Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Ấn Độ có thể sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2025, qua đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Dự báo trên được đưa ra trong báo cáo cập nhật mới nhất do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 21-4.
IMF ước tính GDP của Ấn Độ có thể đạt 4,33 ngàn tỷ USD vào năm 2025, sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đó và cao hơn mức 4,31 ngàn tỷ USD của Nhật Bản. Trong dự báo công bố vào tháng 10-2023, IMF đã dự báo khả năng Ấn Độ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026. Vào năm 2014, Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bản cập nhật mới nhất, IMF đã điều chỉnh nhẹ dự báo GDP của cả hai nước dựa trên tỷ giá đồng nội tệ. Theo đó, sự mất giá của đồng yen Nhật Bản trước đồng USD dường như sẽ làm giảm quy mô nền kinh tế nước này nếu tính bằng "đồng bạc xanh". Vào năm 2023, Đức đã "soán ngôi" nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới của Nhật Bản. Nếu bị Ấn Độ vượt qua, nước này sẽ xuống vị trí thứ 5.
Trong khi đó, đồng rupee của Ấn Độ phần lớn không thay đổi giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm 2023 và theo IMF, nhiều khả năng là do sự can thiệp hiệu quả của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Hiện tại, 1 USD đổi được khoảng 83 rupee. Theo dự báo của IMF, Ấn Độ sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027. Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản về doanh số ô tô nội địa vào năm 2022 để trở thành nước thứ ba thế giới về thị trường ô tô nội địa sau hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ.
Mặc dù ghi nhận sự sụt giảm kinh tế trong đại dịch Covid-19, nhưng Ấn Độ vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây nhờ dân số tăng. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ dự kiến GDP sẽ tăng 7% theo giá trị thực trong năm tài chính 2024.
Mặc dù tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đang phát triển, song GDP danh nghĩa bình quân đầu người hiện chỉ ở mức trung bình 2.000 USD/người. Mức này bằng khoảng 20% so với mức của Trung Quốc và gần bằng mức của Bangladesh.
TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin