Việc cho vay, mượn tiền giữa cá nhân với nhau hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, khi người vay, mượn chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì không ít người cho vay vẫn không biết phải nhờ tòa án hay cơ quan công an can thiệp.
Việc cho vay, mượn tiền giữa cá nhân với nhau hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, khi người vay, mượn chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì không ít người cho vay vẫn không biết phải nhờ tòa án hay cơ quan công an can thiệp.
Luật sư Lưu Hồng Khanh (bìa phải, Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn pháp luật về tranh chấp dân sự cho người dân tại xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Đoàn Phú |
Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, vì mục tiêu phải đòi nợ bằng được, đôi khi chủ nợ muốn hình sự hóa vấn đề dân sự (vay, mượn), gán ghép người vay, mượn vào các tội danh: lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
* Tranh chấp dân sự
Vì là chỗ thân tình, bà H.D.T. (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) cho bà L.T.M. vay mượn 50 triệu đồng để đầu tư vườn cây ăn trái. Khi vay mượn, bà M. hứa với bà T. sau khi thu hoạch xong bà sẽ trả tiền gốc và lãi đầy đủ. Tuy nhiên, qua 3 mùa thu hoạch vườn cây, bà M. vẫn chỉ trả phần lãi. Bà T. nhiều lần đòi thì bà M. tránh mặt hoặc hứa hẹn nhưng không trả.
Hay như trường hợp của ông Đ.V.H. (ngụ xã Phú Vinh, H.Định Quán) cho bà N.T.U. vay 100 triệu đồng để buôn bán kinh doanh. Khi thấy bà U. làm ăn thua lỗ, ông H. liên tục đòi nợ và bà hứa hẹn hết lần này tới lần khác.
Để nhanh chóng đòi được số tiền cho người khác vay mượn, bà T., ông H. bức xúc, có đơn gửi cơ quan công an địa phương tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà M., bà U., nhưng được cơ quan công an trả lời đó là giao dịch dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Vì không hiểu rõ thế nào là tranh chấp dân sự, hình sự hóa quan hệ dân sự, bà T., ông H. gặp luật sư Cao Sơn Hà nhờ tư vấn. Luật sư Hà giải thích, tranh chấp dân sự được hiểu là những tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự về các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ. Các loại tranh chấp dân sự phổ biến hiện nay là: vay mượn nợ, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các vấn đề về ly hôn…
Riêng về hình sự hóa dân sự, luật sư Hà cho biết đó là việc “biến” một hành vi vốn không bị pháp luật xử lý hoặc chỉ bị xử lý bằng một chế tài khác và nhẹ, thành một hành vi có tính tội phạm và bị pháp luật xử lý bằng chế tài hình sự.
* Vay nợ cũng có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Hà cho biết thêm, trong một số trường hợp vay nợ cũng có thể bị xử lý hình sự. Theo khái niệm về tội phạm học, về mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì khi người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc hợp đồng khác. Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Hậu quả là người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hoặc đã bỏ trốn hoặc không còn khả năng trả lại tài sản. Về mặt chủ quan của tội phạm thì đó phải là lỗi cố ý, có mục đích chiếm đoạt tài sản rõ ràng.
Chính vì vậy, Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau: người nào thực hiện một trong những hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định rõ, người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản có trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Hà phân tích, xét về mặt khách quan thì người phạm tội phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật), làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như: bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, hoặc bằng nhiều hình thức khác như: giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
“Chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị lừa dối dẫn tới giao tài sản cho kẻ phạm tội” - luật sư Hà cho biết.
Khoản 1, Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại... |
Đoàn Phú