Báo Đồng Nai điện tử
En

'Ngôi nhà chung' của trẻ mồ côi, người già neo đơn

07:08, 12/08/2022

Tại TP.Long Khánh, chùa Huyền Trang (xã Bảo Quang) và tịnh xá Ngọc Xuân (P.Bảo Vinh) được biết đến là 2 "ngôi nhà chung" của nhiều trẻ mồ côi, người già neo đơn, không nơi nương tựa.

Tại TP.Long Khánh, chùa Huyền Trang (xã Bảo Quang) và tịnh xá Ngọc Xuân (P.Bảo Vinh) được biết đến là 2 “ngôi nhà chung” của nhiều trẻ mồ côi, người già neo đơn, không nơi nương tựa.

Bà Hồ Thị Xuân Nga chăm sóc trẻ mồ côi ở chùa Huyền Trang (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh). Ảnh: Tố Tâm
Bà Hồ Thị Xuân Nga chăm sóc trẻ mồ côi ở chùa Huyền Trang (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh). Ảnh: Tố Tâm

Những ngày cuối tháng 7-2022, chúng tôi có dịp đến thăm chùa Huyền Trang và tịnh xá Ngọc Xuân. Có đến tận nơi, chúng tôi mới thấy và cảm nhận được tấm lòng của các vị trụ trì cũng như những người làm công tác thiện nguyện đối với trẻ mồ côi, người già neo đơn nơi đây.

* Cưu mang trẻ mồ côi

Càng đến gần khu nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa Huyền Trang, chúng tôi càng nghe rõ tiếng ru êm dịu của bà Hồ Thị Xuân Nga (51 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận), làm công quả tại chùa. Một tay bà Nga ôm bé trai chưa đầy 8 tháng tuổi, tay khác vỗ lưng để ru cho cặp bé gái song sinh ngủ trưa. Khi nghe tiếng động, một cậu bé 3 tuổi bỗng khóc òa lên gọi mẹ rồi nhào vào lòng của bà Nga đòi bế. Trong vòng tay bà Nga, cậu bé nhanh chóng ngủ trở lại.

Tranh thủ lúc các con ngủ, bà Nga tâm sự, cha mẹ bà có 11 người con nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Sau khi cha mẹ qua đời, bà Nga không chồng, không con, bắt đầu đi giúp việc nhà và bán vé số dạo kiếm sống qua ngày. Không nơi nương tựa nên sau khi được bạn bè giới thiệu, bà đã đến sống tại chùa Huyền Trang và làm công quả nơi đây. Nghĩ bản thân chỉ nương nhờ cửa chùa một thời gian rồi sẽ ra ngoài xã hội mưu sinh; thế nhưng, vào năm 2019, có một người phụ nữ dắt theo 2 bé gái sinh đôi mới 1 tháng tuổi đến nhờ chùa nuôi giùm. Động lòng thương nên trụ trì đồng ý nuôi 2 bé và giao cho bà Nga chăm sóc.

Vừa kể chuyện, bà Nga vừa đưa mắt nhìn một bé trai khoảng 8 tháng tuổi đang nằm ngủ trên chiếc nôi nhỏ, chốc chốc bà đưa tay vuốt ve đứa trẻ rồi giới thiệu: “Đây là đứa con nhỏ nhất của tôi”.

Bà Nga kể, vào mùng 2 Tết Nguyên đán năm 2022, một bé trai chỉ khoảng 6 ngày tuổi được cuốn trong một chiếc khăn mỏng và đưa đến để ở cửa chùa. Nhìn em bé còn đỏ hỏn với nhiều vết kiến cắn lở loét trên cơ thể, ai nấy đều thương cảm nên đưa vào chùa nuôi. Tuy nhiên, khoảng 5 tháng sau, bé bị bệnh đường ruột nên phải nhập viện. Qua 2 đợt phẫu thuật, với sự chăm sóc chu đáo của những người ở đây, bé trai đã dần hồi phục và ngày càng bụ bẫm, trắng trẻo, khỏe mạnh.

Đại đức Thích Thông Hiếu, Phó trụ trì chùa Huyền Trang (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) thăm hỏi những người già yếu được nuôi dưỡng tại chùa. Ảnh: Tố Tâm
Đại đức Thích Thông Hiếu, Phó trụ trì chùa Huyền Trang (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) thăm hỏi những người già yếu được nuôi dưỡng tại chùa. Ảnh: Tố Tâm

Đại đức Thích Thông Hiếu, Phó trụ trì chùa Huyền Trang, cho hay chùa không chỉ chăm sóc trẻ mồ côi bị bỏ rơi mà còn nuôi dưỡng gần 30 người già không nơi nương tựa. Với những người khỏe mạnh thì họ có thể làm việc như: quét dọn, lau nhà, nấu cơm, giặt đồ…; còn những người già lớn tuổi sẽ được người khỏe mạnh chăm sóc chu đáo từ bữa cơm cho đến vệ sinh cá nhân.

“Không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng, chùa còn đăng ký cho trẻ nhỏ đi học khi đủ tuổi đi học. Còn trẻ lớn hơn nếu muốn tự lập sẽ được lựa chọn ra ngoài xã hội tự kiếm sống hoặc tìm về với người thân. Đó cũng là lý do số lượng người sinh sống nơi đây lúc nhiều lúc ít” - đại đức Thích Thông Hiếu cho biết.

