Theo đúng kế hoạch thì chỉ còn khoảng 3 tuần nữa, khi cầu An Hảo chính thức thông xe thì cũng là lúc những chuyến phà An Hảo giúp người dân đi lại nhanh chóng giữa 2 bờ Hiệp Hòa - An Bình (TP.Biên Hòa) cũng dừng hoạt động.
Theo đúng kế hoạch thì chỉ còn khoảng 3 tuần nữa, khi cầu An Hảo chính thức thông xe thì cũng là lúc những chuyến phà An Hảo giúp người dân đi lại nhanh chóng giữa 2 bờ Hiệp Hòa - An Bình (TP.Biên Hòa) cũng dừng hoạt động. Điều đó cũng có nghĩa, những người gắn bó với bến phà mưu sinh nhiều năm nay phải tìm công việc khác.
Ông Lê Văn Sung quan sát tàu thuyền qua lại trên sông ở vị trí lái phà. |
* Kỷ niệm bên dòng sông
Ngày 25-3, cầu An Hảo đã được hợp long, dự kiến sẽ hoàn tất và thông xe vào ngày 30-4. Cầu An Hảo có chiều dài 840m, rộng 23m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và phần lề cho người đi bộ 2 bên. |
Gần 3 năm làm tài công tại bến phà An Hảo, ông Lê Văn Sung (ngụ xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết mỗi ngày ông làm việc 8 tiếng, đưa đón cả ngàn lượt khách qua phà. Bến phà có 8 nhân viên (4 người lái, 4 người bán vé) đều đặn thay phiên nhau làm việc từ 5-22 giờ mới nghỉ. Lúc đông người đi phà là những giờ học sinh đi học, người lao động đi làm vào buổi sáng và buổi chiều tan tầm; khi đó phà phải hoạt động 2 chiếc một lúc mới đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của khách.
“Tôi lái phà nhiều nơi rồi, nhưng chỗ nào cũng vậy, phà dần được thay thế bằng những cây cầu, bà con đi lại thuận tiện hơn, không ai đi phà nữa nên tôi lại nghỉ. Công việc này cũng vất vả, ngồi ở vị trí cao nhất phà, suốt ngày hứng nắng, chịu gió mưa, phà chao đảo khi có sà lan lớn đi qua, ai có sức khỏe kém ngồi một lúc là bị chóng mặt. Nhưng làm nhiều thì quen, quen bến, quen con nước, mà công việc chỉ đưa khách từ bến này sang bến kia nên cũng nhẹ nhàng; lượng khách đi phà đông nên thu nhập của chúng tôi cũng khá, mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng” - ông Sung tâm sự.
Người lên xuống phà An Hảo tấp nập, phía xa là cầu An Hảo sắp thông xe. |
Ngoài những người gắn bó với phà, cũng có nhiều người ở xã Hiệp Hòa và nơi khác đến bến phà buôn bán nhỏ nhờ những người khách đi phà.
Cha con bà Trần Thị Kim Huệ (ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã có nhiều năm buôn bán bánh kẹo, nước giải khát... ở bến phà An Hảo. Mỗi ngày, bà Huệ cũng bán được vài chục chai nước cho khách đi phà. Tuy “kiếm bạc cắc”, nhưng cũng đủ phụ giúp chi tiêu trong gia đình.
Bà Huệ cho biết lúc còn bến phà cũ, chưa xây cầu, khách mua hàng rất nhiều; có người chỉ nhờ 1 gánh rau, 1 giỏ bánh, vài rổ trái cây với lượng khách đi phà hàng ngàn người mỗi ngày cũng đủ thu nhập lo cho gia đình. “Bến phà An Hảo phía bên phường An Bình có quán cà phê lớn, vài người bán hàng rong, còn bên xã Hiệp Hòa này, phần lớn là những người bán rau, trứng, cá, nước giải khát… Bà con đi qua phà ghé chỗ chúng tôi mua vài thứ là đủ lo cho bữa cơm muộn của gia đình. Buôn bán cả chục năm ở đây cũng quen rồi, dần dà quán nước của cha con tôi trở thành nơi những người lớn tuổi sống gần đây gặp nhau mỗi sáng để nhìn phà qua lại, tâm sự chuyện đời. Giờ cầu An Hảo sắp xây xong, người buôn bán ở đây cũng dần rã hết, mỗi người tìm một công việc mới, những người bám trụ lại cũng chỉ còn hết tháng này thôi” - bà Huệ bộc bạch.
