Những năm qua, Đồng Nai kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để từng bước hướng đến phát triển công nghiệp xanh.
[links()]Những năm qua, Đồng Nai kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để từng bước hướng đến phát triển công nghiệp xanh.
Sản xuất may mặc trong Khu công nghiệp sinh thái Amata. Ảnh: H.Lộc |
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi đầu cả nước trong triển khai mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo xu hướng toàn cầu, với mục tiêu phát triển công nghiệp xanh.
* Xây dựng các KCN sinh thái
Đồng Nai hiện được quy hoạch và có số lượng KCN đang hoạt động nhiều nhất cả nước. Nhiều năm nay, tỉnh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành thu hút vốn FDI tốt nhờ các lợi thế về địa lý, hạ tầng, môi trường đầu tư và định hướng phát triển công nghiệp xanh của tỉnh.
Tính đến hết năm 2022, tỉnh thu hút hơn 1,5 ngàn dự án đầu tư đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia như: Hyosung, Bosch, Amata, Fujitsu, Nestlé, Ajinomoto, Cargill… đã chọn Đồng Nai làm điểm đến, sau đó thành công rồi mở thêm nhà máy ở nhiều tỉnh, thành khác.
Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường cho hay: “Nhiều năm nay, tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc và các dự án đáp ứng tiêu chí sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Ban hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường”.
Đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, tỉnh yêu cầu phải bảo đảm diện tích cây xanh tối thiểu. Mở rộng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo nhu cầu của DN. Hàng năm, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai thực hiện giám sát thu gom, xử lý nước thải và đôn đốc, nhắc nhở đầu tư các hạng mục bảo vệ, phòng ngừa sự cố môi trường. Đến nay, 31 KCN đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Hiện nay, tỉnh cũng đang thí điểm xây dựng mô hình KCN sinh thái Amata (TP.Biên Hòa). Theo đó, các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, sản xuất, sử dụng tài nguyên và dịch vụ tiện ích từng bước được hoàn thiện theo tiêu chí sinh thái. Tới đây, mô hình này sẽ được triển khai nhân rộng ra các KCN hiện hữu và KCN mới sau này.
Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cao cấp Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đánh giá: “Nội bộ KCN Amata đã hình thành nhiều dịch vụ cộng sinh theo hướng sinh thái. Chẳng hạn, thu gom nhựa thải từ các DN để tái chế ở Công ty TNHH Nhựa Vô Song; thu gom sắt thép phế liệu từ các công ty để tái chế ở Công ty CP Thép đặc biệt Pro-vision; sử dụng nước thải sau hệ thống lọc RO của Công ty CP Nước tinh khiết Ốc Đảo Xanh để tưới cây cho một số công ty lân cận”.
Các DN cần tăng cường trao đổi, liên kết sử dụng chung các dịch vụ như: đào tạo lao động, bảo dưỡng công nghiệp, thu gom rác thải, xây dựng nhà ở phục vụ công nhân… vừa tiết kiệm chi phí, vừa gia tăng tiện ích đối với DN và người lao động.
* Cần pháp lý hoàn thiện và ổn định
Theo các chuyên gia, một trong những mối lo của nhà đầu tư là chính sách thiếu ổn định, minh bạch. Các chuyên gia lý giải, ngoài pháp luật ở Việt Nam còn có các thông tư, nghị định, nhưng các bộ, ngành liên quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn, không có công cụ hỗ trợ trực tiếp dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng phòng TN-MT Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, giữa các luật với nhau, giữa luật với nghị định vẫn còn những bất cập. Chẳng hạn, về cơ chế khuyến khích tái sử dụng chất thải hiện chưa có hướng dẫn cho việc tái sử dụng chất thải, đặc biệt là vấn đề tái sử dụng nước thải công nghiệp cho mục đích: tưới cây, sản xuất công nghiệp…
Sản xuất bao bì nhựa tại Công ty CP Visual Plastic (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) |
Tương tự, đối với phát triển năng lượng tái tạo, nhiều DN đang “bó tay” vì quy trình, thủ tục phức tạp.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong nhận xét, Đồng Nai có lợi thế về điện mặt trời mái nhà nhưng đang gặp khó khăn trong phát triển nguồn năng lượng này. Cụ thể, dự án năng lượng mặt trời mái nhà phải đảm bảo an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành… Mỗi nội dung là một bộ, ngành quản lý, thủ tục còn nhiêu khê và đây là trở ngại lớn, làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trên địa bàn tỉnh lưu ý, tỉnh cần xác định cụ thể vướng mắc và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành sửa đổi chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng.
Phát triển công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu. Để phát triển sản xuất xanh, ngoài sự nỗ lực của DN, cần sự hỗ trợ về chính sách như: bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất công nghiệp để DN dễ thực hiện; hỗ trợ về vốn, thuế, đầu ra sản phẩm với DN tiên phong trong sản xuất xanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua sử dụng sản phẩm xanh. Có như vậy, mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, xây dựng nền kinh tế xanh mới sớm thành hiện thực.
Hoàng Lộc - Vương Thế