Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện nơi đồng bắp

10:02, 22/02/2017

Tháng Giêng, cánh đồng Tây Minh (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) xanh rì màu bắp. Bên ruộng bắp cao quá đầu người, nông dân Đoàn Văn Năm (ngụ tổ 13, ấp Tây Minh) thong dong thả hồn theo những cơn gió đồng đang lung lay ngọn bắp.

Tháng Giêng, cánh đồng Tây Minh (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) xanh rì màu bắp. Bên ruộng bắp cao quá đầu người, nông dân Đoàn Văn Năm (ngụ tổ 13, ấp Tây Minh) thong dong thả hồn theo những cơn gió đồng đang lung lay ngọn bắp. 38 năm nay, ông Năm không một ngày cho bản thân được nghỉ ngơi dù kinh tế gia đình ông hiện thuộc loại khá trong xã.

Ông Đoàn Văn Năm (trái) trao đổi kinh nghiệm trồng bắp với Bí thư Chi bộ ấp Tây Minh Bùi Xuân Miệu.
Ông Đoàn Văn Năm (trái) trao đổi kinh nghiệm trồng bắp với Bí thư Chi bộ ấp Tây Minh Bùi Xuân Miệu.

Từ đôi tay trắng, không người thân thích nơi vùng đất mới, vợ chồng ông Năm phất nhanh nhờ buôn bán, làm thầu xây dựng. Đến năm 2000, vợ chồng ông chuyển về cánh đồng Tây Minh sinh sống. Dù kinh tế lúc thăng lúc trầm, vợ chồng ông Năm vẫn bền chí lao động và giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp xã, cấp huyện nơi cánh đồng Tây Minh gần chục năm nay.

* Chuyến tàu chui

Giữa cơn mưa dầm tháng 6-1979, chàng trai đói nghèo Đoàn Văn Năm (quê tỉnh Phú Yên) tạm biệt vợ trẻ và con trai đầu lòng mới 6 tháng tuổi nhảy tàu (trốn vé) vào miền Nam lập nghiệp. Chỉ có một bộ quần áo lành lặn mặc trên người và hơn ngàn đồng tiền lẻ làm lộ phí, ông chấp nhận mạo hiểm làm kẻ đi tàu chui. Suốt hành trình từ Phú Yên vào TX.Long Khánh, lúc thì ông co ro trên mui tàu, lúc phải thu mình cho gọn khi tàu qua hầm, qua cầu để khỏi bị mất mạng.

Một ngày, một đêm chịu đói khát trên mui tàu, ông Năm lảo đảo rời nơi trú ẩn khi tàu dừng ở Ga Long Khánh. Ngồi bệt xuống quán nước nơi ga tàu, ông nghỉ lấy sức để tìm cơ hội. Trời vừa hừng sáng, ông Năm rời ga, ra đón xe về xã Bảo Vinh tìm đến rẫy của ông Hai Tài xin làm thuê theo những điều bà hàng nước ở Ga Long Khánh chỉ dẫn.

Lần đầu tiên được liên tiếp mấy bữa ăn căng bụng (do chủ rẫy Hai Tài đãi) mà không phải làm việc cật lực hay vay tiền mượn gạo của ai, ông Năm nhanh chóng lấy lại sức. Ngày hôm sau, ông theo ông Hai Tài và những người làm thuê khác đi phát cỏ, đào hố. Dứt mùa mưa thì mùa thu hoạch, mùa khô đến, ông đã trở thành người thân tín của chủ rẫy Hai Tài. Khi những khu rẫy hàng chục mẫu của ông Hai Tài vừa dọn xong, chờ mưa đến để gieo tỉa hạt thì ông Năm đã làm công cho ông Hai Tài được gần năm.

Vợ chồng ông Đoàn Văn Năm vẫn giữ chiếc xe đạp thồ năm xưa làm kỷ niệm.
Vợ chồng ông Đoàn Văn Năm vẫn giữ chiếc xe đạp thồ năm xưa làm kỷ niệm.

Được chủ rẫy Hai Tài trả tiền công bằng 1,2 hécta đất đầy cỏ tranh và cho mượn 3 chục ngàn đồng để về quê rước vợ con vào ở, ông Năm mừng như vớ được vàng.

Ông Năm kể lại, khi nhảy tàu vào Nam bản thân ông không xác định sẽ xin việc làm ở đâu mỗi khi tàu ghé các ga trên suốt hành trình từ Phú Yên đến TP.Hồ Chí Minh. Lý do ông xuống Ga Long Khánh vì ông không chịu đựng được cái đói, cái lạnh và sự tủi phận của người trốn vé tàu thêm nữa. Nghe mọi người trên tàu thông báo tàu dừng ở Ga Long Khánh thì ông rời chỗ nấp và xuống tàu, chứ chẳng biết Long Khánh là ở đâu, thuộc tỉnh nào.

