Báo Đồng Nai điện tử
En

Bản án ly hôn nặng nề

10:08, 26/08/2012

Đặt con trẻ vào vị trí trung tâm của phiên tòa xét xử vụ án ly hôn là điều không ai muốn. Nhưng liệu có nên níu kéo quan hệ hôn nhân khi sự rạn nứt tình cảm vợ chồng khó thể hàn gắn? Giá như họ đủ tỉnh táo để cùng nhau ngồi lại phân xử trái phải thì đã không sợ đem đến cho con trẻ sự tổn thương như hôm nay.

Đặt con trẻ vào vị trí trung tâm của phiên tòa xét xử vụ án ly hôn là điều không ai muốn. Nhưng liệu có nên níu kéo quan hệ hôn nhân khi sự rạn nứt tình cảm vợ chồng khó thể hàn gắn? Giá như họ đủ tỉnh táo để cùng nhau ngồi lại phân xử trái phải thì đã không sợ đem đến cho con trẻ sự tổn thương như hôm nay.

* Bạo hành tinh thần

Để tiến đến hôn nhân, chị T.H. và anh V.T. (ngụ ở TP.Biên Hòa) đã tìm hiểu nhau nhiều năm, chứ không phải chỉ là một mối tình bồng bột. Nhưng khi cưới về, ngọt bùi chỉ được khoảng hai năm thì anh sinh tật hư hỏng, thường xuyên tụ tập ăn nhậu.

Cũng từ đó mà những lần bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần cứ trút lên người chị H. Mà nguyên nhân theo anh T., chỉ tại vợ hay nghe lời người ngoài tác động rồi về nhà đay nghiến, gây gổ với chồng. Nhiều lần vì bực tức, không kiềm chế được bản thân, anh đã hành hung vợ, nhưng chỉ là vài cái tát nhẹ. Nghe anh T. trình bày đến đây, chị H. đứng dậy phản bác: không phải chỉ một vài lần, mà thân thể chị đã nhiều lần bầm giập với những trận đòn vô cớ của chồng. Lại càng không có việc chị đem chuyện ngoài đường về làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chừng ấy năm sống với nhau, chị đã cố nhẫn nhịn để vun vén cho gia đình mình.

Từ khi chị H. sinh đứa con đầu lòng đến nay, cháu bé là sợi dây gắn kết tình cảm của mọi thành viên trong gia đình. Nên khi hai người cảm thấy không hợp nhau và muốn “đường ai nấy đi”, anh thường xuyên lấy con ra để hằn học, ngăn cản chị làm đơn ly hôn. Nhiều lần, chị bắt gặp anh “gieo” vào đầu con những điều không hay, tiếng xấu về người mẹ của mình. Rồi anh như muốn giữ con làm của riêng, ích kỷ khi thấy đứa bé ở bên mẹ.

Với chị, bạo hành về mặt thể xác không đau đớn bằng tinh thần, nên chị quyết định nộp đơn ra tòa xin ly dị. Nhưng khi nghĩ đến con trẻ bơ vơ, cái giá của hậu ly hôn, chị lại không đành lòng. Rút đơn về, cứ tưởng anh sẽ thay đổi, nhưng chỉ vài tháng đầu rồi đâu cũng vào đấy. Cuộc sống gia đình trở nên bí bách, họ quyết định sống ly thân và hạnh phúc gia đình chính thức đổ vỡ hoàn toàn khi cả hai muốn giành quyền nuôi con.

* Có nên níu kéo?

Họ dắt nhau ra tòa vì muốn được quyền nuôi con, ai cũng ra sức bảo vệ lý lẽ của mình. Anh T. cho rằng, thu nhập của anh cao hơn nên đủ điều kiện lo cho con. Vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị H. giải thích: hiện cháu bé mới trên 3 tuổi, rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Trong suốt thời gian hai người ly thân, đứa con sống với mẹ là chủ yếu. Hơn nữa, chị làm trong lĩnh vực y tế nên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con. Cuối cùng, xét thấy tình cảm giữa hai người đã rạn nứt, khả năng hòa giải và hàn gắn không còn nên tòa chấp nhận đơn xin ly hôn và giao quyền nuôi dưỡng đứa trẻ cho chị H.

Từ trước đến nay, yếu tố bạo hành gia đình dễ khiến mọi cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, nhưng điều quan trọng là cả hai phải biết nhường nhịn và dìu dắt nhau qua những khó khăn. Vì ai cũng biết, vợ chồng sống với nhau cả đời, cuộc sống nảy sinh những mâu thuẫn là điều khó tránh, quan trọng là ai cũng phải cố gắng hoàn thiện để nắm giữ hạnh phúc.

Những tưởng con cái là sợi dây kết chặt, níu kéo cha mẹ cùng chung sống dưới một nhà, nhưng khi người lớn không còn tôn trọng nhau, mâu thuẫn đã lên đỉnh điểm thì sớm muộn gì hôn nhân cũng đến hồi đổ vỡ. “Suy cho cùng, chỉ vì tình yêu anh dành cho tôi không đủ lớn để có thể cùng nhau đi đến cuối cuộc đời” - chị H. buông lời.

Võ Nguyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích