Hà Nội bán suất thăng hạng: Không thể bán cái… không thuộc về mình

10:08, 01/08/2012

Theo quy chế bóng đá (BĐ) chuyên nghiệp Việt Nam 2012, một ông chủ không thể cùng sở hữu 2 câu lạc bộ (CLB) cùng chơi ở một giải đấu.

 

Theo quy chế bóng đá (BĐ) chuyên nghiệp Việt Nam 2012, một ông chủ không thể cùng sở hữu 2 câu lạc bộ (CLB) cùng chơi ở một giải đấu.

Nếu “ông bầu” Đỗ Quang Hiển còn có lý do để biện hộ cho sự tồn tại của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng ở V-League (cho rằng mình chỉ tài trợ cho BĐ Đà Nẵng chứ không trực tiếp tham gia điều hành), thì việc ông là chủ của Hà Nội T&T và đội hạng nhất Hà Nội (vốn được “bầu” Hiển mua lại từ Viettel để làm sân sau cho Hà Nội T&T) là điều đã hai năm rõ mười, không thể phủ nhận.

Chính vì thế, trong cuộc gặp gỡ với báo chí trước kỳ nghỉ Euro, Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã trả lời rất rõ ràng: “Nếu CLB Hà Nội có vô địch Giải bóng đá hạng nhất quốc gia thì chỉ được nhận cúp, tiền thưởng, chứ không được quyền thăng hạng lên V-League”.

Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên tuyên bố: Đội Hà Nội (của bầu Hiển) có vô địch Giải bóng đá hạng nhất quốc gia cũng không được thăng hạng.     Ảnh: T.L
Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên tuyên bố: Đội Hà Nội (của bầu Hiển) có vô địch Giải bóng đá hạng nhất quốc gia cũng không được thăng hạng. Ảnh: T.L

Vì vậy có thông tin, Hà Nội sẽ “bán” suất lên V-League cho V.Hải Phòng (hoặc một ông chủ mới nào đó). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu CLB Hà Nội có được bán cái không thuộc quyền sở hữu của họ? Cần phân biệt rõ, trường hợp của Hà Nội hoàn toàn khác với những tiền lệ mua bán phiên hiệu từng diễn ra.

Đó là các đội “bán” hoặc “sang nhượng” suất chơi ở V-League trước đây đều vốn đang là thành viên trong giải (như trường hợp LG.ACB lấy suất V-League của Hàng không VN ở mùa giải 2004, Quân khu 4 “chuyển giao” cho Navibank Sài Gòn năm 2010, hay cũng “bầu” Kiên năm nay “tiếp quản” Hòa Phát Hà Nội), hoặc là đội đã nhận được quyền sở hữu hợp pháp chiếc vé thăng hạng nhưng vì lý do gì đó không tha thiết nữa (trường hợp Hòa Phát V&V “bán” suất lên hạng nhất cho Sài Gòn Xuân Thành ở mùa 2011).

Trong khi đó, căn cứ quy chế BĐ chuyên nghiệp, nếu đội bóng của “bầu” Hiển giành 1 trong 2 thứ hạng đầu của Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia mùa này thì tuy vẫn được công nhận về mặt thành tích, thứ hạng; nhưng đương nhiên không nhận được suất thăng hạng. Tựa như, một đứa con được người cha thừa nhận vai trò chủ hộ nhưng nếu không được trao quyền thừa kế, sở hữu, thì không có quyền tự ý bán tài sản. Tóm lại, CLB Hà Nội không thể bán cái mà trên thực tế theo những quy định hiện hành (và họ cũng đã biết rõ), là mình không được quyền sở hữu.

Nếu thực sự muốn tham gia sân chơi V-League, Đồng Nai cần chuẩn bị sẵn sàng cho một “cuộc chiến pháp lý” về vấn đề này và như đã phân tích ở trên, Đồng Nai có đủ cơ sở, căn cứ để đấu tranh giành suất thăng hạng; tất nhiên với điều kiện đầu tiên là phải giữ được vị trí thứ 3 hiện tại.

Cũng có dư luận cho rằng, ông chủ của Tập đoàn T&T và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội chẳng thiếu tiền để phải mang vé thăng hạng đi bán cho mang tiếng, CLB Hà Nội vẫn quyết tâm giành cúp vô địch hạng nhất để bổ sung vào bộ sưu tập BĐ của “bầu” Hiển mà không màng đến việc lên hạng (tức đội đứng thứ 3 sẽ nghiễm nhiên hưởng suất). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này “bầu” Hiển vẫn chưa hé lộ bất cứ điều gì về mục đích của ông đối với “đứa con” hạng nhất, hay sẽ có một cách lách luật nào đó. Do vậy, bất luận trong mọi tình huống, Đồng Nai cũng cần phải nỗ lực cao nhất, cho đến giờ phút cuối cùng, để chí ít giành vị trí thứ 3 chung cuộc rồi tính.

Minh Chung

 

 

 

Tin xem nhiều