Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan đường đến trường

08:04, 03/04/2012

Để đến trường học, các em học sinh Trường THCS Thừa Đức (xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ) phải thức dậy từ tờ mờ sáng để cưỡi “ngựa sắt” vượt hơn chục cây số đường đồi, dốc ở các lô cao su hoang vắng và trở về nhà khi trời đã sập tối... Đó là chuyện hàng ngày của các em trong hành trình đi tìm kiến thức...

Để đến trường học, các em học sinh Trường THCS Thừa Đức (xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ) phải thức dậy từ tờ mờ sáng để cưỡi “ngựa sắt” vượt hơn chục cây số đường đồi, dốc ở các lô cao su hoang vắng và trở về nhà khi trời đã sập tối... Đó là chuyện hàng ngày của các em trong hành trình đi tìm kiến thức...

* Nhọc nhằn đi tìm tri thức

Từ trung tâm huyện Cẩm Mỹ, chúng tôi phải vượt trên 10 cây số đường đất, đá lởm chởm mới đến xã Thừa Đức. Dọc đường, chúng tôi bắt gặp từng tốp học sinh Trường THCS Thừa Đức tíu tít đạp xe đến trường. Thỉnh thoảng, các em lại xuống xe dắt bộ, vì sức nhỏ không thể vượt qua được những đoạn dốc cao và dài ở phía trước.

Để đến lớp, mỗi ngày học sinh Trường THCS Thừa Đức phải đạp xe hơn chục cây số đường đèo, dốc.
Để đến lớp, mỗi ngày học sinh Trường THCS Thừa Đức phải đạp xe hơn chục cây số đường đèo, dốc.

Vừa đạp xe, vừa thở hì hục, em Nguyễn Văn Bình (học lớp 7) cho biết: “Nhà em ở ấp 8, xã Thừa Đức. Ngày nào cũng đạp xe cả chục cây số mới tới trường. Mùa này nắng thì còn đỡ, chứ mưa đến cực lắm nên phải bỏ học liên tục”. Đưa tay vén mái tóc dài đang bay theo làn gió, em Cao Thị Hồng Thắm (học lớp 9) nói: “Tụi em ở xa nên hôm nào học suốt buổi phải ở lại trường, chứ về nhà rồi quay lại lớp cực lắm”. Theo lời của Thắm, đoạn đường từ nhà em đến trường vừa xa, lại vắng vẻ. Có hôm, xe bị hỏng chẳng biết phải nhờ ai, em chỉ còn cách dắt bộ đến trường. Nói rồi, Thắm kể một mạch về những khó khăn và thiệt thòi của những học sinh nghèo vùng sâu. Em bảo rằng, nhiều hôm tan học về đến nhà gần 19 giờ nên trời tối mịt. Quanh những rừng cao su heo hút, chẳng có lấy một bóng người, lại phải đi ngang nghĩa địa nên em rất sợ. “Vùng này toàn đường đồi dốc, cứ sập tối thì chẳng còn thấy gì cả, tụi em phải mò đường đi theo thói quen” - Thắm tâm sự. Nghe Thắm nói đến đây, em Bình chen vào: “Hôm nào học buổi sáng, trưa về đến nhà đã quá 12 giờ, người mệt chẳng muốn ăn cơm”.

Nhìn tấm áo trắng cũ còn vương bụi đất đỏ trên những tấm lưng nhỏ gầy đạp xe của các em học sinh mà chúng tôi thấy xót xa. Ở đây, mùa nắng đầy bụi, mưa đến thì sình lầy lún đến mắt cá chân nên việc đạp xe đến trường với các em thật không dễ. Có lẽ vì gian nan như vậy nên trong đầu cô bé Thắm đã len lỏi ý định bỏ học để lên rẫy cùng cha mẹ. Em thổ lộ: “Nhà em nghèo, đông anh em, trường lại xa quá, đường heo hút, hiểm trở nên cứ nghe đến mấy chuyện cướp bóc em chẳng muốn đi học. Nhiều người bảo đó chỉ là những câu chuyện vu vơ để tụi em thêm cảnh giác, nhưng trời tối mà một mình băng qua các rừng cao su em cũng thấy lo lắm”.

Em Trần Đức Nhân (học lớp 9) cho biết: “Em tự đi xe đạp đến trường từ năm lớp 6. Hôm nào xe hư thì xin quá giang người lớn, bằng không thì phải bỏ dở buổi học hôm ấy”. Tan học từ lúc 11 giờ trưa, phải đội cái nắng về nhà nên không chỉ riêng Nhân, mà nước da học sinh nào ở trường cũng sạm đen.

