Trẻ em là người dưới 16 tuổi, pháp luật cho phép việc sử dụng lao động (LĐ) trẻ em nhưng nghiêm cấm hành vi bóc lột sức LĐ trẻ em.
Trẻ em là người dưới 16 tuổi, pháp luật cho phép việc sử dụng lao động (LĐ) trẻ em nhưng nghiêm cấm hành vi bóc lột sức LĐ trẻ em.
Vào mùa mưa, một số trẻ em ở KP.6, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) tham gia cắt hom tràm thuê kiếm thu nhập phụ giúp cha mẹ. Ảnh: Đ.Phú |
Luật Trẻ em năm 2016 hướng dẫn, bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em LĐ trái quy định của pháp luật về LĐ; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
* Không cấm lao động trẻ em
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn LĐ tỉnh) nhấn mạnh, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức LĐ; không phải LĐ trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Không chỉ nông thôn mà nơi đô thị, nhiều trẻ em vẫn phải tham gia vào lực lượng LĐ để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, trang trải học hành bằng những công việc như: bán vé số, nhặt ve chai, phụ quán (cà phê, ăn uống), đan lát... Hiện có hai luồng quan điểm đánh giá về vấn đề trẻ em vào đời sớm: rất cảm thông vì sự hiếu thảo, vượt khó, sự trải nghiệm đáng trân trọng của trẻ về giá trị LĐ. Quan điểm ngược lại, đó là hành vi ngược đãi, thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ của các bậc phụ huynh.
Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, theo quy định của pháp luật, thời giờ làm việc của người LĐ chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần. Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. |
Chính vì vậy, không ít bậc phụ huynh, người sử dụng LĐ rất băn khoăn trong việc cho con em mình LĐ hoặc nhận trẻ em vào làm việc. Chị Huyền Trân (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) thắc mắc, pháp luật có ngăn cấm LĐ trẻ em không, nếu không cấm thì quy định ra sao?
Về vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Hà cho hay, pháp luật không ngăn cấm LĐ trẻ em, chỉ ngăn cấm các hành vi bóc lộc sức LĐ trẻ em. Chính vì vậy, Điều 164, Bộ luật LĐ năm 2012 quy định, người sử dụng LĐ chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ LĐ-TBXH quy định.
“Khi sử dụng LĐ trẻ em, người sử dụng LĐ phải tuân theo quy định như: phải ký kết hợp đồng LĐ bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của trẻ. Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em. Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn LĐ, vệ sinh LĐ phù hợp với lứa tuổi...” - luật sư Hà nói.
Để việc sử dụng LĐ trẻ em đúng luật, Bộ LĐ-TBXH ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc (theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11-6-2013 của Bộ trưởng LĐ-TBXH, gọi tắt là Thông tư 11). Cụ thể, danh mục công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc gồm: diễn viên (múa, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, trừ múa rối dưới nước). Vận động viên năng khiếu (thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh, trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền).
Danh mục công việc được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm việc gồm: các nghề truyền thống (chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa kế). Các nghề thủ công mỹ nghệ (thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he). Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình; nuôi tằm; gói kẹo dừa.
* Phải có người giám hộ
Bộ luật LĐ năm 2012 quy định, người LĐ là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng LĐ, làm việc theo hợp đồng LĐ, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng LĐ. Người sử dụng LĐ trẻ em phải ký kết hợp đồng LĐ bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của trẻ. Bởi vì trẻ em chưa có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên người đại diện theo pháp luật sẽ nhân danh để ký kết hợp đồng LĐ.
Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh bày tỏ, vì LĐ trẻ em là loại LĐ đặc biệt, do đó pháp luật quy định, khi sử dụng LĐ trẻ em người sử dụng LĐ có trách nhiệm: rà soát lại các công việc đang sử dụng người dưới 15 tuổi; chỉ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm các công việc theo danh mục công việc nhẹ được ban hành kèm theo Thông tư 11. Đồng thời, khi tuyển dụng người dưới 15 tuổi làm việc phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc; tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần. Tuân thủ các quy định về sử dụng người dưới 15 tuổi được quy định tại Điều 162 và Điều 164 của Bộ luật LĐ năm 2012. Nơi làm việc bảo đảm các yếu tố vệ sinh môi trường LĐ đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Điều cần lưu ý đối với người sử dụng LĐ khi tuyển dụng lần đầu người dưới 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở LĐ-TBXH cấp tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc. Hằng năm, báo cáo việc sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc cùng với báo cáo công tác an toàn LĐ, vệ sinh LĐ về Sở LĐ-TBXH” - luật sư Tý lưu ý.
Đoàn Phú