Xu hướng co hẹp quy mô vốn đăng ký thành lập mới của mỗi doanh nghiệp (DN) đang là thực tế ở Đồng Nai cũng như cả nước. Đây được coi là xu hướng phù hợp với các cơ sở kinh doanh cá nhân phát triển lên DN.
Xu hướng co hẹp quy mô vốn đăng ký thành lập mới của mỗi doanh nghiệp (DN) đang là thực tế ở Đồng Nai cũng như cả nước. Đây được coi là xu hướng phù hợp với các cơ sở kinh doanh cá nhân phát triển lên DN.
Doanh nghiệp cần được tiếp sức để lớn lên Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia |
Với quy mô hoạt động đa phần là DN nhỏ và vừa, các DN còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời để phát triển.
* Về gần hơn với... giá trị thực
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 2-2023, có hơn 8,8 ngàn DN trong nước thành lập mới với số vốn đăng ký 65,6 ngàn tỷ đồng; giảm 18,5% về số DN, giảm 33,8% về vốn đăng ký so với tháng 1-2023. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số DN trong nước thành lập mới tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 23,1% về số vốn đăng ký. Đặc biệt, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong những tháng đầu năm nay chỉ 7,4 tỷ đồng, trong khi những năm trước, quy mô vốn bình quân mỗi DN là 10 tỷ đồng.
Tương tự, tại Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 14-3-2023, có 695 DN đăng ký thành lập mới và số vốn bình quân gần 6,5 tỷ đồng/DN, giảm hơn 18% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, nhiều DN nhỏ hoạt động không hiệu quả phải tạm dừng sản xuất hoặc giải thể.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xu hướng thu hút DN mới với số vốn nhỏ dần có thể được coi là phù hợp với mục tiêu và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đây cũng là điều phù hợp với chủ trương khuyến khích kinh doanh của Nhà nước, nhất là việc chuyển đổi các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể thành DN.
* Cần tháo gỡ các điểm nghẽn
Do suy giảm kinh tế toàn cầu, DN có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong mua nguyên liệu đầu vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, DN cần những hỗ trợ của Chính phủ về chính sách như: giảm bớt thủ tục hành chính, đất đai, vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngay cả khu vực năng động như Đông Nam bộ, DN vẫn còn gặp nhiều rào cản trong vấn đề thành lập và gia nhập thị trường. Việc giải quyết thủ tục về thuế và đất đai còn gây nhiều phiền hà, chi phí không chính thức còn phổ biến trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Tuấn cho rằng, cần phải tiếp tục các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công và tạo thuận lợi môi trường kinh doanh. Cụ thể, rà soát các điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính và có giải pháp đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí tuân thủ cho DN, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và đất đai. Bên cạnh đó, phải tăng cường tính minh bạch trong việc cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền; tăng cường tương tác, đối thoại với người dân và DN...
Về phía địa phương, để thúc đẩy phát triển DN, tháng 6-2021, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành theo nội dung đề án, nhưng qua khảo sát thì việc thụ hưởng còn khiêm tốn. So với quy mô, vị thế và sức hút của Đồng Nai về kinh tế trong cả nước thì đánh giá của các DN qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại chưa được như kỳ vọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, những hạn chế nói trên không chỉ là băn khoăn của DN mà còn là nhiệm vụ rất quan trọng của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải phấn đấu cải thiện. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Văn Gia