Thời gian qua, trên đường cao tốc thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
Thời gian qua, trên đường cao tốc thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
Người dân thường có thói quen đốt đồng sau khi thu hoạch lúa, tạo khói ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông. |
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, công tác quản lý và bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần được nâng cao hơn bao giờ hết.
* Xảy ra tai nạn là nghiêm trọng
Mới đây, tại km20+200 đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 6 xe ô tô khiến 2 người bị thương, 6 xe ô tô hư hỏng (ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng). Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân đốt đồng gây cháy lan cỏ nằm trong hành lang an toàn đường cao tốc, làm cho khói mịt mù các phương tiện lưu thông không nhìn thấy đường, cộng với việc các xe không giữ khoảng cách an toàn dẫn đến va chạm.
Ngăn việc đốt lửa tạo khói gần đường giao thông Trong công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn người dân đốt lửa tạo khói gần khu vực đường giao thông làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, có thể gây ra các vụ tai nạn giao thông. |
Trước đó không lâu, vào ngày 18-3, 1 chiếc xe cứu hỏa của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP.Hà Nội (đi ngược chiều trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) trong khi đang đi làm nhiệm vụ đã xảy ra va chạm với xe khách 45 chỗ chạy theo hướng ngược lại làm cho 1 người chết và 9 người bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do 2 xe đều đang di chuyển với tốc độ cao trên đường mưa phùn mịt mù làm hạn chế tầm quan sát và đường trơn trượt dẫn đến không làm chủ được tốc độ gây nên tai nạn.
Sau các sự việc nói trên, có nhiều ý kiến đa chiều đưa ra nhằm “mổ xẻ” về nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, phần lớn đều cho rằng với tốc độ cho phép khoảng 100-120km/giờ, nếu không chú ý quan sát và giữ vững khoảng cách an toàn thì khi xảy ra sự cố bất ngờ, người điều khiển phương tiện rất khó để xử lý và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên đường cao tốc thời gian qua một phần xuất phát từ những hành vi thiếu ý thức của người dân sống gần đường cao tốc hoặc từ chính các chủ phương tiện lưu thông trên đường. Các hành vi như: ném đá vào xe chạy trên đường cao tốc; chạy xe máy, ô tô đi ngược chiều; xe ô tô tự tiện dừng đón - trả khách không đúng quy định… đều có thể gây mất an toàn giao thông.
* Ngăn chặn tai nạn giao thông
Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn xảy ra ngày 3-4, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật cao tốc Việt Nam (VECE, đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), cho biết để tránh các sự cố trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện phải luôn tập trung khi lái xe, làm chủ tốc độ và tập trung quan sát, giữ khoảng cách an toàn.
Với điều kiện bình thường khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn tương ứng với mỗi tốc độ được quy định: nếu tốc độ trên 60km/giờ thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m; 80km/giờ là 55m; 100 km/giờ là 70m và 120 km/giờ là 100m. Trong điều kiện thời tiết đặc biệt như: trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt hoặc khói dày đặc hạn chế tầm nhìn nếu người điều khiển giao thông không tuân thủ đúng khoảng cách an toàn theo quy định nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Cũng theo bà Phương, thời gian tới phía VECE sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi phương tiện chạy quá tốc độ quy định, dừng đậu, đón trả khách không đúng quy định, lạng lách, chuyển làn đường không bật xi nhan…
Ngoài ra, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cũng cho rằng hiện nay mạng lưới đường bộ cao tốc ở nước ta đang phát triển rất nhanh, lượng phương tiện lưu thông trên loại đường này chiếm tỷ lệ cao trong khi đó kinh nghiệm, công tác quản lý của cơ quan quản lý, khai thác, địa phương, kể cả người tham gia giao thông còn hạn chế. Trên cơ sở đó, cần phải điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý, tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm kiểm soát những rủi ro trên đường cao tốc, nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Huyện chia sẻ thêm các trạm cứu hộ, đường lánh nạn ở những đoạn đường nguy hiểm, có nguy cơ cao về tai nạn trên một số tuyến đường cao tốc còn chưa phù hợp và thiếu, vì vậy đơn vị quản lý, khai thác phải tính toán lại để khi xảy ra tai nạn, sự cố sẽ nhanh chóng ứng cứu kịp thời và xử lý ngay.
“Các nhà đầu tư, đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc phải rà soát, bổ sung phương án tổ chức giao thông trên tuyến. Đồng thời duy trì chế độ trực, giám sát 24/24 cũng như tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi lắp đặt bổ sung biển báo hiệu và các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông. Công tác quản lý hành lang an toàn giao thông cần được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây mất an toàn” - ông Huyện nhấn mạnh.
Thanh Hải