Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 6, 13/12/2024, 16:49 En

Trăn trở cùng cây mía

07:03, 19/03/2015

Tháng 3, trời nắng cháy đồng. Nông dân trồng mía ở Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) đang đứng ngồi không yên vì giá mía bèo bọt, lo mía bị cháy, việc vận chuyển mía đến nhà máy đường gặp chi phí tăng…

Tháng 3, trời nắng cháy đồng. Nông dân trồng mía ở Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) đang đứng ngồi không yên vì giá mía bèo bọt, lo mía bị cháy, việc vận chuyển mía đến nhà máy đường gặp chi phí tăng…

Ra tết, vùng quê Tri Tôn (tỉnh An Giang) hết việc, các anh: Thạch Em, Lâm Bình, chị Thạch Thị Nhái cùng các đồng hương bắt xe về vùng mía Sông Nhạn làm thuê. Hành trang cho chuyến làm ăn xa của họ gồm có: vài bộ đồ lao động, mùng mền, dao, nồi, chén đĩa, bạt ny-lông...

* Lòng người làm thuê

Chỉ vài ngày đặt chân xuống vùng mía Sông Nhạn, những túp lều bạt tạm bợ của nhóm anh Thạch Em đã mọc san sát nhau tại khu rẫy điều của ông Ba Hinh (ấp 4). Trong chầu nhậu kết thân với những người mới đến, chủ đất Ba Hinh rộng rãi cho họ tạm ứng trước một ít tiền công để lo chi phí ăn uống, sinh hoạt trong những ngày sắp tới.

Nông dân xã Sông Nhạn buồn thiu vì mía đến ngày thu hoạch bị rớt giá, khó khăn trong việc vận chuyển.
Nông dân xã Sông Nhạn buồn thiu vì mía đến ngày thu hoạch bị rớt giá, khó khăn trong việc vận chuyển.

Không cần nghỉ ngơi nhiều, hôm sau nhóm người làm thuê của anh Thạch Em đã kéo nhau ra rẫy mía ông Ba Hinh chặt, bó, bốc mía lên xe. Do làm công khoán, đối với mía không bị cháy, người chặt mía thuê kiếm được 150 ngàn đồng/ngày, công bốc mía lên xe 200 ngàn đồng/ngày/người. Riêng mía cháy thì tiền công của người chặt mía thuê thường tăng thêm từ 50-70 ngàn đồng/ngày. Chị Nhái cho biết, mía cháy thường dễ chặt, dễ bó, chỉ vất vả hơn chút ít vì tro mía làm người đen đúa, ngứa ngáy.

Bực mình vì tuyến đường nông thôn không được đầu tư xây cống thoát nước mà chỉ chăm chăm xây ụ bê tông chống xe quá tải, nông dân Tư Be (ấp 4, xã Sông Nhạn) cho biết, đường mở ra để nông dân hăng hái làm giàu chứ không nên làm to, làm lớn rồi xây ụ chỉ ưu tiên cho xe máy, xe du lịch. Lãnh đạo địa phương cần xem xét lại vấn đề làm đường giao thông nông thôn với mục tiêu phát triển kinh tế, giao thông hàng hóa.

Thấm thoát đã được trên 10 ngày dựng bạt làm thuê, nhóm người quê An Giang đang làm công cho ông Ba Hinh bắt đầu chuyển sang làm công cho chủ mía ông Sáu Trọng (ấp 6). Công việc đầu tiên của họ là chung sức chuyển chỗ ở mới. Khi những cái chòi lụp xụp bằng bạt ny-lông được dựng lên gần đám mía thì công việc của họ lại bắt đầu từ 7-17 giờ mới kết thúc. “Ngày nào xe vào nhiều thì tụi tui tranh thủ chặt, bó mía sớm hơn để có mía cho người ta bốc lên xe chở đi. Hôm nào xe ít, tụi tui chỉ làm một buổi rồi về. Vì vậy, tiền công kiếm được cũng không cố định mà bữa nhiều, bữa ít. Tụi tui chỉ làm quanh quẩn trong xã Sông Nhạn, đến tháng 4 hết mùa mía thì kéo nhau về quê” - anh Thạch Em vừa nói vừa đưa vạt áo lấm lem phấn mía lau mồ hôi.

Gió lùa đám mía xào xạc, anh Lâm Then cùng con trai Lâm Phúc (17 tuổi) thi nhau chặt, bó mía như sợ đám bạn chặt nhanh hơn mình. Ham việc đến mức cha con anh ít khi chuyện trò với đồng hương, hoặc tìm đến đám mía chưa chặt để nghỉ ngơi, hút thuốc. Thỉnh thoảng, cha con anh dừng tay uống vội miếng nước từ cái can nhựa 5 lít mang theo.