Gần cả năm biệt tin chồng, bà Lê Thị Hà (vợ ông Năm) vui mừng khi gặp lại ông Năm. Từ ngày chồng nhảy tàu vào Nam, bà ở nhà lầm lũi nuôi con và chịu biết bao nhiêu điều tiếng vì không rõ chồng đi đâu, làm gì, sống chết ra sao. “Nghe chồng kể chuyện đang ở làm thuê tại xã Bảo Vinh, đã mua được đất và nay về đón vợ con về ở cùng, tôi mừng lắm. Sau vài ngày đi thăm hỏi và chào tạm biệt người thân, vợ chồng tôi bắt tàu vào Long Khánh. Dù cả 3 chen chúc trong toa tàu, người và hàng ken chật, chồng tôi vẫn động viên như vậy còn sướng gấp trăm lần khi ông làm kẻ đi tàu chui, nguy hiểm luôn rình rập” - bà Hà tâm sự.

* Vợ chồng giỏi giang

Nơi cánh đồng Tây Minh, ông Đoàn Văn Năm kiên trì ngày đêm cày cuốc, rũ từng gốc cỏ tranh để cho vợ cần mẫn cấy từng gốc mạ, gieo hạt bắp. “Cứ nhớ lại cảnh nấp trên mui tàu hỏa để vào Long Khánh ngày trước là tôi quên hết mệt mỏi, có thêm động lực để vực lại kinh tế gia đình” - ông Năm tâm sự.

Đưa vợ vào, ông Năm cất một cái chòi tạm rộng chừng 6m2 nơi khu đất đầy cỏ tranh được ông Hai Tài trả công cho thời gian làm thuê, để làm nơi trú ngụ cho gia đình. Cuộc sống ngày đầu gian khó thật sự thử thách sự kiên trì của vợ chồng ông khi cả 3 người trong nhà đều “dính” bệnh sốt rét. Được cộng đồng người Hoa ở địa phương đùm bọc, cho mót những trái bắp, củ khoai, hạt thóc còn sót trên rẫy sau khi thu hoạch, vợ chồng ông Năm cũng thoát được cơn đói cơm, thiếu thuốc chữa bệnh. Lay lắt sống qua mùa nắng, ông Năm bàn với vợ phải nhanh chóng cải tạo khu rẫy đầy cỏ tranh để trồng tỉa.

Do khu rẫy nằm trên khu vực đóng quân của Mỹ hồi trước ngày giải phóng miền Nam nên cỏ tranh cao gần tới ngực người. Để cải tạo đất, ông Năm kêu các chủ máy cày trong xã đến cày mà chẳng ai dám nhận. Bí quá, ông cùng vợ tranh thủ đi cắt cỏ tranh cho gọn và sang tận xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) thuê ông Tư Khá cày đất.

Khi chạy xe máy cày qua xã Bảo Vinh cày đất cho ông Năm, ông Tư Khá nghe các bạn cày mách chuyện đâm ra lo sợ. Nhưng vì tiếc tiền dầu lỡ chạy xe qua Bảo Vinh, lại được vợ chồng ông Năm nài nỉ dữ quá, ông Tư Khá cũng mủi lòng. Tuy vậy, ông yêu cầu ông Năm phải ngồi lên máy cày cùng ông trong suốt quá trình cày khu rẫy cho “đỡ run” vì khu vực này bom, mìn còn sót lại khá nhiều.

Mọi chuyện suôn sẻ khi khu rẫy được cày xong, ông Năm và chủ máy cày Tư Khá lòng nhẹ nhõm chào nhau ra về. Vụ đậu phộng năm 1981, ông Năm trúng đậm nên có ít tiền vốn mua chiếc xe đạp thồ tranh thủ ngày mùa mua nông sản của người Hoa bán lại kiếm lời. Công việc buôn bán phát đạt, vợ chồng ông Năm mua thêm 5 hécta đất mở rộng sản xuất. Đến năm 1987, ông bung ra làm thầu nhà khi có được số vốn vài trăm triệu đồng.

Công việc thầu xây dựng nhà thuận lợi, ông Năm cứ vậy tậu thêm đất để trồng cà phê, chôm chôm, điều, mì... Năm 2000, cà phê, chôm chôm, điều rớt giá, con trai bị tai nạn giao thông, ông hết vốn làm ăn buộc phải bán mấy hécta đất ở Bảo Vinh rồi chuyển gia đình về khu rẫy heo hút ở tổ 13, ấp Tây Minh bắt đầu lại từ cây bắp, lúa, đậu, nuôi con bò, dê.

Đất Tây Minh không phụ công sức của vợ chồng ông Năm. Sau vài vụ mùa chăm chỉ làm ăn, ông Năm đã trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi từ 200-300 triệu đồng/năm. Riêng đàn con 7 đứa của ông, có 2 người đã tốt nghiệp đại học, đến tuổi lập gia đình đều được ông chia đất mẫu để sản xuất.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều