Báo Đồng Nai điện tử
En

Trưởng ấp "máu lửa"

09:03, 12/03/2017

"Trưởng ấp ngồi ở nhà hay văn phòng ấp đủng đỉnh uống nước trà chờ kế hoạch, chỉ đạo từ trên mới mạnh dạn làm thì dân, ấp mình sao phát triển được" - ông Nguyễn Văn Ngoan, Trưởng ấp Phú Tân (xã Phú Cường, huyện Định Quán), thật thà nói.

“Trưởng ấp ngồi ở nhà hay văn phòng ấp đủng đỉnh uống nước trà chờ kế hoạch, chỉ đạo từ trên mới mạnh dạn làm thì dân, ấp mình sao phát triển được” - ông Nguyễn Văn Ngoan, Trưởng ấp Phú Tân (xã Phú Cường, huyện Định Quán), thật thà nói.

Trưởng ấp Nguyễn Văn Ngoan hàng ngày ở ngoài đường lo cho ấp nhiều hơn ở nhà lo cho vợ con.
Trưởng ấp Nguyễn Văn Ngoan hàng ngày ở ngoài đường lo cho ấp nhiều hơn ở nhà lo cho vợ con.

Đường Khu dân cư 6 và 7, ấp Phú Tân thấp hơn quốc lộ 20 tới ngực người. Mùa mưa, nước từ quốc lộ 20 đổ về thành suối, khiến việc đi lại và sinh hoạt của người dân gặp trở ngại. Do đó, khi trúng cử chức trưởng ấp chưa đầy tháng, ông Ngoan đã lập tức đứng ra vận động dân nâng đường.

* 100% đường ấp đổ bê tông

Năm 2003, người dân ấp Phú Tân còn nghèo nên đường giao thông trên địa bàn ấp vẫn còn xập xệ. Làm công an ấp trước khi được bầu trưởng ấp, ông Ngoan nhận ra việc người dân trong ấp bức xúc nhất là những con đường “nắng bụi, mưa lầy” nên đã họp dân triển khai kế hoạch duy tu, sửa đường. Được dân đồng tình, ông Ngoan xông xáo vận động dân bỏ công khai mương, tạo rãnh và góp tiền mua đất lấp “ổ gà”. Tuy vậy, đường dân sửa chữa chỉ êm chân, êm bánh xe được mùa nắng, còn mùa mưa thì mặt đường nổi mô đất, vũng nước, trơn trượt.

Dân phản ánh về đường khó đi, ông Ngoan lại tổ chức họp dân nhằm tìm ra nguyên nhân đường xuống cấp và bàn phương án sửa chữa.

Ông Ngoan cho biết do sức dân lúc đó còn eo hẹp nên ngày công và tiền dân bỏ ra chỉ đủ sức chống chọi với mưa, nắng vài tháng; muốn đường cứng và bền hơn, sức dân cần phải bỏ ra nhiều hơn nữa. Từ đó, đường Khu dân cư 6 và 7 được đổ cao hơn mặt quốc lộ 20, các tuyến đường khu dân cư khác thì nền đổ lớp đá dày, mặt đường gia cố thêm đất sỏi. Nhờ vậy, đường đi trong ấp dứt điểm cảnh “mưa lầy”, chỉ còn cảnh “nắng bụi”.

Trưởng ấp Nguyễn Văn Ngoan (đứng giữa) và các học sinh trên con đường nội đồng Phú Tân - Võ Dõng.
Trưởng ấp Nguyễn Văn Ngoan (đứng giữa) và các học sinh trên con đường nội đồng Phú Tân - Võ Dõng.

Năm 2011, xã Phú Cường rục rịch khởi động xây dựng nông thôn mới. Nắm bắt cơ hội này, Trưởng ấp Ngoan lập danh sách 11 tuyến đường khu dân cư trên địa bàn ấp để trình UBND xã rót vốn đầu tư theo hình thức xã hội hóa (Nhà nước 70%, dân đóng góp 30%) làm Bí thư chi bộ ấp Huỳnh Châu đâm lo không làm nổi. Đến khi ông Ngoan giải trình thông suốt, Bí thư chi bộ Huỳnh Châu mới nhẹ lòng, góp thêm ý kiến và chỉ đạo ông Ngoan trình danh sách lên xã gấp.

Danh sách bê tông xi măng 11 tuyến đường khu dân cư ông Ngoan trình được xã Phú Cường thông qua. Trưởng ấp Ngoan mừng ra mặt nên càng có động lực vận động dân các khu dân cư tại các tuyến đường này góp tiền, đứng ra giám sát, hiến đất, hoa màu để làm đường. Cuối năm 2011, 11 tuyến đường nông thôn mới đầu tiên của ấp Phú Tân hoàn thành, đưa vào sử dụng, ông Ngoan đi đâu cũng được dân chào, dân khen. Từ đây, ông càng hăng hái vận động dân trong ấp bê tông xi măng thêm 17 tuyến đường khu dân cư khác và mở mới 1 tuyến nội đồng còn lại.