* Ngăn dòng bỏ học

Đối với những học sinh nơi khác, việc đến trường mỗi ngày chẳng có gì gian nan. Còn đối với các em ở đây, để có thể có mặt đầy đủ trong các buổi học là sự cố gắng rất lớn. Nhà nước đã có chính sách miễn 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập 70 ngàn đồng/tháng/học sinh để các em học sinh ở Thừa Đức được yên tâm đến lớp.

Thầy Trương Văn Giáo, Hiệu trưởng Trường THCS Thừa Đức cho biết: “Hiểu rõ hoàn cảnh của các em học sinh nên năm vừa rồi chúng tôi đã thống nhất lập thời khóa biểu học 4 tiết/buổi để tránh những trường hợp học sinh phải “mò đường” về nhà khi trời tối. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động nhiều nơi để tìm học bổng hỗ trợ cho các em học sinh biết vươn lên trong khốn khó”.

Theo lời thầy Giáo, do đường sá đi lại trắc trở nên nhiều học sinh ở Trường THCS Thừa Đức đã bỏ học nửa chừng để lên rẫy phụ cha mẹ. Như trường hợp phải nghỉ học của em học sinh lớp 7 Nguyễn Văn Quý. Nhà Quý nghèo, cái ăn còn phải chạy từng bữa thì lấy đâu ra thời gian để em miệt mài học tập. Dù khát khao con chữ, nhưng trước áp lực miếng cơm manh áo và khó khăn của chặng đường đến lớp nên em đã bỏ học. Nhờ sự động viên và quan tâm kịp thời của các thầy cô, năm học này Quý đã trở lại trường.

Đường đến trường vất vả nhưng các em học sinh vẫn cố gắng đến sớm để tranh thủ dò bài.
Đường đến trường vất vả nhưng các em học sinh vẫn cố gắng đến sớm để tranh thủ dò bài.

Trong các học sinh chúng tôi có dịp trò chuyện ở đây, nhiều em nhà ở xa trường, trong đó có những em mỗi ngày phải đạp xe gần 20 cây số để đến trường. Cũng vì đoạn đường đến trường gian nan như vậy nên phần lớn các em học sinh ở đây đều xa lạ với hai từ “học thêm” và những trò giải trí của lứa tuổi mới lớn. Em Trần Đức Nhân cho hay: “Chỗ tụi em mới 7 giờ tối nhà nào cũng tắt đèn đi ngủ. Ngoài giờ học, tụi em còn phải làm những công việc phụ gia đình nên ít có thời gian rảnh để vui chơi, tham gia sinh hoạt thêm như các bạn nơi khác”.

Cô giáo Vũ Thị Minh Tâm cho hay: “Vào học lúc 7 giờ nhưng có hôm phải hơn 8 giờ các em mới tới được lớp, vì xe hư nên các em phải cuốc bộ. Có những hôm trời mưa, đường trơn trượt, lầy lội nên em nào đến lớp cũng nhem nhuốc sình lầy, trông rất tội”. Rồi cô Tâm khẽ giọng nói về bài học của những em học sinh mới bước vào lớp 6 nơi đây. Đó không phải là việc học chữ, học kiến thức, mà các em phải học thuộc đường và rèn cho đôi chân mình thật vững để không bị chùn bước trước sự gian nan của đoạn đường đến trường.

Khó khăn là thế, nhưng vẫn có không ít em đã vươn lên khẳng định mình để tạo nên hy vọng về cuộc đổi thay cho làng quê xa xôi này. Cậu bé Nguyễn Minh Trung (lớp 9) là học sinh nhiều năm liền đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh. Ngoài giờ học, Trung phải ra rẫy phụ gia đình, việc tiếp cận thông tin, công nghệ kỹ thuật hiện đại đối với em vẫn còn xa lạ. Vậy mà, trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh năm 2010, Trung đã đoạt giải nhì môn vật lý thực hành để mang tự hào về cho trường mình. Thầy Giáo cho biết: “Với học sinh nơi khác, có thể những giải thưởng như vậy chẳng mang ý nghĩa lớn lao. Nhưng với học sinh ở vùng sâu xa này, đó là điều khích lệ to lớn để những em học sinh ở đây noi gương, học tập”.

Lời nói của thầy Giáo khiến chúng tôi cảm thấy khâm phục trước quyết tâm vượt khó của các em học sinh nơi đây. Để rồi, khi bước chân ra về, trong lòng chúng tôi vẫn suy nghĩ mông lung về những bước chân học trò vùng sâu đến trường sao lắm gian nan. Hy vọng rằng, phía cuối đoạn đường chông gai ấy sẽ là những nụ cười hân hoan chào đón những thành công từ sự nỗ lực của các em học sinh nơi vùng sâu xa ấy.

Tùng Minh

 

 

Tin xem nhiều