Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số nhóm phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự giao thông mang tính tự phát, chưa được sự cho phép cũng như quản lý của cơ quan chức năng...
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số nhóm phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự giao thông mang tính tự phát.
Số công cụ hỗ trợ của “Biệt đội SOS117 - hỗ trợ nhân dân quốc lộ 51 Đồng Nai” bị công an tạm giữ. |
Việc người dân tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc là điều đáng biểu dương và ghi nhận, nhưng nếu các nhóm phòng chống tội phạm hoạt động không có sự cho phép cũng như quản lý của cơ quan chức năng sẽ trở thành vấn đề đáng quan ngại.
* Tự ý điều tiết giao thông
Khoảng 16 giờ 30 ngày 12-1, Đồn Công an khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) phát hiện 4 thanh niên mặc đồng phục, mang bộ đàm, sử dụng gậy cao su điều tiết giao thông tại khu chợ tự phát trước cổng Công ty P. (Khu công nghiệp Tam Phước).
Liên quan đến 4 thành viên của “Biệt đội SOS117 - hỗ trợ nhân dân quốc lộ 51 Đồng Nai” trang bị các công cụ hỗ trợ điều tiết giao thông ở khu vực trước cổng Công ty P., Đại tá Lê Hùng, Trưởng Công an TP.Biên Hòa, cho biết đã báo cáo sự việc với Ban giám đốc Công an tỉnh. Trước mắt, cơ quan công an lập biên bản tạm giữ số công cụ hỗ trợ để xử lý, đồng thời yêu cầu nhóm người này ngưng các hoạt động tương tự để chờ kết quả xử lý của cơ quan chức năng. Theo Đại tá Lê Hùng, nhóm người này hoạt động mang tính tự phát, nhưng trước hoạt động thiện nguyện của nhóm, cơ quan công an sẽ tham mưu cho UBND TP.Biên Hòa tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật để đưa hoạt động của họ vào khuôn khổ, nhằm tránh những hậu quả không hay có thể phát sinh. |
Đồng phục của nhóm có màu đen, trên cổ áo có thêu hình cờ Tổ quốc và dấu thập trắng, bả vai thêu chữ: “Biệt đội hỗ trợ Đồng Nai SOS”; trên thân trước và sau áo có nhiều túi nhỏ; phía trước và sau áo dán chữ “Biệt đội SOS”, “Biệt đội 117” nhìn qua rất giống với quân phục của lực lượng cảnh sát cơ động.
Đặc biệt, khi hoạt động trên đường nhóm thanh niên này mang theo các công cụ hỗ trợ, như: bộ đàm, gậy cao su, gậy điều khiển giao thông bằng nhựa và đèn pin. Do đó, lực lượng công an đã mời 4 người này về đồn làm việc.
Tại đồn công an, 4 thanh niên xưng là đội viên “Biệt đội SOS117 - hỗ trợ nhân dân quốc lộ 51 Đồng Nai” do anh N.H.L. (27 tuổi, ngụ xã Tam Phước) làm đội trưởng.
“Biệt đội SOS117 - hỗ trợ nhân dân quốc lộ 51” được thành lập năm 2016 với tên gọi ban đầu là “Đội hút đinh tình nguyện quốc lộ 51”. Đến ngày 13-6-2017, đội đổi tên thành “Biệt đội SOS117 - hỗ trợ nhân dân quốc lộ 51 Đồng Nai” với 16 thành viên và tự đặt ra nhiệm vụ: đưa người bị nạn đi cấp cứu, vá xe miễn phí, hút đinh trên quốc lộ 51 đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến ngã ba Nhơn Trạch...
Làm việc với công an, anh N.H.L. cho biết số công cụ hỗ trợ nhóm sử dụng do các thành viên trong nhóm góp tiền mua để hoạt động. Riêng việc điều tiết giao thông là do yêu cầu của anh P.D.H. (ngụ ấp 7, xã An Phước, huyện Long Thành), chủ dãy ki-ốt buôn bán ở khu vực cổng Công ty P., do nơi đây thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Hàng ngày, nhóm người này chia thành 2 tổ đứng 2 đầu chợ tự phát ngăn xe tải đi vào và điều tiết giao thông. Anh H. cho biết khi thấy nhóm này làm việc hiệu quả, anh đã hỗ trợ 2 triệu đồng.
* Dễ khiến người dân hiểu lầm
Thời gian gần đây, trên địa bàn các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa xuất hiện một số nhóm phòng chống tội phạm với các tên gọi: Biệt đội SOS, Đội SBC, Câu lạc bộ hiệp sĩ... Các nhóm đã đăng số điện thoại để khi cần mọi người có thể gọi điện nhờ giúp đỡ, đồng thời khoe “chiến tích” nhiều lần đuổi bắt các đối tượng nghi trộm, cướp giật tài sản, thậm chí “giải cứu” các cô gái nghi bị khống chế làm tiếp viên tại các quán cà phê đèn mờ…
Lực lượng thu hút đinh trên tuyến QL51 vào ban đêm (ảnh tư liệu). |
Một cán bộ công an cho biết, các nhóm phòng chống tội phạm này hoạt động mang tính tự phát. Quan trọng hơn, việc nhóm tự ý trang bị đồng phục, logo, “quân hàm”, bộ đàm, gậy cao su, đèn pin rồi hoạt động trên các tuyến giao thông rất dễ khiến người dân hiểu lầm đây là lực lượng chính quy, được cơ quan nhà nước thừa nhận; việc nhóm tự ý làm các công việc có liên quan đến an ninh trật tự dễ gây ra hệ lụy khôn lường. Đặc biệt, việc nhóm tự ý sử dụng các công cụ hỗ trợ (theo quy định chỉ có lực lượng chức năng mới được dùng) là vi phạm luật pháp.
“Chưa bàn đến những việc làm của họ, chỉ nhìn vào đồng phục và số công cụ hỗ trợ họ trang bị đã thấy có dấu hiệu vi phạm. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định việc sử dụng các công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và sử dụng trong các trường hợp nhất định. Trường hợp phát hiện người vi phạm quy định về quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ xử lý theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự” - Trung tá Nguyễn Văn Nam, Đồn trưởng Đồn Công an khu công nghiệp Tam Phước, cho hay.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngô Văn Định (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc tự lập các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự cần phải được quản lý, nếu không có thể sẽ phát sinh những hậu quả đáng tiếc. Các tổ chức này giống như các câu lạc bộ nên phải đăng ký và có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, có địa bàn hoạt động. Các nhóm này nên ở trong các đoàn thể ở địa phương và giao cho lực lượng vũ trang hỗ trợ về nghiệp vụ để tránh tình trạng lạm dụng công việc gây thiệt hại cho người khác vì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh.
“Hiện chưa có quy định cụ thể về việc lập các nhóm “hiệp sĩ” hoạt động kiểu này. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cần phải tập hợp những người có trách nhiệm với xã hội giao cho cơ quan công an quản lý, huấn luyện, bố trí công việc để phát huy vai trò xung kích của họ” - luật sư Định chia sẻ.
Thành Vinh