Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn, thuộc xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) được giao chỉ tiêu biên chế 180 người để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện đơn vị chỉ còn 154 người, bởi số người nghỉ việc ngày càng nhiều.
Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn, thuộc xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) được giao chỉ tiêu biên chế 180 người để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện đơn vị chỉ còn 154 người, bởi số người nghỉ việc ngày càng nhiều.
Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: T.Nhân |
Điều đáng nói, nhiều kiểm lâm viên vẫn đang tiếp tục có ý định nghỉ việc để chuyển sang việc làm khác tốt hơn. Quân số mỏng mà phải phụ trách địa bàn rộng lớn nên đơn vị đang gặp nhiều áp lực trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
* Nghỉ việc vì áp lực cao, thu nhập thấp
Trạm Kiểm lâm Suối Kốp thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng do thiếu nhân sự. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Kốp Hồ Thái Nguyên cho biết, hơn 2 năm trước, đơn vị được phân bổ 10 kiểm lâm viên để phụ trách quản lý 5 ngàn ha rừng (500 ha/người). Tuy nhiên, một số kiểm lâm sau đó lần lượt làm đơn xin nghỉ việc nên quân số hiện nay của trạm chỉ còn 7 người. Lực lượng mỏng nhưng phải dàn trải ra làm rất nhiều việc như: tuần tra dài ngày trong rừng; trực các chốt kiểm soát lâm sản, ngăn chặn người ra vào rừng trái phép... Vì vậy, việc bảo vệ bình yên cho những cánh rừng là một thử thách quá lớn đối với nhân viên kiểm lâm ở đây.
Theo ông Nguyên, tình trạng thiếu hụt quân số xảy ra ở cả 18 trạm kiểm lâm của Khu bảo tồn. Nguyên nhân khiến nhiều nhân viên, kiểm lâm nghỉ việc và không mặn mà với công việc giữ rừng xuất phát từ áp lực công việc cao, trong khi thu nhập quá thấp, không đảm bảo được cuộc sống… Ngoài ra, Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ quy định về việc chuyển lực lượng kiểm lâm ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn xuống thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã gây tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của lực lượng kiểm lâm.
Từ khi Nghị định số 01/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành cho đến nay, Khu bảo tồn đã có 26 viên chức kiểm lâm trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt đã xin nghỉ việc và chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác; có 47 viên chức kiểm lâm xin nghỉ theo chế độ Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và nghỉ hưu theo quy định. Việc tuyển dụng viên chức kiểm lâm theo chỉ tiêu được giao cũng đang gặp rất nhiều khó khăn... |
Cụ thể, lực lượng kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Còn khi chuyển từ kiểm lâm xuống lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ không được hưởng chế độ chính sách như trên, mặc dù đây là lực lượng trực tiếp giữ rừng. Điều này làm giảm tinh thần đấu tranh, trấn áp tội phạm của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
“Mặc dù kiểm lâm của Khu bảo tồn hiện chưa chuyển xuống lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nhưng thông tin này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của anh em, đặc biệt là những kiểm lâm viên trẻ tham gia công tác tại đơn vị từ 2-5 năm. Lãnh đạo Khu bảo tồn rất quan tâm và thường xuyên động viên anh em nhưng do công việc chịu nhiều áp lực mà mức thu nhập quá thấp, không đảm bảo cuộc sống nên nhiều anh em đã nghỉ để chuyển sang làm việc khác tốt hơn” - ông Nguyên tâm sự.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2022, Khu bảo tồn áp dụng Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc tuyển lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc tuyển nhân sự không mang lại kết quả cao vì chế độ đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quá thấp, khiến nhiều người rút hồ sơ xin việc.
Ông Nguyên cho biết, đợt 1-2022, Khu bảo tồn đăng ký tuyển dụng 46 vị trí nhưng chỉ có 23 người nộp hồ sơ, 19 người đến phỏng vấn và chỉ có 11 người chịu làm việc. Hiện đơn vị còn thiếu 26 người.
“Nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng được ký hợp đồng làm việc cho Khu bảo tồn với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng khiến cho nhiều anh em hụt hẫng vì mức lương quá thấp so với mặt bằng chung và không đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, một số anh em sắp tới đây có thể tiếp tục nộp đơn xin nghỉ việc nữa” - ông Nguyên cho hay.
* Những hiểm nguy của lực lượng trực tiếp giữ rừng
Thời gian qua, Khu bảo tồn được UBND tỉnh giao quản lý tổng diện tích trên 100 ngàn ha, gồm: hơn 68 ngàn ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp và hơn 32 ngàn ha vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An. Trong Khu bảo tồn còn có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia: Khu ủy Miền Đông, địa đạo Suối Linh và Trung ương Cục Miền Nam. Cho nên, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn rất quan trọng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Nguyễn Hữu Phước cho hay, nhiều trạm kiểm lâm nằm sâu trong rừng, không có điện lưới, sóng điện thoại, điều kiện đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng liểm lâm trong thời gian qua đã thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng và bảo vệ vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An 24/24 giờ, kể cả ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có nhiều chuyến biến tích cực.
Tuy nhiên, theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ, việc chuyển từ kiểm lâm sang lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ. Cụ thể, trường hợp phát hiện vụ vi phạm hiện trường ở trong rừng, do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không có thẩm quyền xử lý và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong khi hạt kiểm lâm cấp huyện lại ở cách xa hiện trường phát hiện các vụ vi phạm, việc thông báo kiểm lâm đến hiện trường sẽ không kịp thời ngăn chặn (nhất là các ngày nghỉ, ngày lễ). Còn nếu lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tự ý tạm giữ phương tiện, tang vật, người vi phạm thì trái quy định pháp luật.
Một khó khăn nữa là, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ thô sơ và sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng. Đặc biệt, công tác canh phục đêm thường phải trực tiếp đối mặt với các đối tượng săn bắn động vật rừng rất nguy hiểm, manh động, có sử dụng vũ khí tấn công, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn Khu bảo tồn đã xảy ra 11 vụ chống người thi hành công vụ; trong đó, có 4 vụ dùng súng bắn trả kiểm lâm, 7 vụ chống người thi hành công vụ, hành hung gây thương tích cho lực lượng kiểm lâm.
“Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đang bị dao động tâm lý, tư tưởng, không an tâm công tác. Chúng tôi thường thăm hỏi, động viên anh em kiểm lâm cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao trong khi chờ cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tìm hướng tháo gỡ khó khăn” - ông Phước chia sẻ.
Thành Nhân