Không chỉ bà Huệ, nhiều người khác, tuy không kiếm sống từ bến phà nhưng những chuyến phà ngang sông hàng ngày đã gắn bó sâu sắc với cuộc sống của họ. Như anh Tạ Minh Trường (ngụ phường An Bình) chia sẻ ngày trước anh đi học ở Trường THPT Nam Hà, ngày 4 lần lên phà qua sông để đi học. Đến khi đi làm, anh cũng sử dụng phà để vào trung tâm TP.Biên Hòa nhanh chóng hơn. Với anh, phà An Hảo chứa đựng nhiều kỷ niệm của tuổi học trò.
* Cuộc sống mới…
Mười năm gắn bó với bến phà An Hảo, từ khi còn chiếc phà nhỏ, đến khi chủ phà đầu tư mua những chiếc lớn thay thế, anh Nguyễn Duy Phương (Quản lý phà An Hảo, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) là người có thâm niên nhiều nhất trong 8 nhân viên của bến phà.
Anh Phương nhớ lại, những ngày đầu, mỗi ngày chỉ có khoảng 10 người đi phà. Sau này, mọi người truyền tai nhau rồi khách đi phà ngày một đông thêm, thời điểm đông nhất lên đến hàng ngàn người/ngày; có những lúc phải huy động 2 phà lớn nhất hoạt động cùng lúc mới đủ sức vận chuyển.
“Hiện tại, chúng tôi chưa nghe chủ phà nói gì, nhưng khi cầu An Hảo thông xe thì phà chỉ còn hoạt động một thời gian ngắn nữa thôi. Nghĩ cũng buồn vì công việc ổn định cả chục năm nay. Nhưng bù lại tôi cũng mừng vì việc đi lại giữa trung tâm TP.Biên Hòa đến khu công nghiệp và các phường: An Bình, Bình Đa… thuận tiện hơn. Khi cầu An Hảo khởi công, lượng người đi phà cũng ít hơn, phần vì đường xuống phà giờ có nhiều xe lớn, phần vì bến bị dời sang chỗ khuất, hiện giảm còn 50% lượng khách so với trước. Sắp tới, chúng tôi phải tìm công việc khác mưu sinh” - anh Phương trầm ngâm cho hay.
Không chỉ nhân viên phà An Hảo, những người buôn bán dựa vào khách đi phà cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều người phải tìm công việc khác có thu nhập đều hơn, những người còn bám trụ cũng không chắc còn buôn bán đến khi nào. Có những cặp vợ chồng từ phương xa đến bến phà buôn bán nhỏ kiếm tiền nuôi con ăn học, giờ phải tìm công việc khác mưu sinh.
Bà Trần Thị Kim Huệ tâm sự: “Đã có người nghỉ bán để đi làm công nhân, người sang khu tái định cư mở quán cà phê nhỏ kiếm sống qua ngày; từ bến phà có mười mấy người mua bán, giờ chỉ còn 3-4 người trụ lại. Ngay cả tôi cũng chỉ bán hết tháng này rồi nghỉ. Với người dân sống dựa vào bến phà, đây không chỉ là nơi mưu sinh, mà nó còn là một phần của cuộc sống với nhiều kỷ niệm vui buồn. Mọi người hàng ngày đến gặp nhau, nói chuyện, chia sẻ chuyện gia đình. Nhưng rồi cái gì cũng phải theo quy luật cuộc sống, phải thay đổi cho phù hợp. Ở xã Hiệp Hòa cũng vậy, vài năm trước chỉ có những con đường nhỏ, 2 bên là ruộng, giờ nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa, kéo theo đời sống người dân cũng thay đổi nhiều từ đó”.
Bên cạnh nỗi niềm riêng tư, những người từng gắn việc mưu sinh với bến phà cũng không giấu được niềm vui khi có cây cầu mới. Anh Nguyễn Duy Phương tâm sự, dù ảnh hưởng đến công việc làm ăn, nhưng không làm việc này thì còn việc khác. Lúc thấy cây cầu hoàn thành, anh cũng vui vì khi có việc vào trung tâm TP.Biên Hòa sẽ nhanh chóng, tiện lợi hơn. Không chỉ vậy, nhiều người dân xã Hiệp Hòa nhờ có cầu An Hảo mà có thể buôn bán được nhiều thứ hơn trên trục đường Đặng Văn Trơn, bộ mặt địa phương cũng từ đó mà thay đổi.
Đăng Tùng