Cùng với sản xuất công nghiệp, nhiều năm nay Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu về giá trị xuất, nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa của tỉnh xuất khẩu đi khắp thế giới với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao.
Cùng với sản xuất công nghiệp, nhiều năm nay Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu về giá trị xuất, nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa của tỉnh xuất khẩu đi khắp thế giới với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao.
Người dân mua sắm tại siêu thị MM Mega Market Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Song song với ngoại thương, lĩnh vực thương mại, dịch vụ nội tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ, phục vụ cho thị trường có quy mô dân số chỉ sau TP.HCM. Hệ thống mạng lưới phân phối bán buôn và bán lẻ mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, hàng hóa, dịch vụ, chất lượng được cải thiện.
* Giữ vị trí tốp đầu về xuất khẩu
Nhìn lại dấu mốc thời gian từ khi đổi mới đến nay, sự tăng trưởng ngoại thương của Đồng Nai đã có sự phát triển vượt bậc. Theo Sở Công thương, trước đổi mới, hoạt động xuất khẩu hầu như chưa có gì, chủ yếu là trao đổi hàng hóa qua lại. Đến năm 1990, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 triệu USD, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của giai đoạn này vẫn là hàng nông sản.
Năm 2005, xuất khẩu tăng khoảng 107 lần, đạt 3,1 tỷ USD so với năm 1990. Đến giai đoạn 2006-2015, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra nhiều chiều hướng tích cực đối với Đồng Nai trong việc tiếp cận và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Xuất khẩu ở Đồng Nai đến năm 2015 đã đạt kim ngạch 14,5 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước.
Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự suy thoái kinh tế toàn cầu, Đồng Nai vẫn xuất khẩu được hơn 24,5 tỷ USD. Cán cân thương mại năm 2022 nghiêng về phía tỉnh và xuất siêu hơn 5,6 tỷ USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 472 triệu USD, nhiều năm liền, mức xuất siêu của tỉnh luôn ở tốp đầu cả nước.
Đồng Nai hiện có giao thương với trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có một số nhóm hàng có xuất siêu lớn là: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, cà phê... Kết quả trên là do từ 15 năm trước, tỉnh đã ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho những ngành sản xuất chính. Hàng năm, số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 40% dự án mới thu hút được.
Trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thế giới thay đổi sau đại dịch Covid-19 và yêu cầu bắt buộc để phát triển theo hướng hiện đại, Đồng Nai đang tính toán để cơ cấu lại các nhóm hàng xuất khẩu. Tỉnh vừa ban hành kế hoạch về chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 6-7%/năm trong suốt giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn từ 2026-2030 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm.
Để cân đối hài hòa và phát huy các lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, Đồng Nai đặt mục tiêu duy trì tỉ trọng hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu đạt 88% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh vào năm 2025 và tăng lên 90% vào năm 2030. Bên cạnh công nghiệp chế biến chế tạo, trong các năm tới, Đồng Nai sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu thêm các nhóm mặt hàng khác, bao gồm nhóm nông - lâm sản (cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, trái cây) và các mặt hàng là sản phẩm đặc sản của các làng nghề, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, bên cạnh thị trường truyền thống, Đồng Nai sẽ tích cực hỗ trợ DN tìm thêm các đơn hàng, đối tác mới để đa dạng hóa thị trường của mình. Trong giai đoạn hiện nay, các DN ở địa phương rất mong muốn Chính phủ, bộ, ngành nới rộng chính sách vay vốn cho sản xuất, đồng thời tiết giảm hợp lý các thủ tục hành chính để DN tiếp cận nguyên vật liệu nhanh nhất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
* Đa dạng các loại hình bán lẻ, dịch vụ
Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân đạt 11%/năm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 187,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2,4% so với năm trước đó. Đến năm 2022, sau dịch Covid-19, doanh thu từ bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã phục hồi, đạt gần 232,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 23,6% so với năm 2021.
Đồ họa thể hiện số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 4-2023. Nguồn: Sở Công thương - Đồ họa: Hải Hà |
Trong năm 2023, ngành Công thương trong tỉnh phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 252,9 - 255,2 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 9-10% so với cùng kỳ năm 2022 (doanh thu bình quân mỗi tháng đạt khoảng 21 ngàn tỷ đồng).
Đối với các kênh bán lẻ hiện đại, năm 1997, siêu thị đúng nghĩa đầu tiên ở Đồng Nai nói riêng và ở Việt Nam nói chung đi vào hoạt động đó là siêu thị Cora (TP.Biên Hòa) nay là Trung tâm Thương mại Big C Đồng Nai. Đến nay, mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đã ngày càng mở rộng và phát triển với 6 trung tâm thương mại và 13 siêu thị. Mới đây nhất, tháng 4-2023, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã khai trương siêu thị mini go! Nhơn Trạch ở H.Nhơn Trạch.
Ông Kim Tae Hyun, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị mini go! thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ, đây là siêu thị thứ 5 thuộc chuỗi go! và là siêu thị mini đầu tiên ở Đồng Nai của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, bên cạnh 2 đại siêu thị Big C (Big C Đồng Nai, Big C Tân Hiệp).
Cùng với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, nhiều chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị mini ngày càng mở rộng. Thống kê từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 258 cửa hàng tiện lợi do DN thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, về phát triển hạ tầng thương mại, ngành Công thương tỉnh cần triển khai kế hoạch phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 theo kế hoạch chung giai đoạn 2022-2025 đã được tỉnh phê duyệt, trong đó thể hiện vai trò phối hợp với địa phương cấp huyện, các sở, ngành mời gọi các dự án đầu tư vào loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ hiện đại giúp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và tăng doanh thu ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh.
Thương mại dịch vụ phát triển thúc đẩy các ngành khác phát triển theo và đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước. Hiện nay, thương mại dịch vụ chiếm gần 30% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự kiến những năm tới, cơ cấu của ngành này sẽ tăng cao khi hàng loạt dự án giao thông cấp vùng, quốc gia hoàn thành và đưa vào khai thác.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 138 chợ đang hoạt động trong quy hoạch. Trong đó, có 1 chợ đầu mối, 7 chợ hạng I, 29 chợ hạng II và 101 chợ hạng III. |
Vương Thế - Hải Quân