Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với nguy cơ về phòng vệ thương mại

07:04, 06/04/2023

Trong quá trình hội nhập sâu rộng, hoạt động xuất khẩu đạt giá trị lớn là nguy cơ bị cạnh tranh và đối mặt nhiều hơn với các vụ điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài. Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu nên khó tránh khỏi những nguy cơ trên.

Trong quá trình hội nhập sâu rộng, hoạt động xuất khẩu đạt giá trị lớn là nguy cơ bị cạnh tranh và đối mặt nhiều hơn với các vụ điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài. Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu nên khó tránh khỏi những nguy cơ trên.

Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tính đến tháng 3-2023. Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) - Đồ họa: Hải Hà
Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tính đến tháng 3-2023. Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) - Đồ họa: Hải Hà

Thống kê của Cục PVTM (Bộ Công thương) cho thấy, tính đến tháng 3-2023, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 228 vụ việc PVTM đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

* Ứng phó biện pháp PVTM mới

Theo Bộ Công thương, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Gần đây nhất, tháng 11-2022, Mỹ đã khởi xướng 10 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM đối với các sản phẩm: thép không gỉ dạng tròn, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ và một số sản phẩm ống thép và 1 vụ điều tra chống phá giá đối với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.

Các nước Australia, Ấn Độ, Mexico lần lượt khởi xướng 3 vụ điều tra chống bán phá giá đối với tấm trải sàn vinyl, amoni nitrat, thép cán nguội của Việt Nam. Ngoài ra, Ấn Độ và Marocco khởi xướng điều tra 2 vụ việc tự vệ liên quan đến các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu gồm: nhựa PVC, săm lốp mô tô, xe máy, xe đạp.

Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, trong bối cảnh tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp (DN) cần cập nhật những thông tin về thị trường xuất khẩu, cẩn trọng với các rủi ro về PVTM, chống bán phá giá… Điểm yếu của nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa là thiếu tính bao quát, đánh giá các rủi ro “từ sớm” và “từ xa” liên quan đến quá trình hội nhập, trong đó có vấn đề về PVTM. Tại Đồng Nai, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như giày dép, sản phẩm gỗ… là những mặt hàng dễ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề về PVTM.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture (tỉnh Bình Dương) Huỳnh Thanh Vạn cho hay, nhiều sản phẩm về gỗ, nội thất đang có nguy cơ đối mặt với các nguy cơ về PVTM, các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để hưởng lợi trong quá trình xuất khẩu. Do đó, vấn đề chứng minh được nguồn gốc, nguồn nguyên liệu là rất cấp thiết nên các DN ngành gỗ luôn cẩn trọng, lưu ý để hạn chế nguy cơ về PVTM.

* Tăng cường cập nhật thông tin

Theo đại diện Phòng Xử lý PVTM nước ngoài (Cục PVTM), với sự xuất hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhiều thị trường xuất khẩu tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu… sẽ dẫn đến tần suất nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ xảy ra nhiều hơn.

Để hội nhập, hạn chế những nguy cơ về PVTM, các DN cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về PVTM, thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với các hiệp hội, nhà xuất khẩu và các cơ quan quản lý; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng. Đồng thời, cần chủ động tham gia các vụ việc phát sinh liên quan đến PVTM một cách đầy đủ, tích cực.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện chia sẻ, nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ, thiếu thông tin về vấn đề PVTM. Trong thời gian tới, hiệp hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối, trao đổi thông tin đến các DN trên địa bàn về các nhóm mặt hàng có nguy cơ đối mặt với các vấn đề PVTM, các vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, góp phần nâng cao nhận thức của DN về PVTM.

Theo Chánh văn phòng Cục PVTM Đặng Xuân Tâm, Cục sẽ tăng cường các chương trình, hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về PVTM cho các ngành sản xuất trong nước ứng phó với các vụ việc PVTM. Mục tiêu là giúp cho các cơ quan, các hiệp hội, DN bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN sản xuất, xuất - nhập khẩu tại các địa phương, trong đó có Đồng Nai.

Theo nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng ở các địa phương cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội liên quan để triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ DN xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, cũng như tăng cường thông tin cảnh báo về các vấn đề liên quan đến PVTM đến các DN.

Hải Quân

Tin xem nhiều