Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi ở cộng đồng dân cư, doanh nghiệp (DN) để hoàn thiện. Vì đây là luật có độ bao phủ rộng, liên quan đến hầu hết người dân, DN trên cả nước.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi ở cộng đồng dân cư, doanh nghiệp (DN) để hoàn thiện. Vì đây là luật có độ bao phủ rộng, liên quan đến hầu hết người dân, DN trên cả nước. Do đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhận được nhiều góp ý từ người dân và DN. Trong đó, nhiều DN, hiệp hội quan tâm góp ý một số quy định về cơ chế phát triển quỹ đất với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, để đất đai trở thành động lực của nền kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Trong Điều 109 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định nguồn thu tài chính của quỹ phát triển đất (QPTĐ) được tiếp nhận từ 3 nguồn là: phân bổ từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật và 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều. Ví như TP.HCM nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2021 có hơn 11,2 ngàn tỷ đồng, nếu trích 10% cũng chỉ được hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, không đáp ứng được yêu cầu về vốn để thực hiện nhiệm vụ của QPTĐ. Do vậy, nhiều địa phương đề xuất bổ sung thêm nguồn thu từ việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương để tạo nguồn tài chính cho QPTĐ.
Về nhiệm vụ chi của QPTĐ là ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ ràng, chi tiết để khi áp dụng tạo thuận lợi cho triển khai các dự án, tăng nguồn thu cho ngân sách. Cụ thể, có một số khoản chi tài chính của QPTĐ không thể trực tiếp tái tạo nguồn thu tài chính là thực hiện các dự án đầu tư công. Tuy nhiên sau đó, Nhà nước sẽ thu lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách sau khi các dự án đầu tư công này đưa vào khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, có một số khoản chi tài chính của QPTĐ có thể thu hồi, tái tạo được nguồn thu là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất phát triển dự án nhà ở xã hội. Chi phí này được tính vào chi phí đầu tư dự án mà sau khi thực hiện đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư dự án thì sẽ có nguồn tài chính để hoàn trả cho quỹ. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển quỹ đất đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế. Sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư sẽ tạo nguồn thu tài chính để hoàn trả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, còn tạo thêm được nguồn thu tài chính từ chênh lệch cho quỹ.
Uyển Nhi