Đến cuối năm 2016, 100% tuyến đường khu dân cư trên địa bàn ấp Phú Tân được ông Ngoan vận động dân bê tông xi măng và đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng.

* Thích ôm việc về mình

Con đường nội đồng xuyên qua cánh đồng Phú Tân - Võ Dõng trước kia không có tên, hình, quy hoạch nhưng vì muốn kết nối với các tuyến đường khác và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, vào năm 2015, Trưởng ấp Nguyễn Văn Ngoan đã vận động 13 hộ dân hiến đất và cùng cả ấp góp tiền mở đường (xã hỗ trợ 70% kinh phí). Đường mở ra, giá trị đất ở cánh đồng Phú Tân - Võ Dõng tăng gấp đôi, nông dân thì vận chuyển nông sản thuận lợi.

Ấp Phú Tân có diện tích tự nhiên chưa tới 36 hécta, dân sống tập trung nên việc Trưởng ấp Ngoan vận động dân bê tông xi măng và chiếu sáng 100% tuyến đường khu dân cư có phần thuận lợi. Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận của 520 hộ dân trong ấp, ông Ngoan phải thật sự là người uy tín, gương mẫu, đầu tàu trong công việc thì dân mới nghe, chung sức. Ông Ngoan cho hay công việc ấp chiếm gần hết thời gian sinh hoạt và lo cho gia đình của cá nhân ông.

Lịch làm việc trong ngày của ông Ngoan nhìn qua thấy không tương xứng với số tiền phụ cấp 1,8 triệu đồng cho trưởng ấp. Sáng 4 giờ, sau khi tập thể dục, ông phụ vợ dọn hàng ra bán rồi về nhà cho đàn heo ăn và đến 7 giờ ông lo việc ấp đến tận trưa. Trưa ông lại lo phụ vợ dọn hàng, về nhà cho heo ăn rồi bắt tay vào việc ấp đến chiều. Chiều ông lại cho heo ăn, tiếp tục lo việc ấp đến khi đồng hồ điểm 20-21 giờ mới đi ngủ. Do công việc trong ngày kín lịch nên ông hay bị các trưởng ấp khác chê “không nhiệt tình” tại các buổi liên hoan sau cuộc họp hay hội nghị xã triệu tập.

Trưởng ấp Ngoan bộc bạch không chỉ lo chuyện đường sá cho dân là xong bổn phận, người dân trong ấp còn cần ông lo cả chuyện: hộ khẩu, khai sinh, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay vốn, chính sách an sinh xã hội… Do ông ôm đồm nhiều việc nên chẳng có thời gian lo cho gia đình được nhiều. May mắn cho ông, dù suốt ngày bận chuyện ấp nhưng vợ con không trách giận, đàn heo thịt 50 con, 15 con heo nái vợ giao ông chăm sóc vẫn mắn đẻ, lớn nhanh, không bệnh tật.

Biết tính ông Ngoan thích ôm việc về mình nên người dân trong ấp thoải mái tìm ông nhờ việc, chẳng cần biết việc họ nhờ có thuộc thẩm quyền trưởng ấp giải quyết hay không. Dân đã nhờ thì ông nhận hết, nếu việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của trưởng ấp thì ông giải quyết ngay. Còn việc không thuộc thẩm quyền của ấp thì ông hướng dẫn hoặc viết đơn hộ, đích thân cầm đơn ra xã chứng nhận giùm cho dân nên bà con thích lắm. Ngay cả chuyện lo khai sinh, hộ khẩu, thay đổi tên người đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phạm vi xã giải quyết, dân cũng kéo ông vào cuộc cho được.

Ông Ngoan cho biết dân ấp Phú Tân đa phần là dân sống ở khu vực lòng hồ Trị An về sinh sống khi công trình thủy điện tích nước, trong đó có cả những hộ Việt kiều Campuchia. Do vậy, việc giúp đỡ, hướng dẫn họ hoàn tất các thủ tục khai sinh, hộ khẩu, an sinh xã hội… đòi hỏi ông phải kiên trì, bền bỉ và tỉ mỉ mới ổn. Hơn nữa, ông không chịu được khi nhìn người dân không rành chữ viết lá đơn, hay không rành mạch kể lại việc gia đình nên khó từ chối việc giúp đỡ họ.

Dù đã có những con đường xi măng mát rượi làng quê, hệ thống điện đường về đêm thêm rực rỡ những con đường mới mở, nhưng Trưởng ấp Ngoan vẫn không ngừng tiếp xúc dân nắm bắt tâm tư, tình cảm. Ông Ngoan tâm sự, dù ấp Phú Tân đạt được các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015 nhưng ông vẫn đi nghe dân phản ánh, góp ý nhằm xây dựng ấp thêm đẹp, văn minh, văn hóa.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều