Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý lấn chiếm đất công, vì sao chậm?

08:03, 23/03/2023

Qua thống kê của các địa phương, toàn tỉnh có gần 600 trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất công nhưng mới xử lý được 15 trường hợp. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai.

Qua thống kê của các địa phương, toàn tỉnh có gần 600 trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất công nhưng mới xử lý được 15 trường hợp. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai.

Công trình lấn chiếm gần 460m2 đất công tại ấp Bình Lâm, xã Lộc An, H.Long Thành. Ảnh: B.Mai
Công trình lấn chiếm gần 460m2 đất công tại ấp Bình Lâm, xã Lộc An, H.Long Thành. Ảnh: B.Mai

Phải mạnh tay xử lý vi phạm đất công và đưa đất vào sử dụng đúng mục đích là chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy.

* Lấn chiếm đất công còn nhiều

Những năm qua, tỉnh và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đất công, song xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế.

TP.Biên Hòa có 198 thửa đất công phát sinh tranh chấp, lấn chiếm nhưng đến nay mới xử lý được 22 thửa. Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, có 15 trường hợp tranh chấp đất công, thành phố đã giao Phòng Tư pháp hướng dẫn các xã, phường hoàn thiện hồ sơ, xử lý và đến nay đã xong 1 trường hợp. Đối với 183 thửa lấn chiếm cần phải thu hồi, đã xử lý được 21 trường hợp. Các trường hợp còn lại đã giao Phòng TN-MT chủ trì, xây dựng kế hoạch và phối hợp với 30 phường, xã nơi có đất công bị lấn chiếm, tranh chấp xử lý, thu hồi theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH yêu cầu UBND tỉnh và 11 địa phương báo cáo, giải trình trách nhiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, xây dựng về Tỉnh ủy. Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý đất đai, xây dựng và các địa phương cũng phải làm việc này.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công sai mục đích xảy ra ở hầu hết các địa phương. Bên cạnh lý do quản lý chưa chặt chẽ, chưa phát hiện, xử lý kịp thời thì sự chồng chéo giữa các luật, đặc biệt là Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp cũng gây khó cho công tác xử lý các vi phạm.

Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho hay, trên địa bàn huyện có 116 thửa đất công bị lấn chiếm với diện tích hơn 50ha. Phần lớn các trường hợp này đã xảy ra từ những năm 1990 trở về trước. Huyện đã mời các ban, ngành của tỉnh về tháo gỡ theo hướng rà soát, phân chia đối tượng, thuê đơn vị tư vấn hướng dẫn.

“Huyện có 2 khu vực xảy ra lấn chiếm đất công nhiều. Trong đó, khu vực xã Phước Bình, tỉnh đã tháo gỡ và huyện đang tiến hành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân canh tác trước năm 1990. Khu xã Bàu Cạn, trước đây lâm trường cho dân mượn đất cất nhà tạm để giữ rừng, sau đó người dân xây nhà, huyện đang kiến nghị tỉnh tháo gỡ” - ông Dũng thông tin.

Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Từ Nam Thành cho rằng, việc xử lý lấn chiếm đất công vẫn còn những vướng mắc do có trường hợp xảy ra từ khi chưa thành lập huyện (năm 2004); trước đây thống kê, xác định đất công cũng chưa rõ ràng. Mới đây, huyện chỉ đạo Phòng TN-MT, Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với các xã và đơn vị tư vấn xác định, phân loại và đề xuất xử lý trong năm nay.

Hiện nay, quản lý đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, để người dân lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích. Hậu quả là phá vỡ quy hoạch địa phương, do đó cần thu hồi, sử dụng đất đúng mục đích. 

* Xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm đất công

Tính đến hết năm 2022, UBND các huyện, thành phố mới xử lý được 15/599 trường hợp lấn chiếm đất công. Đáng chú ý, nhiều trường hợp lấn chiếm đất công đã phân lô, bán nền, xây dựng nhà xưởng nhưng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa khắc phục hậu quả.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, năm 2022, Sở đã làm việc với 11 đơn vị cấp huyện, yêu cầu rà soát lại các thửa đất công bị lấn chiếm theo danh sách đã thống kê trước đây. Xác định rõ thửa nào không đúng bản chất đất công thì đưa ra khỏi danh sách, thửa nào còn thiếu sót thì bổ sung nhưng đến nay mới nhận được báo cáo của 3-4 địa phương. Sở đã nhắc nhở, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo.

Cũng theo ông Đức, nhiều trường hợp chiếm đất công xảy ra ở các nông, lâm trường. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị này phải lập phương án sử dụng đất, trong đó đề xuất diện tích cần giữ lại sử dụng, còn lại bàn giao cho địa phương; thống kê trường hợp lấn chiếm, tranh chấp để có hướng giải quyết nhưng mới có 4/12 đơn vị có báo cáo phương án. 

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường, cần có quy định và biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp nhận giao khoán đất sở hữu của các nông, lâm trường, nhưng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng cho người khác; không chấp hành giao lại đất cho Nhà nước khi hết thời gian giao khoán. UBND tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đất đai và chỉ đạo cấp huyện xử lý dứt điểm 584 trường hợp lấn chiếm đất công. 

Làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cuối tháng 2-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, đất công bị lấn chiếm quá nhiều. Cấp xã, huyện phải quyết liệt trong thu hồi đất công bị lấn chiếm, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm và tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các vụ việc mới.

Ban Mai

Tin xem nhiều