* Nơi nượng tựa của người già neo đơn

Nếu chùa Huyền Trang là địa điểm cưu mang trẻ mồ côi thì tịnh xá Ngọc Xuân được biết đến là nơi chăm sóc người già neo đơn, bệnh tật, không nơi nương tựa.

Trong căn phòng chừng 30m2, bà Nguyễn Thị Minh (61 tuổi, quê tỉnh Bình Định) chống tay trên chiếc xe đẩy, bước đi khó khăn do di chứng sau tai biến. Khi thấy chúng tôi đến thăm, bà không khỏi xúc động. Bà Minh tâm sự, bà có 2 người con nhưng cả 2 đều có hoàn cảnh quá khó khăn nên bà phải tự làm thuê kiếm sống. Đầu năm 2021, bà không may bị tai biến, chân và tay bà liệt một phần nên việc đi lại khó khăn hơn, không thể tự kiếm tiền lo cho bản thân nên xin vào tịnh xá Ngọc Xuân để tá túc.

“Từ ngày được vào đây, cuộc sống của tôi tốt hơn rất nhiều. Bệnh có người lo, đói có người nấu cho ăn và quần áo cũng được giặt giũ sạch sẽ. Tôi chỉ cảm thấy nhớ con, cháu và tủi thân do không có con cái kề cận về già” - bà Minh bộc bạch.

Sư thầy tại tịnh xá Ngọc Xuân (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) thường xuyên thăm hỏi những người già yếu, bệnh tật được chăm sóc tại đây. Ảnh: Tố Tâm
Sư thầy tại tịnh xá Ngọc Xuân (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) thường xuyên thăm hỏi những người già yếu, bệnh tật được chăm sóc tại đây. Ảnh: Tố Tâm

Ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang của mái ấm, cụ Trần Thị Xuyến (89 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) đưa mắt nhìn chúng tôi nở nụ cười mãn nguyện của tuổi già. Trong giọng nói đậm chất Huế, cụ Xuyến kể do gia đình quá khó khăn, không nhà cửa nên khi con đi lấy chồng, cụ cũng đi khắp nơi để mưu sinh. Biết được hoàn cảnh của cụ Xuyến, có người đã đưa cụ đến tịnh xá Ngọc Xuân để được chăm sóc.

“Tôi tuổi đã “gần đất xa trời” lại được nương nhờ nơi đây là quá mãn nguyện rồi. Tôi thật sự thấy may mắn và cảm ơn sư thầy, các mạnh thường quân và những người đã tận tình chăm sóc hằng ngày rất nhiều” - cụ Xuyến cho biết.

Để tạo ra được một mái nhà chung cho người già, đau bệnh, neo đơn như hiện nay, theo sư thầy Thích Giác Đăng, trụ trì tịnh xá Ngọc Xuân, Phó ban thường trực Ban Trị sự và Trưởng ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Long Khánh; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh; Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ TP.Long Khánh và đại biểu HĐND P.Bảo Vinh, kể lại, trước đây, vì thấy các cụ già ngồi ngoài đường xin tiền nên sư thầy thầm mong có thể xây dựng một nơi dành cho họ nương tựa về già. Do đó, khi sư thầy được về TP.Long Khánh trụ trì tại tịnh xá Ngọc Xuân, vào năm 2016, sư bắt đầu tiếp nhận các cụ già neo đơn, bệnh tật, không có người thân để chăm sóc. Đến nay, nơi đây đang nuôi dưỡng từ 65-70 cụ già bị bại liệt, mù, tai biến hoặc già yếu, bị con cái bỏ rơi… Ngoài sự giúp đỡ của một số phật tử làm công quả thì những người già còn khỏe sẽ chăm sóc cho người già yếu, bệnh tật, bại liệt...

“Hiện mái ấm đã tương đối khang trang, sạch sẽ và được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ xây dựng được mái ấm ở một khu riêng biệt, xa khu vực chùa để các cụ được sống yên tĩnh và tiện trong sinh hoạt hơn” - sư Thích Giác Đăng cho biết thêm.

Việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, người già yếu, bệnh tật của chùa Huyền Trang và tịnh xá Ngọc Sơn đã thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái, sự chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Nhờ vậy, nhiều trẻ mồ côi được nuôi dưỡng chu đáo và những người già cũng có nơi nương tựa, sống bình yên trong những ngày tháng của tuổi già.

Theo ông PHẠM VĂN HOÀNG, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh, trên địa bàn TP.Long Khánh hiện chưa có cơ sở công lập nuôi dưỡng người già, người tàn tật, cơ nhỡ, trẻ em mồ côi nên một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn đã tổ chức nuôi dưỡng. Đây là hoạt động thiết thực và nhân văn. “Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, tạo điều kiện, cho các cơ sở này được hợp thức hóa để họ yên tâm chăm sóc trẻ mồ côi, người cao tuổi…, giúp cho công việc chăm sóc những đối tượng yếu thế này thuận lợi hơn” - ông Hoàng kiến nghị.

Tố Tâm

Tin xem nhiều