Báo Đồng Nai điện tử
En

Dư luận quốc tế tiếp tục phản ứng về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên

11:12, 12/12/2012

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 12-12 đưa tin nước này đã phóng thành công vệ tinh quan trắc Trái Đất Kwangmyungsang-3 từ trung tâm vũ trụ Sohae sáng 12-12 lên quỹ đạo sáng cùng ngày.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 12-12 đưa tin nước này đã phóng thành công vệ tinh quan trắc Trái Đất Kwangmyungsang-3 từ trung tâm vũ trụ Sohae sáng 12-12 lên quỹ đạo sáng cùng ngày.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức quân sự nước này cũng cho rằng vụ phóng của Triều Tiên đã thành công, theo đó các tầng của tên lửa đẩy đã tách và rơi tại các điểm đúng như thông báo của Triều Tiên trước đó.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa Triều Tiên sáng 12-12.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa Triều Tiên sáng 12-12.

[links(left)]Trước đó có tin cho biết tầng một của tên lửa đẩy đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi tỉnh Jeolla của Hàn Quốc và tầng hai rơi xuống Thái Bình Dương, cách bờ biển Philippines 300 km về phía Đông.

* Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên án vụ này là "một hành động khiêu khích" bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Ban Ki-moon cho rằng vụ phóng của Triều Tiên "vi phạm trắng trợn" Nghị quyết 1874 của HĐBA LHQ, được thông qua năm 2009 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân. Nghị quyết này cấm Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.

Trong tuyên bố từ Moscow, Bộ Ngoại giao Nga ngày 12-12 bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về vụ phóng của Triều Tiên bất chấp dư luận quốc tế, trong đó có Nga. Tuyên bố nhấn mạnh vụ phóng này không có lợi cho sự ổn định khu vực và có thể gây tác động tiêu cực. Nga kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế mọi hành động đi ngược lại các nghị quyết của HĐBA, đồng thời hối thúc các bên tránh làm tình hình thêm căng thẳng.

Trong phản ứng chính thức cùng ngày, Nhà Trắng lên án vụ phóng của Triều Tiên là "hành động khiêu khích cao độ", có thể gây bất ổn trong khu vực. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông Tommy Vietor nói: "Vụ phóng tên lửa là một bằng chứng mới cho thấy hành động vô trách nhiệm của Triều Tiên". Trong khi đó, các quan chức thuộc Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận Triều Tiên dường như đã đưa thành công "một vật thể" lên quỹ đạo, các dấu hiệu ban đầu cho thấy tầng một của tên lửa đã rơi xuống Hoàng Hải và tầng hai rơi xuống biển Philippines.

Phản ứng về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên mà phương Tây cho rằng thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết sẽ triệu Đại sứ Triều Tiên tại London đến để phản đối việc này. Ông Hague khẳng định vụ phóng trên vi phạm các nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cấm Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.

Trung Quốc hiện chưa có phản ứng chính thức. Tân Hoa xã ngày 12-12 đăng một bài bình luận chỉ trích việc Triều Tiên thực hiện vụ phóng, kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ. Bài viết nhấn mạnh: "Bình Nhưỡng cần tuân thủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ ... trong đó yêu cầu Triều Tiên không được tiến hành bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, và kêu gọi Triều Tiên ngừng mọi hành động liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo".

Chính phủ Nhật Bản cho biết đã xác định được các điểm rơi của tên lửa Triều Tiên, gồm một điểm ở trên biển Hoàng Hải cách Bán đảo Triều Tiên 200km về phía Tây, một điểm ở biển Hoa Đông cách Bán Đảo Triều Tiên 300km về phía Tây Nam và một điểm ở Thái Bình Dương cách Philippines 300km về phía Đông. Cùng ngày, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc (LHQ) Tsuneo Nishida đã đề nghị Morocco, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA), triệu tập họp khẩn cấp nhằm đưa ra phản ứng về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên.

Phản ứng từ Seoul, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan cho biết chính phủ nước này lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, coi đây là hành động phớt lờ các cảnh báo trước đó của quốc tế, vi phạm các nghị quyết của LHQ và đe dọa hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới.

Tại Manila, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố lên án kịch liệt Triều Tiên phóng tên lửa, cho rằng vụ phóng này vi phạm các Nghị quyết 1695 (năm 2006), Nghị quyết 1874 (năm 2009) và Nghị quyết 1718 (năm 2006) của HĐBA LHQ. Chính phủ Philippines đề nghị Triều Tiên ngừng "các hành động khiêu khích" cũng như ngừng sử dụng hoặc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo. Manila cũng kêu gọi Bình Nhưỡng có các bước đi theo hướng xây dựng lòng tin và cam kết với cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đe dọa sẽ có những trừng phạt mới với Triều Tiên, coi vụ phóng ngày 12-12 là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Trong một tuyên bố, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton nhấn mạnh EU sẽ tham vấn chặt chẽ với các đối tác chính để xem xét một phản ứng thích hợp, trong đó có thể có những biện pháp hạn chế mới. Quan chức này cho rằng vụ phóng "là một bước tiến nữa của Triều Tiên trong cố gắng từ lâu nhằm có được công nghệ tên lửa đạn đạo và vì vậy đây là sự vi phạm rõ ràng các nghĩa vụ quốc tế của quốc gia này".

Ấn Độ ngày 12-12 cũng bày tỏ lo ngại về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nhìn nhận việc Bình Nhưỡng phóng một tên lửa là sự vi phạm nghị quyết 1874 của HĐBA LHQ, ảnh hưởng bất lợi đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Niu Đêli kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế không có những hành động xa hơn nữa.

(Theo BBC, Yonhap, AP)

Tin xem nhiều