Tần ngần đứng nhìn cha con anh Lâm Then một lúc lâu, chúng tôi mới được họ đáp lại bằng câu chuyện đầy thương cảm. Anh Lâm Then nói: “Tui còn 4 đứa con nhỏ và bà vợ bệnh ở quê phải lo ăn, lo tiền thuốc men. Vì vậy, cha con tui ráng làm để dành dụm tiền đem về nuôi con, chữa bệnh cho vợ. Tui đang lo cho sang năm, vì năm nay làm ăn thua lỗ, mấy ông chủ rẫy chặt bỏ mía để trồng cây khác thì cha con tui mất chỗ làm ăn”.

* Chủ mía mếu máo

Bỏ mặc cho đám mía khô khốc vì nắng cháy và quá ngày thu hoạch, ông Đinh Cường (ấp 5) loay hoay nhặt mấy trái điều để lấy hạt còn sót lại gần đám mía rộng 3 hécta của gia đình. Ông Đinh Cường xót xa tỏ bày, ông vừa bán bớt 8 sào đất để lấy tiền trả nợ vay ngân hàng.

Năm 2013, do thấy trồng mía có lãi nên ông đốn hạ 3 hécta điều rồi vay vốn ngân hàng đầu tư trồng mía. Liên tục 2 vụ mía 2013-2014, 2014-2015, giá mía cây vẫn đứng ở mức 400 ngàn đồng/tấn, thấp hơn vụ mía 2012-2013 tới 300 ngàn đồng/tấn mía cây, làm ông lỗ vốn nên phải bán đất. Giá mía năm nay tiếp tục thấp làm ông chán ngán nên không thèm gọi người đến chặt mà để đó chờ cuối vụ giá mía lên, hoặc cho mía bung cờ, khô cây rồi đốt cho đỡ bực.

Điều ông Đinh Cường bức xúc hơn cho cây mía ở Sông Nhạn là sự quản lý đường giao thông xóm, ấp của địa phương chẳng giống ai khi xây các ụ bê tông chình ình hai đầu các trục đường để hạn chế xe tải nhằm bảo vệ các tuyến đường. Xe tải chở mía tải trọng lớn muốn tránh các ụ bê tông này phải đi vòng theo đường Dầu Giây về Nhà máy đường Trị An (xa hơn 40km so với hướng đi xã Lộ 25 về ngã ba Trị An) nên giá vận chuyển phải trả tăng thêm 30 ngàn đồng/tấn. Các tuyến đường giao thông nông thôn khác cũng có ụ hạn chế xe tải trên 10 tấn đi qua nên công vận chuyển phải tăng lên, vì xe tải lớn không vào tận rẫy bốc mía được.

Vùng mía Sông Nhạn còn thì người dân làm mía còn việc làm.
Vùng mía Sông Nhạn còn thì người dân làm mía còn việc làm.

Là người trồng mía và sinh sống lâu năm tại địa phương, ông Bảy Rẫy (ấp 6) cũng bực mình vì cách quản lý đường bằng cách đặt mấy cái ụ bê tông của địa phương. Ông Bảy Rẫy lý giải, mở đường với mục tiêu để thông thương hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vận chuyển nông sản, hàng hóa ra bên ngoài. Nông dân vận chuyển hàng hóa thuận lợi sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống nhà nông sẽ đi lên. Chứ làm đường chỉ để cho người dân đi xe máy, xe du lịch chạy thì chưa tương xứng với tiền dân bỏ ra, Nhà nước đầu tư vào. “Năm rồi tui đã phản đối việc đặt ụ bê tông như vậy là cản trở lưu thông, gây nguy hiểm cho cả người đi đường khi chứng kiến tai nạn chết người vì cái ụ bê tông trên đường. Vậy mà cán bộ xã, ấp vẫn không tiếp thu, tiếp tục cho tồn tại các ụ bê tông trên đường với cách nghĩ là bảo vệ đường” - ông Bảy Rẫy thẳng thừng phê phán.

Chính vì mấy cái ụ bê tông bảo vệ đường mà năm rồi rẫy mía của ông Bảy Rẫy chậm thu hoạch nên bị cháy, dẫn đến việc ông phải bỏ ra gần 25 triệu đồng để đền bù đường dây hạ thế của 11 hộ dân bị hư hỏng, do rẫy mía của ông bị ai đó đốt. Ngoài ra, mấy cái ụ bê tông chống xe quá tải còn dẫn đến xung đột giữa người dân trồng mía với chính quyền khi dân bức bách phá ụ để chở mía đi qua. “Cũng vì mấy cái ụ “trời ơi” đó, cộng với giá mía đường vẫn giữ mức 400 ngàn đồng/tấn mía cây, sang năm nông dân tụi tui sẽ bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác để mà cứu lấy mình” - nông dân trồng mía Tư Phương (ấp 4) day dứt tâm tư.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều