Hàng năm, vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch), người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về nguồn cội, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đang thành kính dâng hương tri ân các Vua Hùng. Ảnh: TTXVN |
Đối với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ để thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với các thế hệ tổ tiên, mà còn góp phần gìn giữ, giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ sau. Với họ, giỗ Tổ Hùng Vương chính là cách để khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Hội Canada - Việt Nam Đặng Trung Phước chia sẻ, đây là dịp để những người Việt Nam xa quê hương tụ hội tại "Ngôi nhà Việt Nam" ở Ottawa và cùng hướng về đất nước, cũng như tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Chính trong những dịp quây quần tham gia nghi lễ giỗ Tổ như vậy, người Việt Nam ở nước ngoài càng thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của 2 chữ “đồng bào”.
Tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa diễn ra ngày 13-4 ở Kuala Lumpur, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam Trần Thị Chang nhấn mạnh, việc tổ chức giỗ Tổ thể hiện tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, giúp bà con cộng đồng hiểu thêm về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tăng cường đoàn kết, truyền lửa cho thế hệ trẻ cùng hướng về quê hương, đất nước.
Nhằm bảo tồn và quảng bá rộng rãi ở nước ngoài “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã được triển khai tổ chức từ năm 2015.
Theo Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga Trần Phú Thuận, "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" thực sự là một dự án mang giá trị nhân văn to lớn, với sứ mệnh gắn kết dân tộc, định vị giá trị Việt trên toàn cầu, cùng bạn bè quốc tế bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đối với thế hệ thứ 2 và thứ 3, truyền thống trong gia đình, câu chuyện nghe từ cha mẹ bằng tiếng Việt là cách để các cháu tiếp cận thiết thực nhất với văn hóa tổ tiên.
Đào Vân Anh, 19 tuổi, thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Nga, đã được cha kể cho nghe về truyền thuyết Vua Hùng và dẫu chưa từng sống tại Việt Nam, nhưng em thực sự cảm nhận được ý nghĩa của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, để thấy mình là một thành viên của đại gia đình gần 100 triệu người Việt Nam.
Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu còn là cơ hội góp phần tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng người Việt Nam vào quá trình hội nhập với người dân nước sở tại.
Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc Nguyễn Duy Nhiên cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Séc ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng vào xã hội nước sở tại. Cùng với đó, các thành viên trong cộng đồng cũng luôn hướng về quê hương nguồn cội, phát huy những truyền thống quý giá của dân tộc ngay trên “quê hương thứ 2” của mình.
Có thể thấy, việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, đặc biệt là ở nước ngoài, chính là sợi dây gắn kết các thế hệ người Việt, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước.
Tới dự lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng tổ chức tại thành phố Saint Petersburg ngày 13-4, lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Quốc gia Saint Petersburg, giáo sư Vladimir Kolotov nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, khẳng định câu nói đó chính là cội nguồn của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành nội lực mạnh mẽ giúp Việt Nam giành độc lập, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế và đóng góp trách nhiệm cho cộng đồng thế giới.
TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin